Tại Hội thảo “Phòng và điều trị bệnh lý đái tháo đường type 2”, do Bộ Y tế phối hợp tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng là môi trường, bao gồm lối sống ít vận động, ăn nhiều chất bột đường, đặc biệt là cơm trắng. Đây là các loại gạo đã được xay xát kỹ là loại sau khi ăn, chúng chuyển hóa rất nhanh tạo thành lượng đường trong cơ thể.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, cũng cho biết gạo xát trắng đã bị mất đi lớp vỏ lụa chứa rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magiê, mangan, sắt và chất xơ. Đặc biệt, lượng chất xơ đã bị mất đi rất quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng tiền đái tháo đường.
Về lượng cơm trắng nên ăn hàng ngày, theo tiến sĩ Tiến, điều này phụ thuộc vào từng cá nhân, chế độ vận động, tiêu hao lượng calo mỗi ngày. Tuy nhiên, để ngăn ngừa lượng đường cao từ cơm trắng, người dân nên tăng cường ăn rau lá và trái cây (loại không chứa nhiều vị ngọt). Chúng cung cấp chất khoáng, chất xơ cho cơ thể, có tác dụng ngăn chặn cảm giác thèm ăn, đồng thời giúp tạo ra “màng lưới” làm chậm quá trình đường hấp thu vào máu.
Chuyên gia cũng lưu ý khi bổ sung trái cây, người dân nên ăn nguyên quả thay vì nước ép để tận dụng lượng chất xơ.
PGS Nguyễn Nghiêm Luật. Ảnh: HQ.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Tuy nhiên, con số người bệnh chưa được chẩn đoán lên tới gần 70%. Bởi vậy, nhiều người được phát hiện bệnh khi đã xuất hiện nhiều biến chứng.
Theo tiến sĩ Tiến, đái tháo đường được coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.
PGS Luật cũng cho biết thêm vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở nước ta là bệnh đái tháo đường type 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em (thay vì ở người cao tuổi) trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khoảng 70% trường hợp đái tháo đường type 2 có thể dự phòng. Để chẩn đoán sớm, các bác sĩ cần dựa trên tiêu chuẩn về dấu ấn sinh học gồm Glucose 2 giờ, Glucose lúc đói, HbA1c và các triệu chứng lâm sàng.
“Hiện có trên 70% số người bị tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành đái tháo đường type 2 và gặp các biến chứng vi mạch như các bệnh võng mạc, thận, thần kinh và bệnh cơ tim. Do đó, người dân nên tầm soát bệnh trước khi xuất hiện các dấu hiệu như ăn nhiều, uống nhiều, khát nước, sụt cân,… Khi xuất hiện các dấu hiệu, bệnh đã nặng”, PGS Luật khuyến nghị.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…