Rượu thuốc là thứ đồ uống khá phổ biến, được xem là thức uống quý để đãi khách. Tuy nhiên, không phải ai cũng uống được rượu thuốc và không phải thuốc nào cũng quý, cũng bổ.
Rượu thuốc tự ngâm: “Thần dược” hay “độc dược”?
Rượu thuốc thường được ngâm từ rượu trắng nồng độ cao với các loại thảo dược hoặc động vật, côn trùng, được cho là bồi bổ gân cốt, bổ thận, tráng dương…
Theo thói quen của nhiều người, rượu thuốc có thể là rượu ngâm với bất cứ thứ gì được “truyền miệng” là tốt, là bổ. Đó có thể là rượu ngâm với các loại cây nhà lá vườn như đinh lăng, sâm đất, ngũ gia bì, chuối hột đến một số loại động vật như bìm bịp, rắn, rết, tắc kè, tay gấu, mật cá trắm hoặc một vài loại côn trùng như bổ củi, sâu chít, ong vò vẽ…, miễn là “nghe nói bổ” thì cho vào ngâm rượu rồi uống.
Tuy không phải “bợm nhậu”, rất nhiều người có thói quen sưu tập nhiều loại rượu thuốc chỉ để ngắm chơi, có khách quý đến thì đem ra mời với lời giới thiệu rất hấp dẫn nhưng chung chung, đại loại rượu này nghe nói đại bổ khí huyết, bổ gân cốt, ông uống bà khen hay.
Chính vì uống rượu thuốc kiểu nghe nói như vậy nên đã xảy ra không ít ca ngộ độc, thậm chí tử vong chỉ vì uống… rượu bổ, rượu quý.
Không ít người tin vào tác dụng truyền miệng của rượu thuốc mà mang họa vào thân.
Tháng 10/2016, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận hai ca cấp cứu vì ngộ độc rượu thuốc tự ngâm từ củ ấu tẩu. Một người tới nhà bạn chơi, thấy có bình rượu thuốc nghe nói bổ lắm nên mỗi người đã thử một chút. Bổ đâu chưa thấy, nhưng ngay sau khi uống rượu, cả hai đều thấy hoa mắt, rã rời, vã mồ hôi, tim đập nhanh… phải vào viện cấp cứu, may mắn không ai thiệt mạng.
Cũng chỉ vì rượu thuốc, ba năm trước ở Lâm Đồng có một vụ ngộ độc rượu thuốc dẫn đến tử vong. Nạn nhân sau khi uống một ly rượu ngâm cây được cho là rễ cây mật nhân do một người bạn mời đã có một số triệu chứng lạ. Để chứng minh rượu không có vấn đề gì, người chủ bình rượu đã uống một lúc ba ly rượu và cũng lâm vào tình trạng nguy kịch sau ít phút. Sau đó, một người đã tử vong.
Số rễ cây này sau khi được các bác sĩ xem xét cẩn thận đã kết luận có vài loại rễ rất giống với rễ cây mã tiền, một loài cây kịch độc.
Có lẽ không ít người còn nhớ vụ ngộ độc rượu thuốc nghiêm trọng khiến 21 người gục ngay trên bàn tiệc ở Bình Định mà báo chí đã đưa tin. Theo đó, một gia đình có đãi đám giỗ và mời khách rượu thuốc có tác dụng cường dương, bổ thận, ăn tốt ngủ tốt. Tuy nhiên, nhiều khách sau khi uống nửa ly nhỏ đã có cảm giác mờ mắt, gục ngay tại bàn. Hậu quả là 20 người đã phải đi cấp cứu, một người tử vong.
Gần đây nhất, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, trên cả nước có gần 808 trường hợp ngộ độc được xác định là do rượu bia. Trong số đó, có khá nhiều người ngộ độc do uống các loại rượu thuốc ngâm với mật cá trắm, các loại cây, rễ củ vì nghe nói là đại bổ.
Bổ đâu chưa thấy…
Hãy khoan bàn đến tác dụng của rượu thuốc tự ngâm, tự chế. Tác hại của loại rượu này vô cùng nhiều. Theo các chuyên gia, bác sĩ, việc sử dụng các loại thảo dược, động vật ngâm rượu mà không rõ công dụng thì nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể rất cao.
Rượu thuốc nếu ngâm, uống bừa bãi lợi đâu chưa thấy chỉ thấy hại.
Ngoài việc uống quá nhiều loại rượu này có thể gây ngừng chức năng của hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, việc tự mua, tự ngâm thảo dược cũng không thể tránh khỏi lẫn trong đó vài loại cây củ có độc như mã tiền, cây lá ngón như báo chí đã từng thông tin. Thậm chí có cơ sở ngâm rượu rắn hổ mang, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì thấy phần lớn là rắn nước, rắn ráo, rắn bông súng được căng chỉ, chống tăm cho phồng mang giống rắn hổ mang đem ngâm rượu.
Trong một đợt khảo sát của Viện Dược liệu gần đây, các loại thuốc dùng để ngâm rượu – nhất là các loại dược liệu đắt tiền – thường được trộn lẫn, thậm chí làm giả. Chỉ riêngvới nhân sâm đã có tới 60% mẫu kiểm tra không đạt hàm lượng ginsenoid, 40% mẫu hà thủ ô, 80% mẫu dương quy, 30% mẫu nghệ… không đạt chỉ tiêu quy định.
