Categories: Sức khoẻ

Quá trình chuyển dạ và những điều cần lưu ý

Sau thời gian mang bầu khoảng từ 37 đến 40 tuần, thai phụ sẽ chuyển dạ. Thời gian chuyển dạ dài hay ngắn, mức độ đau ít hay nhiều ở từng người và từng lần sinh là khác nhau. Thông thường quá trình chuyển dạ có thể kéo dài từ 6 đến 14 tiếng. Ở lần sinh con đầu tiên, thời gian chuyển dạ lâu hơn so với lần sinh thứ hai trở đi.

Quá trình chuyển dạ có thể chia thành 4 giai đoạn như sau:

Giai đoạn một: Từ lúc đau bụng, ra huyết hồng, đến lúc cửa tử cung bắt đầu mở

Giai đoạn này bắt đầu khi thai phụ tự nhiên đau bụng, sau đó thấy nước ào ra ở cửa âm đạo. Nếu kiểm tra ngay lúc đó, sẽ thấy chất nhầy chảy ra ở cửa tử cung có màu hồng nhạt, đây chính là nút chất nhầy đóng kín cổ tử cung trong suốt thời gian mang thai, cơn đau bụng co bóp tử cung đã làm bật nút chất nhầy này ra ngoài và quá trình chuyển dạ bắt đầu. Cũng  từ lúc này, cơn đau bụng sẽ diễn biến theo quy luật, có thể kéo dài trong vòng 5 phút và lặp lại mỗi 30 phút. Thai phụ sẽ thấy đau mỏi nhừ vùng thắt lưng. Theo thời gian, khoảng cách giữa các cơn đau dần dần sẽ ngắn hơn và mức độ đau sẽ tăng lên. Tùy từng người mà nước ối sẽ ào ra nhiều hoặc rỉ ra ít khi bị vỡ ối. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 5 đến 8 tiếng đối với người sinh con lần đầu và ngắn hơn đối với người sinh con lần thứ hai trở đi. Khi phát hiện dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ phải cùng người thân đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện đã đăng ký sinh để tiến hành nhập viện, thăm khám và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo để quá trình chuyển dạ được an toàn. Thai phụ phải lưu ý, khi đã bắt đầu quá trình chuyển dạ, cần di chuyển nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh, tránh bị ngã nếu không sẽ bị băng huyết trước sinh, một sự cố vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và thai nhi.

Giai đoạn hai: Từ lúc cửa tử cung bắt đầu mở đến khi mở được 4cm

Giai đoạn này có thể kéo dài khoảng 3 tiếng, đây là lúc tử cung bắt đầu mở ra. Lúc này, tử cung co bóp, khiến cổ tử cung mỏng đi và giãn ra. Khoảng thời gian giữa các cơn đau cũng rút ngắn lại so với giai đoạn một và mức độ đau tăng dần. Cơn đau có thể kéo dài 3 phút và lặp lại mỗi 15 phút. Trong khoảng thời gian này, thai phụ cần phải được ổn định tại phòng theo dõi sinh của trung tâm y tế, bệnh viện nơi sinh. Thai phụ có thể ăn nhẹ để tiếp thêm năng lượng, đi lại nhẹ nhàng để thúc đẩy quá trình mở tử cung được nhanh hơn. Mỗi khi cơn đau đến, hãy hít thở sâu để giảm đau và tránh kêu la vì dễ làm mất sức trong quá trình rặn đẻ. Nếu cần sự giúp đỡ, thai phụ hãy gọi ngay y tá, nữ hộ sinh, bác sỹ. Khi cổ tử cung đã mở được 4 cm mà không thể chịu đau hơn được nữa thì đây là lúc thai phụ có thể thông báo với bác sỹ để được hỗ trợ sinh theo một số phương pháp giảm đau như gây tê ngoài màng cứng.

Giai đoạn ba: Từ lúc cửa tử cung mở được 4 cm đến khi sinh con ra ngoài

Khi tử cung mở được 4 cm, thai phụ sẽ được đưa vào phòng chờ sinh để theo dõi huyết áp, nhịp tim thai nhi cho đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của quá trình chuyển dạ, có thể kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng. Các cơn đau sẽ tăng lên về cường độ và rút ngắn về khoảng cách. Khoảng cách giữa các cơn đau chỉ còn từ 5 phút, rồi xuống 3 phút, 2 phút và dồn dập mỗi phút một lần, cho đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn. Trong quá trình này, em bé sẽ di chuyển xuống theo từng cơn co bóp để ra ngoài, còn thai phụ sẽ thấy đau bụng, mỏi lưng và đau tức tầng sinh môn. Thông thường thì cơn đau ở giai đoạn này không quá khó chịu như giai đoạn trước, nhưng sẽ mạnh và nhanh hơn. Nếu đau quá, thai phụ có thể nằm nghiêng hoặc nằm sấp và quỳ gối, chống tay, đặc biệt là hít thở sâu để lấy thêm ô xy cho cả mẹ và con. Thai phụ lưu ý không được rặn khi cổ tử cung chưa mở hoàn toàn, vì nếu rặn sẽ làm cổ tử cung phù nề, sưng đỏ, ảnh hưởng không tốt đến quá trình sinh. Trong giai đoạn này, thai phụ nên đi tiểu đều đặn, tránh tình trạng nước tiểu có nhiều trong bàng quang làm chèn ép, cản trở đường ra của thai nhi. Đến khi cổ tử cung đã mở đủ 10 cm, thai phụ sẽ được vệ sinh vô trùng và tiến hành rặn đẻ theo hướng dẫn của nữ hộ sinh và bác sĩ. Thời gian rặn và đưa em bé ra ngoài không được quá 30 phút. Trong quá trình rặn đẻ, thai phụ hãy cố gắng dùng hết sức của mình, rặn theo đúng kỹ thuật để em bé ra ngoài an toàn. Việc tiểu tiện và đại tiện ngay khi rặn đẻ là hoàn toàn tự nhiên. Khi đầu em bé đã ra đến cửa âm đạo, hãy rặn mạnh và đều để đưa đầu và toàn thân bé ra ngoài. Sau đó em bé sẽ được hút nhớt, lau người và kẹp rốn. Bé sẽ cất tiếng khóc chào đời.

Giai đoạn bốn: Từ lúc thai nhi được sinh ra đến khi hết rau thai

Sau khi em bé ra đời, tử cung vẫn co bóp để rau thai bong khỏi thành tử cung và được đẩy ra ngoài. Nữ hộ sinh, bác sỹ sản khoa sẽ hỗ trợ đỡ rau hoặc can thiệp nhẹ nhàng để lấy hết rau ra tránh tình trạng sót rau sau sinh. Sau đó, thai phụ sẽ được vệ sinh, ổn định sức khỏe để cùng gia đình đón nhận thành viên mới.

Gia Hân <Nguồn: congioilam.com>

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

56 mins ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 hour ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago