Dự luật Dân số với đề xuất hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho vợ chồng cao tuổi chỉ có con gái mà không có bảo hiểm xã hội đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp. Theo đó nhằm đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh, các chuyên gia đưa ra 4 biện pháp trong đó có việc hỗ trợ bằng tiền cho các gia đình chỉ sinh con gái. Cụ thể dự thảo luật đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ sẽ quy định cụ thể đối tượng, mức hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, hiện có 2 luồng ý kiến xung quanh đề xuất này. Có ý kiến đồng thuận; song cũng có người cho rằng không nên vì liên quan đến vấn đề bình đẳng giới mà chỉ hỗ trợ gia đình sinh một bề con gái, không hỗ trợ gia đình chỉ sinh toàn con trai.
|
Nếu không có biện pháp mạnh giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tình huống xấu nhất đến năm 2050 nước ta sẽ có khoảng 4,3 triệu nam giới ế vợ. Ảnh minh họa: M.T. |
Giáo sư Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số, Gia đình và trẻ em cho rằng, nếu coi hỗ trợ người cao tuổi sinh con một bề gái là một cách để giảm tỷ số giới tính khi sinh thì sẽ không hiệu quả. Thực tế tỷ số giới tính khi sinh cao ở những gia đình có kinh tế khá giả, phụ nữ có trình độ học vấn cao. Kết quả tổng điều tra dân số 2009 cho thấy, 20% dân số nghèo nhất có tỷ số giới tính khi sinh là 105 bé trai/100 bé gái, 60% dân số thu nhập trung bình là 107,5; trong khi 20% dân số giàu nhất con số này xấp xỉ 113.
Giáo sư Cử cũng lấy ví dụ nhiều năm nay Trung Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ 600 tệ mỗi tháng một người cho những cặp vợ chồng sinh con một bề gái nhưng tỷ số giới tính khi sinh ở nước này vẫn không giảm. Ngoài ra nếu quy định hỗ trợ như trên sẽ vô hình trung mặc định những gia đình sinh con gái là thiệt thòi, là nhóm yếu thế; đồng thời cũng mặc nhiên công nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ là của con trai. Luật Bình đẳng giới cũng quy định nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.
“Theo tôi không nên hỗ trợ như đề xuất. Thay vào đó Nhà nước cần tập trung phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế, khi đó bình đẳng giới sẽ được thực hiện, lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm hoặc không còn; đồng thời siết chặt hoạt động siêu âm giới tính thai nhi”, giáo sư Cử nói.
Tỷ số khi sinh ở mức bình thường là 105-106 bé trai/100 bé gái. Từ năm 2006 tỷ số giới tính sinh của nước ta đạt 110 và duy trì ở mức cao này cho đến nay. Có năm đỉnh điểm lên đến 113,8 vào năm 2013. “Điều đó cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta ngày càng diễn ra phức tạp, luôn ở trạng thái rất cao”, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó vụ trưởng vụ cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số – Kế hoạch gia đình cho biết.
Ngoài ra ngày càng có nhiều tỉnh thành, vùng xảy ra tình trạng này, không chỉ thành phố mà cả nông thôn, không chỉ ở đồng bằng Bắc Bộ mà xu hướng lan rộng ra cả nước.
“Tỷ số giới tính khi sinh tăng ở cả thành thị và nông thôn; cao từ lần sinh thứ nhất và rất cao ở lần sinh cuối khác một số nước ở lần một thấp hơn. Dù nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, cung cấp giới tính thai nhi nhưng tình trạng biết trước rất cao. 83% phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi”, ông Trường nói.
Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là do tư tưởng muốn có con trai, phải có con trai đã ăn sâu vào tiềm thức, lại thêm sự phát triển công nghệ, lạm dụng y học công nghệ trong chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi. Tập tục xã hội là nguyên nhân cơ bản xuất hiện sự mất cân bằng này. Chuẩn bị kết hôn thường do nhà trai chủ động, khi qua đời tập tục là người con trai chống gậy, đáp lễ… Tâm lý nhiều người vẫn cho rằng khi bố mẹ về già, có vấn đề gì thì trách nhiệm thường do con trai, con gái chỉ một phần; rồi phát triển kinh tế gia đình vai trò người con trai vẫn là chính.
Năm 2014 có 16/63 tỉnh xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng. Trong đó nặng nề nhất hiện nay là Quảng Ninh 124,4 bé trai/100 bé gái; sau đó là Hưng Yên với 119,5 bé trai/100 bé gái; Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định… Ước tính, đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3 triệu nam giới.
Nam Phương
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…
Muối rất cần thiết đối với cơ thể tuy nhiên thừa muối gây ra nhiều…
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…
Sắc mặt và âm lượng giọng nói phản ánh sức khoẻ của mỗi người. Người…