Nói về “mốt” rượu thuốc gần đây là rượu ngâm rễ, quả khô của cây anh túc thành đồ uống để các quý ông tăng cường sức mạnh nam giới, Phó giám đốc BV Y học cổ truyền – Bộ Công an – ThS Trần Ích Quân, từng trả lời trên báo Hà Nội Mới rằng rượu ngâm thân, lá, quả anh túc dễ gây nghiện trong khi hoàn toàn không bổ cho sinh khí đàn ông. Lý do là các loại rượu đều đã gây nghiện, mà ma túy lại có trong quả anh túc, do đó người sử dụng loại rượu này dễ phụ thuộc vào nó.
Tương tự, PGS-TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội), cũng cho rằng đây là loại rượu không có tác dụng tăng cường sức mạnh đàn ông, mà chỉ gây ảo giác. Nhẹ thì gây ức chế, hôn mê, ảo giác, nặng thì trụy mạch, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Cùng với đó, những thứ như rượu tay gấu, rượu mật cá trắm… đều không có tác dụng tăng cường sinh lý như truyền miệng lâu nay.
Các loại rượu thuốc bán trôi nổi ngoài chợ, trên mạng còn nguy hiểm hơn, khi một số người bán hàng đã vì lợi nhuận mà trộn đủ loại thân, lá, rễ cây giả vào dược liệu ngâm rượu. Hoặc để rượu luôn có màu cánh gián, nâu sẫm đẹp mắt, mùi hương hấp dẫn, không ít người đã dùng rượu đế hoặc cồn trộn lẫn hương liệu, chất tạo màu để bán cho khách hàng.
Trước khi ngâm rượu thuốc, cần hỏi ý kiến bác sĩ, lương y, xác định đúng tác dụng của từng loại thuốc.
Những ai không nên dùng rượu thuốc?
Theo Đông y, rượu thuốc được bào chế dưới dạng rượu làm dung môi để ngâm tẩm thảo dược hoặc động vật nhằm chiết xuất hợp chất có trong thảo dược, động vật với tác dụng chữa bệnh, bồi bổ, tăng cường sức khỏe. Tác dụng chính của rượu thuốc là lưu thông khí huyết, kích thích tiêu hóa, giúp người uống rượu với liều lượng nhất định cảm thấy khỏe khoắn, ăn ngon ngủ khỏe.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng được rượu thuốc và uống bao nhiêu cũng được. Những người bị bệnh gan cần tránh xa loại rượu này, do gan khi bị tổn thương sẽ không đào thải được rượu, dẫn tới rượu tích tụ trong cơ thể, gây xơ gan hoặc bệnh gan nặng hơn.
Tương tự, người mắc bệnh cao huyết áp nếu uống rượu thuốc cũng làm huyết áp tăng cao đột ngột, dễ làm vỡ mạch máu, xuất huyết não gây tử vong.
Ngoài ra, không nên ngâm rượu theo truyền miệng, hoặc nghe nói, nghe đồn, bởi mỗi loại thuốc khi ngâm rượu sẽ có một công dụng khác nhau. Trước khi quyết định ngâm loại rượu nào, nên hỏi bác sĩ, lương y, không tiện đâu mua đó. Khi uống cũng cần tuân thủ đúng liều lượng, đúng bệnh, đúng người, không ngâm uống bừa bãi dẫn tới tình trạng lợi bất cập hại.
BS Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội, cho biết nếu một người uống rượu bình thường (không phải rượu thuốc) và với lượng vừa đủ thì có thể không bị làm sao nhưng với rượu thuốc thì cần phải cẩn thận.
Ngày xưa thầy lang hay cho ngâm thuốc với rượu để chữa bệnh nhưng khi uống thầy lang sẽ hướng dẫn cách uống, liều lượng ra sao. Bây giờ, mọi người ngâm thuốc với rượu theo sở thích, uống tràn lan nên nguy cơ bệnh tật lúc nào cũng rình rập.
Lý do là bởi loại thuốc được ngâm chẳng có ai kiểm định được nó có an toàn không, tác dụng như thế nào, thuốc đó có bị nấm hay vi khuẩn không. Cứ có thuốc là ngâm rượu rồi uống vô tội vạ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống. Không cứ gì rượu thuốc, mà rượu thường nói chung cũng vậy, nếu quá lạm dụng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
BSCKII Lê Tuyên Hồng Dương, nguyên Trưởng khoa Gây mê hồi sức, BV Giao thông vận tải, cho biết từng gặp không ít trường hợp bệnh nhân phải vào viện cấp cứu vì uống rượu nói chung và rượu thuốc nói riêng. BS Dương chia sẻ thuốc để ngâm rượu rất nhiều loại nhưng ngâm như thế nào, cách khử độc ra sao để không làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc và sức khỏe của người uống thì không phải ai cũng biết.
“Thuốc Đông y bao gồm nhiều yếu tố khác, gồm cả phần bổ và phần độc tố chứ không phải cứ thuốc là bổ. Nếu uống rượu thuốc ngâm không đúng cách sẽ gây ngộ độc, suy thận, suy gan… Nhiều người cứ nghĩ uống rượu ngâm mật cá trắm bổ nhưng tôi gặp nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, suy thận vì loại rượu này rồi. Mọi người cần hết sức cẩn thận…” – BS Dương khuyến cáo. Hương Giang (ghi)
Theo Thanh Giang / Báo Pháp Luật TP.HCM
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.