Categories: N

NOROXIN

Noroxin có phổ kháng khuẩn rộng nhóm quinolon carboxylic acid chống vi khuẩn gây bệnh ưa khí gram dương và gram âm.

Thành phần

Cho 1 viên:  Norfloxacin 400 mg

Dược lực

Noroxin (norfloxacin) là tác nhân kháng khuẩn quinolon carboxylic acid dùng đường uống.

Phổ kháng khuẩn

Noroxin có phổ kháng khuẩn rộng chống vi khuẩn gây bệnh ưa khí gram dương và gram âm. Nguyên tử fluor ở vị trí 6 làm tăng hoạt lực chống vi khuẩn gram âm và phần piperazine ở vị trí 7 tạo hoạt tính chống Pseudomonas.

Noroxin ức chế sự tổng hợp acid deoxyribonucleic của vi khuẩn và có tính diệt khuẩn. Ở mức độ phân tử, Noroxin tác động lên tế bào Escherichia coli theo 3 hiện tượng đặc biệt:

– Ức chế phản ứng siêu xoắn ADN phụ thuộc ATP được xúc tác bởi ADN gyrase.

– Ức chế sự thư giãn của ADN siêu xoắn.

– Thúc đẩy sự phá vỡ chuỗi xoắn kép ADN.

Sự đề kháng với norfloxacin do đột biến tự phát là hiện tượng hiếm (khoảng từ 10-9 – 10-12).

Chỉ dưới 1% số người bệnh có xảy ra đề kháng của vi khuẩn với norfloxacin trong quá trình điều trị. Các vi khuẩn có tỉ lệ phát triển đề kháng cao nhất là: Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumoniae, Acinetobacter spp., Enterococci., Staphylococcus aureus kháng methicillin.

Nhờ cấu trúc đặc biệt, Noroxin thường có hoạt tính chống các vi khuẩn đề kháng với các acid hữu cơ khác như các acid nalidixic, oxolinic và pipemidic, cinoxacin và flumequine. Các vi khuẩn kháng với norfloxacin in vitro cũng thường kháng với các acid hữu cơ này. Các khảo sát sơ bộ cho thấy các vi khuẩn kháng norfloxacin cũng thường kháng với pefloxacin, ofloxacin, ciprofloxacin và enoxacin. Không có kháng chéo giữa norfloxacin và các kháng sinh không cùng cấu trúc như penicillin, cephalosporin, tetracyclin, macrolid, aminocyclitol và sulfonamid; 2,4,diaminopyrimidin, hoặc các thuốc kết hợp (ví dụ co-trimoxazole).

Phân tích toàn bộ kinh nghiệm lâm sàng với Noroxin, kết quả cho thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa độ nhạy của các thử nghiệm in vitro với hiệu quả lâm sàng và vi khuẩn học của thuốc trên người.

Noroxin có hiệu quả in vitro chống các vi khuẩn sau:

Các vi khuẩn thấy trong nhiễm khuẩn đường tiểu như:

Enterobacteriaceae:

Citrobacter spp., Citrobacter persus., Citrobacter freundii, Edwardsiella tarda, Enterobacter spp., Enterobacter aerogenes, Enterobacter agglomerans, Enterobacter cloacae, Escherichia coli, Hafnia alvei, Klebsiella spp., Klebsiella oxytoca, Klebsiella pneumoniae, Morganella morganii, Proteus spp. (indol dương tính), Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Providencia spp., Providencia rettgeri, Providencia stuartii, Serratia spp., Serratia marcescens.

Pseudomonadaceae:

Pseudomonas aeruginosa, Pseudomonas cepacia, Pseudomonas fluorescens, Pseudomonas stutzeri.

Vi khuẩn khác:

Flavobacterium spp.

Cầu khuẩn gram dương:

Enterococcus faecalis, Streptococci nhóm G, Staphylococcus spp., Staphylococcus coagulase âm tính, Staphylococcus aureus (bao gồm các chủng sản xuất penicillinase và phần lớn các chủng kháng methicillin), Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus saprophyticus, Streptococcus agalactiae, Streptococci nhóm viridans.

Vi khuẩn gây viêm cấp dạ dày-ruột:

Aeromonas hydrophyla, Campylobacter fetus phân chủng jejuni, Escherichia coli sinh enterotoxin (độc tố ruột), Plesiomonas schigelloides, Salmonella spp., Salmonella typhi, Shigella spp., Shigella boydii, Shigella dysenteriae, Shigella flexneri, Shigella sonnei, Vibrio cholerae, Vibrio parahaemolyticus, Yersinia enterocolitica.

Ngoài ra, Noroxin còn có hiệu quả chống Bacillus cereus, Neisseria gonorrhoeae, Ureaplasma urealyticum, Haemophilus influenzae và Haemophilus ducreyi.

Noroxin không có hiệu lực đối với vi khuẩn kỵ khí, kể cả Actinomyces spp., Fusobacterium spp., Bacteroides spp., và các Clostridium spp., trừ C. perfringens.

Chỉ định

Noroxin là một tác nhân diệt khuẩn phổ rộng có chỉ định trong:

Điều trị:

– Nhiễm khuẩn đường tiểu trên và dưới, cấp tính hay mạn tính, có hay không có biến chứng. Các nhiễm khuẩn này bao gồm viêm bàng quang, viêm bể thận, viêm bàng quang-bể thận, viêm thận-bể thận, viêm tuyến tiền liệt mạn tính, viêm mào tinh hoàn, các nhiễm khuẩn niệu do phẫu thuật niệu khoa, các bệnh lý bàng quang có nguyên nhân thần kinh hoặc sỏi thận do các vi khuẩn nhạy với Noroxin.

– Viêm dạ dày-ruột cấp do vi khuẩn nhạy cảm.

– Viêm niệu đạo do lậu cầu, viêm hầu, viêm hậu môn hoặc viêm cổ tử cung do Neisseria gonorrhoeae tiết hay không tiết penicillinase.

– Thương hàn.

Người ta đã điều trị thành công bằng liều Noroxin thông thường với các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn đa kháng.

Dự phòng:

– Nhiễm khuẩn ở người bệnh giảm mạnh bạch cầu trung tính. Noroxin ngăn chặn hệ vi khuẩn ưa khí nội sinh ở đường ruột. Hệ này có thể gây nhiễm khuẩn ở người bệnh giảm bạch cầu trung tính (ví dụ, người bệnh bị bệnh bạch cầu đang dùng hóa trị liệu).

– Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm hoặc với kháng sinh có gốc hóa học từ quinolon.

Liều lượng và cách dùng

Nên uống Noroxin với một ly nước ít nhất là một giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn hay uống sữa. Các đa sinh tố (vitamin tổng hợp), các sản phẩm khác có chứa sắt hoặc kẽm, các thuốc kháng acid có chứa magnesi và nhôm, sucralfate, hay Videx (didanosine), các loại viên nhai/ đệm hoặc các loại bột nhi khoa dùng để pha dịch uống, không nên dùng những thuốc kể trên trong vòng 2 giờ khi dùng norfloxacin.

Nên kiểm tra độ nhạy của tác nhân gây bệnh với Noroxin, tuy nhiên có thể tiến hành điều trị trước khi có kết quả xét nghiệm.

Điều trị:

Chẩn đoánLiều lượngThời gian điều trịNhiễm khuẩn đường tiểu400mg x 2 lần/ngày7 – 10 ngàyViêm bàng quang cấp không biến chứng400mg x 2 lần/ngày3-7 ngàyNhiễm khuẩn đường tiểu tái phát mạn tính*400mg x 2 lần/ngàycho tới 12 tuần**Viêm dạ dày ruột cấp do vi khuẩn400mg x 2 lần/ngày5 ngàyViêm niệu đạo cấp, viêm hầu họng, viêm hậu môn hoặc cổ tử cung do lậu cầu800 mgLiều duy nhấtThương hàn400mg x 3 lần/ngày14 ngày* Nếu có đáp ứng tốt trong 4 tuần đầu điều trị, liều Noroxin có thể được giảm còn 400mg/ngày.** Đối với viêm tuyến tiền liệt mạn tính, người ta thấy thời gian điều trị 4 tuần đã có hiệu quả cao.

Dự phòng:

Liều lượngThời gian đIều trịNhiễm khuẩn ở người bệnh giảm mạnh bạch cầu trung tính400mg x 3 lần/ngàySuốt thời gian giảm mạnh bạch cầu*Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn400mg mỗi ngàyKhởi đầu 24 giờ trước khi đến và tiếp tục 48 giờ sau khi rời vùng có dịch lưu hành.* Dữ liệu để khuyến cáo điều trị lâu hơn 8 tuần hiện chưa có.

Suy thận:

Noroxin thích hợp ở người bệnh suy thận. Trong các khảo cứu với người bệnh có độ thanh lọc creatinin dưới 30 ml/phút/1,73m2 nhưng không cần chạy thận nhân tạo, thời gian bán thải trong huyết tương của Noroxin khoảng 8 giờ. Các khảo cứu lâm sàng cho thấy không có sự khác biệt về thời gian bán thải trung bình của norfloxacin ở người bệnh có độ thanh lọc creatinin dưới 10 ml/phút/1,73m2 so với người bệnh có độ thanh lọc creatinin 10-30 ml/phút/1,73m2. Do đó, liều khuyến cáo đối với những người bệnh này là uống mỗi ngày một viên 400 mg. Với liều này, nồng độ thuốc trong các mô và dịch cơ thể vượt quá nồng độ tối thiểu ức chế đối với phần lớn vi khuẩn gây bệnh nhạy cảm norfloxacin.

Hiện chưa có đủ dữ liệu về liều khuyến cáo để điều trị lậu ở người bệnh có độ thanh lọc creatinin bằng hay dưới 30 ml/phút/1,73m2.

Noroxin chưa được nghiên cứu để điều trị thương hàn cho người bệnh có độ thanh lọc creatinin dưới 30 ml/phút/1,73m2.

Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng

Cũng như với các acid hữu cơ khác, phải dùng Noroxin cẩn thận ở người có tiền sử co giật hoặc có yếu tố thuận lợi gây co giật đã biết. Co giật đã được ghi nhận một cách hãn hữu ở người bệnh dùng Noroxin.

Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng đã được ghi nhận ở người phơi nắng quá nhiều khi dùng một số thuốc thuộc nhóm này. Tránh phơi nắng thái quá. Phải ngừng thuốc khi xảy ra tình trạng nhạy cảm với ánh sáng.

Tương tự các quinolon khác, viêm gân và/hoặc đứt gân đã được ghi nhận một cách hãn hữu ở người bệnh dùng Noroxin, nhất là khi dùng kèm corticosteroid. Nếu người bệnh có triệu chứng viêm gân và/hoặc đứt gân, phải ngừng ngay Noroxin và hướng dẫn người bệnh cách điều trị thích hợp.

Hãn hữu, người ta ghi nhận phản ứng tan máu khi dùng kháng sinh quinolon, kể cả Noroxin, ở người bệnh thiếu thực sự hay tiềm ẩn glucose-6-phosphate dehydrogenase-G6DP (xem Tác dụng ngoại ý).

Suy thận:

Noroxin dùng được cho người bệnh suy thận. Tuy nhiên, vì Noroxin được thải chủ yếu qua thận, nồng độ trong nước tiểu có thể bị ảnh hưởng đáng kể khi suy thận nặng (xem Liều lượng và Cách dùng).

Sử dụng trong nhi khoa:

Độ an toàn và hiệu quả ở trẻ em chưa được xác định; do đó, không nên dùng Noroxin ở trẻ em trước tuổi dậy thì.

Lúc có thai và lúc nuôi con bú

Lúc có thai:

Tính an toàn của Noroxin khi sử dụng cho phụ nữ mang thai chưa được xác định, do đó phải cân nhắc lợi ích của việc điều trị Noroxin với các nguy cơ có thể có. Noroxin đã được tìm thấy trong máu dây rốn và trong nước ối.

Lúc nuôi con bú:

Khi cho các bà mẹ đang cho con bú uống 200 mg norfloxacin, không phát hiện được thuốc trong sữa mẹ. Tuy nhiên, vì liều nghiên cứu thấp và vì nhiều loại thuốc được bài tiết qua sữa, nên thận trọng khi dùng Noroxin ở phụ nữ trong suốt thời kỳ cho con bú.

Tương tác thuốc

Dùng chung với probenecid không ảnh hưởng tới nồng độ norfloxacin huyết thanh, nhưng làm giảm bài tiết norfloxacin qua nước tiểu.

Như với các kháng sinh khác là acid hữu cơ, sự đối kháng giữa Noroxin và nitrofurantoin đã được chứng minh in vitro.

Tăng nồng độ theophyllin huyết tương đã được ghi nhận khi dùng đồng thời với quinolon. Có một số hiếm báo cáo về tác dụng ngoại ý của theophyllin ở người bệnh điều trị cùng lúc norfloxacin và theophyllin. Do đó nên lưu ý theo dõi nồng độ theophyllin huyết tương và điều chỉnh liều theophyllin nếu cần.

Phối hợp cyclosporin với norfloxacin sẽ làm tăng nồng độ cyclosporin trong huyết thanh. Vì vậy, nếu phối hợp, cần phải theo dõi nồng độ cyclosporin trong huyết thanh và điều chỉnh liều lượng cyclosporin cho thích hợp.

Quinolon, kể cả norfloxacin, có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông bằng đường uống warfarin, hoặc các dẫn chất của nó. Khi dùng chung các sản phẩm này, phải theo dõi sát thời gian prothrombin hoặc các xét nghiệm đông máu thích hợp khác.

Các đa sinh tố (vitamin tổng hợp), sản phẩm có chứa sắt hoặc kẽm, kháng acid hoặc sucralfate, hoặc Videx (didanosine), các viên nhai/đệm, hoặc các bột nhi khoa dùng để pha dịch uống không nên dùng cùng lúc với norfloxacin, hoặc trong vòng 2 giờ sau khi dùng norfloxacin, vì chúng có thể cản trở hấp thu và làm giảm nồng độ norfloxacin trong máu và nước tiểu.

Một số quinolon, kể cả norfloxacin, cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa cafein. Điều này có thể làm giảm độ thanh lọc cafein và kéo dài thời gian bán thải của cafein trong huyết tương.

Các dữ liệu từ động vật cho thấy phối hợp quinolon với fenbufen có thể gây co giật. Do đó nên tránh dùng đồng thời quinolon và fenbufen.

Tác dụng ngoại ý

Nói chung, Noroxin được dung nạp tốt. Trong các thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới ở 2346 bệnh nhân, toàn bộ tác dụng ngoại ý của thuốc chiếm khoảng 3%.

Các tác dụng ngoại ý thường gặp nhất (trên 0,1%, nhưng dưới 3% bệnh nhân) là rối loạn tiêu hóa, phản ứng tâm thần kinh và da, bao gồm buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, phát ban, ợ nóng, đau/ co thắt ở bụng và tiêu chảy.

Các tác dụng ngoại ý khác xảy ra trong số rất hiếm các trường hợp (< 0,1%) như chán ăn, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo lắng/bồn chồn, dễ kích động, sảng khoái, rối loạn định hướng, ảo giác, ù tai và chảy nước mắt.

Các tác dụng ngoại ý bất thường trên xét nghiệm hiếm khi gặp trong các thử nghiệm lâm sàng, tuy nhiên các tác dụng sau đây đã được ghi nhận với tỉ lệ < 0,3%: giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, tăng ALAT (SGPT), ASAT (SGOT).

Các tác dụng ngoại ý sau đây đã được ghi nhận từ khi thuốc được đưa ra thị trường:

Phản ứng quá mẫn cảm: Các phản ứng quá mẫn cảm bao gồm phản vệ, phù mạch, khó thở, viêm mạch, mày đay, viêm khớp, đau cơ, đau khớp và viêm thận kẽ.

Da: Nhạy cảm ánh sáng, hội chứng Stevens-Johnson, xơ cứng bì do ngộ độc, viêm da bong vảy, hồng ban đa dạng, ngứa.

Dạ dày-ruột: Viêm đại tràng có màng giả, viêm tụy (hiếm), viêm gan, vàng da, bao gồm vàng da ứ mật và tăng các test về chức năng gan.

Cơ xương: Viêm gân, đứt gân, có thể xảy ra đợt nhược cơ cấp tính.

Hệ thần kinh -Tâm thần: Bệnh lý đa thần kinh bao gồm hội chứng Guillain-Barré, lú lẫn, dị cảm, rối loạn tâm thần bao gồm các phản ứng tâm thần, co giật, run, co cơ.

Huyết học: Thiếu máu tan máu, đôi khi đi kèm với thiếu glucose- 6-phosphate dehydrogenase (G6DP).

Niệu dục: nhiễm Candida âm đạo.

Chức năng thận: Suy thận.

Các giác quan: Rối loạn vị giác, rối loạn thị giác.

Quá liều

Chưa có thông tin chuyên biệt về điều trị sự cố quá liều Noroxin. Phải duy trì cân bằng nước thích hợp.

Bảo quản

Tránh ánh sáng và trữ ở nhiệt độ dưới 30°C (86°F).

Hãng sản xuất: Merck Sharp & Dohme

Nguồn. Thuốc, biệt dược

Nguyễn Mai Hương

Recent Posts

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

2 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago

Căng thẳng và sức khỏe đường tiêu hóa có liên quan như thế nào?

Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…

1 week ago

Sức khỏe đường ruột, mức năng lượng tối ưu với chúng ta

Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…

1 week ago