Thứ Năm, 07/04/2016 | 10:32

Khi mang thai, phụ nữ cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn mức bình thường để nuôi dưỡng thai nhi và cơ thể mẹ. Một trong những nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, có giá thành hợp túi tiền là nội tạng động vật.

Tuy nhiên, trước khi bổ sung, các chị em cần phải biết được mặt lợi – hại của nguồn thực phẩm này mang đến cho chúng ta trong thời kì mang thai.

Nội tạng động vật: Bà bầu có nên ăn?

Nội tạng động vật có dinh dưỡng đa dạng

Với hương vị thu hút và có khả năng chế biến đa dạng, các loại thực phẩm như tim, gan, thận, óc… đã trở thành món ăn khoái khẩu với nhiều người. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy, hàm lượng dinh dưỡng trong nội tạng động vật không hề nhỏ.

Nhận xét về vấn đề trên, Thạc sĩ Đào Tố Quyên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các bộ phận này có hàm lượng calories cao tương đương thịt nạc (khoảng 100-150 calo/ 100g trọng lượng), hàm lượng protein (khoảng 16-22% trọng lượng, trừ não và tủy) và hàm lượng chất béo dao động trung bình từ 5-7% trọng lượng, chủ yếu là chất béo bão hòa.

Bên cạnh đó, các thành phần như muối vô cơ hay vitamin đều rất phong phú. Riêng gan, thận còn có cả các vitamin tan trong chất béo và hàm lượng phospho cao – một nguyên tố vi lượng cần thiết để duy trì tốt sự tiêu hóa, tuần hoàn, nuôi dưỡng tế bào thần kinh, mắt, cơ bắp, não bộ.

Đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, sắt là nguyên tố vi lượng vô cùng cần thiết vì nó giúp cơ thể chị em tăng cường thể tích máu, cung cấp đủ máu nuôi dưỡng thai nhi. Sắt có thể bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, song gan là một trong những sự lựa chọn tối ưu. Theo các chuyên gia, hàm lượng sắt trong gan lợn, bò, gà cao hàng đầu trong các loại thực phẩm, với tỉ lệ trên 100g tương ứng lần lượt là 12g, 9g, 8g, rất tốt cho người mang thai.

Một dưỡng chất khác mà các bà bầu cần phải bổ sung đó acid folic (hay còn gọi là vitamin B9). Dưỡng chất này giúp em bé trong bụng giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh và tật nứt đốt sống. Axit folic phân bố nhiều ở nhiều cơ quan nội tạng, trong đó sử dụng an toàn nhất phải kể đến tim và gan.

Nội tạng động vật: Bà bầu có nên ăn?

Chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải

Mặc dù chứa các chất dinh dưỡng phong phú với hàm lượng lớn, song vì nội tạng động vật có lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt nên tránh ăn nhiều, nếu không sẽ làm tăng mỡ máu, có hại cho tim mạch. Đặc biệt, là phụ nữ có thai, nếu bổ sung không có chừng mực sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng tăng cân không kiểm soát, ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung và của thai nhi nói riêng.

Không chỉ vậy, theo Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội): “Nội tạng của các loại động vật có rất nhiều vi khuẩn, ví dụ như E.coli, các vi khuẩn có thể là gây tả, kiết lị, thương hàn… hay các vi khuẩn gây lao, bệnh than… Nếu lúc chế biến, chúng ta không làm vệ sinh sạch sẽ hoặc không nấu chín kỹ, khi ăn, rất dễ mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa”.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, việc cơ quan chức năng bắt giữ hàng chục tấn nội tạng bẩn đang trên đường đi tiêu thụ cũng đặt ra một dấu hỏi lớn về sự an toàn khi sử dụng các loại thực phẩm này. Mặt khác, trong điều kiện nuôi dưỡng hiện nay, dùng nhiều thức ăn có hàm lượng kích thích cao cũng khiến cho nội tạng động vật không còn an toàn nữa. Nếu ăn phải những nội tạng động vật như vậy, không chỉ phụ nữ có thai mà ngay cả người bình thường cũng có những ảnh hưởng xấu nhất định đến sức khoẻ.

Chính bởi thế, bác sĩ Vi khuyến cáo, điều đầu tiên nếu muốn sử dụng nội tạng động vật là chúng ta phải nắm rõ được nguồn gốc xuất xứ của nó. Thứ hai, khi mua về cần phải chế biến đảm bảo vệ sinh rồi nấu chín, kỹ. Thứ ba. cần để thực phẩm đã chín ở nơi sạch sẽ, cao ráo không bị ô nhiễm hoặc có thể lây nhiễm bởi thực phẩm bẩn khác sang. Thực phẩm sống và chín cần để riêng biệt. Thứ tư, nên ăn ở mức độ vừa phải.

Nội tạng động vật: Bà bầu có nên ăn?

Giá trị dinh dưỡng của nội tạng động vật đến đâu?

– Ngoài hàm lượng sắt dồi dào, tim còn chứa nhiều nguyên tố vi lượng khác như kẽm, selen, niacin, riboflavin…

– Óc giàu niacin, phốt pho, B12 và vitamin C.

-Dạ dày bò, lợn cũng chứa vitamin B12 và một lượng đáng kể protein, trong đó, vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong nuôi dưỡng thần kinh cho cả mẹ và bé. Thiếu hụt vitamin B12 có thể gây mệt mỏi và chóng mặt, nặng hơn là bị tổn hại thần kinh, dễ mắc các bệnh thiếu máu và mất trí, hoang tưởng.

– Lưỡi chứa tỷ lệ calo cao từ chất béo. Hầu hết các loại lưỡi chứa khoảng 70%axit béo

An Nhiên

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook