Năm con 7 tuổi, mỗi tháng, tôi cho cháu một khoản tiền để tự mua sắm, khi mua gì con lập kế hoạch, ghi ra, rồi mới mua.
Là giám đốc một công ty du lịch có tiếng tại TP HCM, từng đi nhiều nước và nghiên cứu, tiếp cận cách giáo dục của nhiều nước tiên tiến, chị Trần Bích Hà đã dạy con tự lập và biết làm chủ đồng tiền từ nhỏ. Hiện tại, con gái chị gần 18 tuổi, đang học lớp 12 tại Mỹ, rất tự lập. Dưới đây là bài chia sẻ của chị:.
Khi con biết đi, hễ cần mua bán gì ở siêu thị, tôi hay đem con đi theo. Trước khi đi, tôi thường lấy giấy bút liệt kê các thứ cần mua cho cả nhà và cho từng người, trong đó có con. Rồi tôi giải thích cho con là tại sao cần mua những thứ đó. Khi ra đến siêu thị: tôi chọn hàng khá kỹ, so chỉ số, các tiêu chí khác nhau, đánh giá thực sự giá trị từng loại. Một ví dụ: khi mua dầu olive để ăn, bao giờ tôi cũng so các loại sản phẩm cùng hãng, với chai khác nhau. Vì nhà nhiều người, mua chai to bao giờ giá cũng rẻ hơn cho một đơn vị – tôi giải thích điều đó với con. Khi mua thực phẩm chức năng: tôi để ý rất kỹ đến nồng độ các thành phần trong từng viên. Ví dụ: cùng một loại vitamin tổng hợp, cùng số lượng viên, cùng giá – tôi sẽ chọn loại có nồng độ của các thành phần cơ bản cao hơn… Tôi luôn chỉ cho con cách đưa các sản phẩm khác loại về cùng giá trị để có thể so sánh.
Khi con thích mua cái gì, tôi đều cùng con bàn kỹ xem mua cái đó để làm gì, dùng được bao lâu, giá trị nó ra sao. Chỉ riêng đối với sách, tôi không có giới hạn, con muốn mua bao nhiêu thì mua. Đồng thời với việc dạy con cách tính toán và so sánh, tôi cũng nói chuyện với con về một số nguyên tắc:
– Tiết kiệm nhưng không keo kiệt. Đồng tiền được làm ra không phải để cất đi, mà phải bắt nó phục vụ cho cuộc sống của mình. Tiết kiệm: nghĩa là chi tiêu hợp lý, đúng với mức mình kiếm được, chứ không phải đem toàn bộ tiền cất vào tủ để dành.
Chị Trần Bích Hà và cô con gái 18 tuổi. Ảnh: NVCC. |
– Các chi tiêu phục vụ sức khỏe và phát triển trí tuệ phải luôn được ưu tiên hàng đầu. Với đồ ăn thức uống, tôi không khuyến khích cháu mua giá rẻ – mà so sánh để tìm được sản phẩm hợp lý nhất cho cùng một chất lượng.
Khi con được chừng 7 tuổi, mỗi tháng, tôi bắt đầu cho con một khoản tiền để tự mua những gì mình thích. Cũng giống tôi, khi mua gì, con lập kế hoạch, ghi ra, rồi mới mua. Hiện nay, cứ định kỳ lúc chuyển mùa, con lên mạng để đặt quần áo online. Tôi quan sát, thấy con loay hoay chọn kỹ lắm. Nhiều lúc, tôi còn được mời tư vấn theo kiểu: “Mẹ ơi, cái váy này giá 12 USD, có đáng để mua không hả mẹ?”. Nhưng khi cần giúp đỡ bạn bè hoặc người kém may mắn hơn, con rất hào phóng.
Năm con học lớp 3, trường tổ chức đi chơi xa. Trong lần đó, một bạn vay con 20.000 đồng. Sau một tuần, con kể với mẹ là bạn quên hay sao, không trả con. Tôi hỏi cháu kỹ về hoàn cảnh nhà bạn. Khi biết là nhà bạn đó khá giả, tôi khuyên con: “Vậy thì con nên nhắc bạn, để bạn trả. Đó là cách để giúp bạn sau này phải có trách nhiệm với việc vay tiền người khác”. Bài học con nhận được trong tình huống này là:
– Nếu mình vay ai, thì phải nhớ để trả cho đúng hẹn. Đó là điều rất quan trọng để người khác đánh giá về tư cách của con.
– Nếu ai vay tiền con, mà không trả, thì con nên làm như sau: tìm hiểu xem hoàn cảnh họ thế nào, có gì khó khăn khiến họ không trả được. Nếu họ có tiền, mà không trả: đừng bao giờ cho vay, và cũng đừng nên thân với họ nữa. Nhưng nếu vì có rủi ro gì đó xảy ra, và họ chưa thể trả nổi: con nên thông cảm, nếu có thể thì cho họ lời khuyên, nên giúp thêm để họ vượt qua khó khăn.
Tôi cũng nói rõ mình không thể cho người khác cái mà mình không có. Do vậy, ưu tiên đầu tiên là con phải có trách nhiệm về tài chính với bản thân, với gia đình riêng của mình, trước khi có thể giúp đỡ được người khác về tiền bạc một cách hiệu quả.
Giờ đây, tôi thật sự thấy yên tâm khi con gái biết cách dùng tiền để phục vụ cho cuộc sống lành mạnh, không phung phí, nhưng khi có nhu cầu hợp lý là sẵn sàng tiêu.
Trần Bích Hà
Chưa có bình luận.