Sức khoẻ

Tai biến sản khoa ở ba tháng cuối thai kỳ và cách phòng tránh

Ở ba tháng cuối thai kỳ, cơ thể thai phụ trông rất nặng nề vì sắp đến ngày chuyển dạ. Trong thời gian này, thai phụ có thể bị tai biến bất cứ lúc nào. Có rất nhiều loại tai biến có thể xảy ra ở giai đoạn này như các tai biến về nước ối, ngôi thai bất thường, nhau bong non, nhau tiền đạo. Thai nhi ở 3 tháng cuối về cơ bản đã hình thành đầy đủ các cơ quan nội tạng và hình dáng bên ngoài. Do đó, bất kỳ tai biến nào xảy ra cũng sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc.

1. Ngôi thai bất thường

Ngôi thai là phần trình diện của thai nhi trước khung chậu thai phụ và tiến ra ngoài qua khung chậu thai phụ trong quá trình chuyển dạ. Ngôi thai có 2 kiểu là ngôi thai dọc và ngôi thai ngang. Thai phụ nên khám thai định kỳ để biết trước ngôi thai, từ đó chọn lựa phương pháp sinh phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

Ngôi thai dọc là trục dọc cơ thể thai nhi song song với trục dọc cơ thể thai phụ. Ngôi thai dọc gồm có ngôi đầu và ngôi mông. Ngôi thai đầu là đầu thai nhi hướng xuống dưới âm hộ thai phụ, mông thai nhi hướng về phía ngực thai phụ. Trong quá trình chuyển dạ, ngôi đầu là ngôi thai thuận vì khi sinh, đầu thai nhi ra trước sau đó đến thân và chân tay của thai nhi. Ngôi thai mông là mông thai nhi hướng xuống dưới âm hộ thai phụ, đầu thai nhi nằm ở đáy tử cung và hướng về ngực thai phụ. Trong quá trình chuyển dạ, ngôi mông là ngôi ngược gây khó khăn cho việc sinh vì khi sinh mông và chân của thai nhi ra trước, đầu ra sau, nếu đầu thai nhi to hoặc đầu ngửa lên trên sẽ khó lọt qua khung chậu dễ gây tai biến. Trường hợp ngôi thai mông sẽ được chỉ định mổ lấy thai.

Ngôi thai ngang là trục cơ thể thai nhi nằm ngang so với trục cơ thể thai phụ. Trong trường hợp này, thai phụ sẽ được chỉ định mổ lấy thai.

2. Nước ối bất thường

Nước ối là môi trường sống và phát triển của thai nhi cho đến lúc chào đời. Nó được hình thành từ thai nhi, màng ối và máu trong cơ thể người mẹ, nhưng nguồn quan trọng nhất là sự tái hấp thu nước ối qua hệ tiêu hóa của thai nhi. Nước ối như một lớp đệm bảo vệ thai nhi trong tử cung, giúp thai nhi di chuyển trong tử cung, hỗ trợ cho sự phát triển của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể thai nhi đặc biệt là phổi và hệ tiêu hóa. Chỉ số nước ối tiêu chuẩn là từ 6cm đến 18cm, dư ối là từ 19 cm đến 25 cm, đa ối là trên 25 cm, thiểu ối là dưới 5 cm. Có rất nhiều các tai biến thai kỳ về nước ối xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ như vỡ ối, thiểu ối, đa ối.

– Vỡ ối

Vỡ ối là việc màng ối bị rách làm nước ra đột ngột ở âm đạo, nước ối có thể ra ít hoặc nhiều. Nước ối chảy ra có màu trắng đục, có mùi như mùi nước tiểu và cứ chảy ra liên tục sau đó. Khi phát hiện nước ối chảy ra, thai phụ hết sức bình tĩnh, vệ sinh sạch sẽ vùng kín bên dưới, đóng băng vệ sinh để thấm hút nước ối chảy ra, vận động, đi lại nhẹ nhàng, có thể nghỉ ngơi một lúc để theo dõi tình trạng nước ối chảy ra thế nào rồi nhập viện thăm khám và điều trị. Nếu không điều trị vỡ ối kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, vì khi màng ối rách, vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào túi ối gây nên hiện tượng nhiễm khuẩn bào thai.

– Thiểu ối

Thiểu ối thường gặp ở thai phụ suy dinh dưỡng, suy thai, vỡ ối non, vỡ ối sớm, thai già tháng. Thiểu ối sẽ khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, suy thai, vỡ ối sớm, nhiễm khuẩn bào thai, dây rốn bị chèn ép dẫn đến ngôi thai bất thường. Khi bị thiểu ối, thai phụ nên nghỉ ngơi, bổ sung chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, uống nhiều nước để bổ sung thêm lượng nước ối bị thiếu, đặc biệt là nước hoa quả như nước dừa.

– Đa ối

Đa ối thường gặp ở thai phụ đa thai, thai to, thai phụ bị tiểu đường hoặc cũng có thể do bất thường về hệ thần kinh trung ương của thai nhi như thai vô sọ, cột sống chẻ đôi. Đa ối làm thai nhi di động nhiều hơn trong tử cung, dây rốn quấn cổ, ngôi thai bất thường, khiến cho bụng thai phụ căng to làm thai phụ khó thở. Đa ối cũng làm tử cung co bóp bất thường có thể dẫn đến đờ tử cung, băng huyết, vỡ ối, nhau bong non, sa dây rốn, thuyên tắc ối, đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Thai phụ cần khám thai định kỳ và theo dõi lượng nước ối tiêu chuẩn để phòng tránh đa ối. Khi có hiện tượng bất thường về nước ối thai phụ cần đi khám và điều trị ngay.

3. Nhau bong non

Nhau bong non là trường hợp nhau ở đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi sinh. Hiện tượng này thường gặp ở 3 tháng cuối thai kỳ, lý do là có sự hình thành khối máu tụ giữa thành tử cung và nhau thai. Khi khối máu này to lên sẽ làm bánh nhau bong dần khỏi thành tử cung. Thai phụ bị nhau bong non thường có biểu hiện đau bụng, ra máu âm đạo, choáng váng, huyết áp cao, tử cung co cứng một cách bất thường; xét nghiệm thấy lượng protein cao trong nước tiểu; siêu âm phát hiện khối máu tụ ở trong lòng tử cung.

– Nguyên nhân

+ Thai phụ có bầu khi tuổi cao;

+ Thai phụ nạo hút, phá thai nhiều lần;

+ Thai phụ bị trấn thương trực tiếp vào vùng bụng như vấp ngã, va đạp mạnh;

+ Thai phụ bị huyết áp cao;

+ Thai phụ bị vỡ ối non;

+ Có bất thường về dây rốn, ví dụ dây rốn ngắn;

+ Và những nguyên nhân chưa được xác định khác.

– Cách điều trị

Khi thai phụ có những biểu hiện của nhau bong non cần được đưa đến bệnh viện khám và điều trị ngay. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của hiện tượng nhau bong non và ra máu âm đạo mà thai phụ sẽ được chỉ định đẻ qua âm đạo hay mổ đẻ để lấy thai ra. Nhau bong non nặng sẽ làm nhau bị bong hẳn ra, thai phụ mất nhiều máu do xuất huyết âm đạo, thai nhi bị suy thai, tử cung co bóp mạnh. Khi đó, thai phụ sẽ được tích cực truyền máu, chất điện giải và thai nhi được mổ để lấy ra. Trường hợp thai phụ bị xuất huyết tử cung quá nhiều dẫn đến tử cung bầm tím, đờ cứng không còn khả năng co lại, gây nguy hiểm đến tính mạng thì sẽ được chỉ định cắt bỏ toàn bộ tử cung.

– Cách phòng tránh

+ Thai phụ không nên nạo hút, phá thai nhiều lần;

+ Thai phụ tuổi cao và có tiền sử bệnh mãn tính như huyết áp cao, cần được khám và xét nghiệm toàn diện trước khi mang thai để có biện pháp phòng tránh các tai biến thai kỳ hiệu quả, an toàn;

+ Thai phụ phải khám thai định kỳ và theo dõi thai kỳ chặt chẽ, khi phát hiện nguy cơ tai biến sớm cần nhập viện ngay;

+ Thai phụ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng, làm việc vừa sức để tránh va chạm mạnh vùng bụng.

4. Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo là do vị trí nhau bám bất thường trong tử cung như nhau bám ở đoạn dưới tử cung, che một phần hay che hết cổ tử cung làm cho thai nhi không có đường ra. Trong trường hợp thai phụ bị nhau tiền đạo thì không thể sinh thường qua âm đạo mà phải sử dụng phương pháp sinh mổ.

Thai phụ bị nhau tiền đạo thường có biểu hiện ra máu âm đạo màu đỏ tươi kèm theo máu cục. Lượng máu sẽ ra nhiều hơn nếu thai phụ đi lại, vận động hoặc giao hợp nhiều. Nhau tiền đạo có thể phát hiện được qua siêu âm thai.

– Nguyên nhân

+ Thai phụ nạo hút, phá thai nhiều lần;

+ Thai phụ đã từng bị nhau tiền đạo ở những lần mang thai trước;

+ Thai phụ đã sinh connhiều lần;

+ Các nguyên nhân chưa rõ khác

– Cách điều trị

Nhau tiền đạo sẽ làm thai phụ bị mất nhiều máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Thai nhi chào đời dễ bị suy dinh dưỡng, viêm nhiễm đường hô hấp.

Khi thai phụ bị ra huyết, phải đưa ngay đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu hiện tượng ra máu được kiểm soát, thai nhi còn non tháng thì thai phụ cần nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, vận động mạnh, kiêng giao hợp để dưỡng thai thêm. Nếu trường hợp thai phụ bị ra máu nhiều, thai nhi đã già tháng thì biện pháp điều trị tốt nhất là mổ lấy thai.

– Phòng tránh nhau tiền đạo

+ Thai phụ không nên nạo hút, phá thai nhiều lần;

+ Thai phụ không nên sinh nhiều lần;

+ Nếu ở lần mang thai trước, thai phụ bị nhau tiền đạo thì cần khám trước khi mang thai lần tiếp theo. Đồng thời, thai phụ phải khám thai định kỳ để có thể sớm phát hiện nhau tiền đạo và có biện pháp điều trị phù hợp.

Trên đây là những tai biến sản khoa có thể xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ. Thai phụ cần tìm hiểu kỹ để có biện pháp phòng tránh và điều trị khi gặp phải. Việc bình tĩnh xử lý và được điều trị kịp thời là yếu tố quyết định để có thể bảo toàn tính mạng và sức khỏe của cả mẹ và con.

Quỳnh Tống

Nguồn: congioi.com

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

9 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

9 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago