Acyclovir là một thuốc kháng virut, có tác dụng làm chậm sự phát triển và lây lan của virut Herpes, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể chống lại nhiễm khuẩn. Thuốc này được sử dụng để điều trị trong các bệnh: Herpes sinh dục, vết loét lạnh, bệnh zona và thủy đậu. Vấn đề là dùng acyclovir kháng virut sao cho hiệu quả không phải ai cũng biết.
Nhóm đối tượng cần lưu ý đặc biệt
Mặc dù acyclovir được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh do virut Herpes gây ra khá hiệu quả, nhưng không phải ai cũng dùng được thuốc này. Các nhóm đối tượng sau đây không được dùng acyclovir: những người bị dị ứng với acyclovir hoặc valacyclovir. Nếu trước đây bạn đã từng bị dị ứng một loại thuốc nào thì phải nói cho bác sĩ biết để thận trọng khi cho bạn dùng acyclovir; những bệnh nhân đã và đang điều trị bệnh thận. Hiện nay, acyclovir chưa rõ là có hại cho thai nhi hay không. Vì vậy bạn cần báo cho bác sĩ nếu đang mang thai hoặc dự định có thai trong thời gian điều trị. Trên thực tế, virus Herpes có thể được truyền từ người mẹ bị nhiễm sang con trong khi sinh. Do đó, nếu mẹ có herpes sinh dục, cần nói cho bác sĩ biết để có biện pháp phòng tránh lây nhiễm sang con khi sinh. Thông thường, bác sĩ sẽ điều trị tích cực cho mẹ để ngăn chặn tổn thương Herpes trong thời kỳ mang thai, chữa lành các tổn thương ở bộ phận sinh dục cho mẹ trước khi em bé được sinh ra. Các nghiên cứu cho biết: acyclovir đi vào sữa mẹ và có thể gây hại cho trẻ bú mẹ. Vì vậy không dùng thuốc này cho các bà mẹ đang cho con bú.
Tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc. Ảnh: TM
Dùng thuốc thế nào?
Tính đặc hiệu của acyclovir: là chất tương tự nucleosid, có tác dụng chọn lọc trên tế bào nhiễm virut Herpes. Ức chế sự tổng hợp DNA của virut, ngăn cản sự nhân lên của virut mà không gây ảnh hưởng tế bào bình thường.
Cần dùng sớm ngay sau khi có triệu chứng, dùng liều cao vì thuốc phân bổ rộng trong các dịch (như dịch âm đạo, nước mắt, thủy dịch, tinh dịch, dịch não tủy), trong các tổ chức (não, thận, phổi, ruột, gan, lách, cơ, tử cung, niêm mạc). Thuốc sinh khả dụng chỉ 20% nên cần dùng liều cao. Dùng nhiều lần (3-4 lần) trong ngày do chu kỳ bán thải ngắn. Phải dùng theo liệu trình vì thuốc chỉ làm ổn định không làm khỏi hẳn bệnh.
Bạn phải dùng acyclovir theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về liều lượng và thời gian điều trị. Bạn không nên dùng thuốc với liều cao hơn hay thấp hơn và dài ngày hơn chỉ định của bác sĩ. Mặt khác, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc. Việc dùng thuốc acyclovir phải được bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh như: ngứa, rát… Lưu ý rằng, virut Herpes dễ lây nhiễm từ người bệnh sang người lành ngay cả khi đang được điều trị bằng acyclovir. Vì thế cần tránh để vùng da tổn thương do virut của người bệnh tiếp xúc với da của người lành hay người chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân cần chú ý không để tay chạm vào tổn thương trên da rồi sau đó chạm tay lên mắt. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc nước sạch trong hơn 30 giây để loại trừ virut dính ở tay có thể làm lây lan cho vùng da khác hoặc lây sang người khác. Uống mỗi liều thuốc với một ly nước chín nguội khoảng 250ml. Việc uống nhiều nước trong khi dùng acyclovir có tác dụng giúp cho thận làm việc thuận lợi, vừa hạn chế tác hại đối với thận vừa tăng thải trừ virut ra ngoài.
Thuốc acyclovir có thể được dùng khi đói hoặc sau khi ăn no đều được. Nếu dùng acyclovir sau khi ăn có thể làm giảm đau bụng.
Dùng thuốc dạng hỗn dịch uống: lắc cho hỗn dịch tan đều, sau đó đong bằng thìa theo đúng chỉ định liều dùng của bác sĩ.
Khi bị quên một liều, bạn nên dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Nếu thời điểm nhớ ra gần thời gian uống liều tiếp theo (khoảng 30 phút) thì bạn chỉ uống liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên. Bạn không nên uống gộp cả 2 liều vì sẽ gây quá liều nguy hiểm cho sức khỏe.
Nếu vì lý do gì đó mà uống quá liều, triệu chứng quá liều có thể là: co giật, ảo giác, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không có nước tiểu. Khi đó cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Những tác dụng phụ cần lưu ý
Thuốc acyclovir có thể gây ra các tác dụng phụ như phản ứng dị ứng với các triệu chứng phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.
Biểu hiện dị ứng nặng gồm: đau ở lưng dưới; đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không có nước tiểu, da dễ bầm tím hoặc chảy máu, yếu đuối. Khi đó cần đưa bệnh nhân đi khám và điều trị tại bệnh viện.
Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng có các triệu chứng là: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mất cảm giác ngon miệng, đau bụng; nhức đầu, cảm giác choáng váng; sưng phù ở tay hoặc chân. Bạn cần ngưng dùng thuốc, gọi cho bác sĩ để được tư vấn về tác dụng phụ và xử lý khi cần thiết.
BS. La Thị Nhung
Yhocvn.net (Nguồn Suckhoedoisong)
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…