Chủ Nhật, 13/09/2015 | 10:00

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Không có câu trả lời như thế nào là người mẹ tốt. Trẻ nhìn vào hành vi nhiều hơn là lời nói. Không ai là hoàn hảo và chỉ cần là người mẹ biết yêu thương con vô điều kiện và có kỹ năng lắng nghe là tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ…”

“… Lắng nghe cả nhu cầu, cảm xúc tình cảm của con”, chuyên gia tâm lý Hoài Nga chia sẻ.

“Mình có phải là bố mẹ tốt”, “làm sao để trở thành cha mẹ tuyệt vời” là câu hỏi của rất nhiều ông bố, bà mẹ hiện đại. Cha mẹ nào cũng yêu thương con, muốn điều tốt đẹp cho con trẻ nhưng họ lại không biết như thế nào mới là tốt cho con.

Chia sẻ dưới đây của chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga – Trường Phổ thông Liên cấp Olympia (với hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý học đường, thạc sỹ Tâm lý học từ Pháp) sẽ giúp các ông bố, bà mẹ tự tìm ra câu trả lời.

Mẹ hãy nhìn vào điều con muốn

– Cuộc sống hiện đại khiến phụ nữ bận rộn và nhiều mối quan tâm hơn, điều đó cũng có nghĩa thời gian họ dành cho gia đình và con cái ngày càng ít đi. Theo chị, người mẹ dành bao nhiêu thời gian một ngày cho con sẽ được gọi là đủ?

Chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga: Không có câu trả lời bao nhiêu là đủ, đứa trẻ với nhu cầu tương tác khác nhau sẽ cho mình biết bao nhiêu là đủ. Đứa bé sẽ cho mình biết khi nào con cần mẹ dành trọn thời gian cho con, khi nào chỉ cần mẹ ở bên cạnh con và khi nào sự xuất hiện của mẹ là không cần thiết.

Đủ thời gian là đứa trẻ thấy hạnh phúc và thoải mái trong khoảng thời gian ở bên cạnh mẹ. Thời gian ở bên cạnh nhau là để mối quan hệ này vui vẻ hạnh phúc hơn. Nó đủ khi cả hai thấy thoải mái với thời gian ở bên nhau đó.

Bất kỳ khi đứa trẻ có vẻ căng thẳng hơn, dễ cáu giận tranh cãi, thấy không hài lòng trong câu chuyện,… Đó là dấu hiệu để mẹ thấy thời gian mẹ thực sự dành cho con chưa đủ. Khi đó mẹ cần tìm thời gian để xây đắp lại mối liên hệ đó với con mình. Khi mình thấy có dấu hiệu đó thì bản thân mẹ tìm thời gian để xây đắp lại mối liên hệ đó với con mình.

Nhiều bà mẹ thấy tội lỗi khi không có thời gian bên con nhưng khi họ có thời gian với con thì họ dành thời gian đó để cho con biết lo lắng của mình và buộc con làm những việc tránh lo lắng cho mình mà không dành thời gian đó để thực sự giao tiếp với con.

Ví dụ: Thay vì về nhà để chơi với con, vui vẻ với con mà đặt cho con câu hỏi như Tại sao chưa học bài, con ăn mấy bát cơm, con ngủ không?… để giải tỏa lo lắng của mình.

– Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm sắp xếp thời gian giữa công việc, nhu cầu cá nhân để có thời gian bên con?

Chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga: Để sắp xếp thời gian cho con mẹ cần có nguyên tắc của mình. Một số việc tôi vẫn làm đó là:

– Khi về nhà tôi đặt công việc sang 1 bên, chuyển điện thoại thành chế độ máy bay từ 8h tối trở đi.

– Ngồi bên con quan sát việc con làm, nghe điều con nói, đọc sách và sẵn sàng tương tác với con khi con muốn. Khi con cần mình tham gia mà mình tham gia được ngay thì sẽ tham gia ngay còn không thì sẽ hẹn con vào một thời gian chính xác.

– Không mở tivi và dành thời gian để cả gia đình có điều kiện tương tác với nhau.

– Luôn có thời gian chuyển tiếp trước khi và khi tỉnh dậy, thời gian chuyển tiếp đó dành để thư giãn và nói lời yêu thương. Không bao giờ cố ngủ sớm hay thúc con dậy sớm để cho được việc.

– Có bà mẹ chia sẻ rằng, không nhất thiết cứ phải dành nhiều thời gian cho con mới là tốt. Một ngày chỉ cần ít hơn 2 giờ đồng hồ bên con thì vẫn có thể dạy con tốt, quan trọng là quality time (chất lượng). Chị có đồng ý với quan điểm này không?

Chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga: Mỗi người mẹ sẽ biết thời gian cho con bao nhiêu là đủ bằng dấu hiệu trên.

Không phải dùng thời gian đó để dạy con điều gì đó mà dành thời gian đó để lắng nghe, quan sát và xây dựng mối quan hệ tốt với con.

Quan trọng không phải mình muốn làm gì với con trong hai giờ ấy mà trong 2 giờ đó con muốn làm gì và mình cùng làm việc đó với con. Điều đó giúp con học được nhiều điều: ra quyết định, lựa chọn, khả năng tương tác xã hội…

Nếu trong 2 giờ đó trẻ từ chối sự tham gia của mình thì mình cũng cần tôn trọng điều đó.

Người mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng có những người thể hiện tình yêu với con bằng cách bao bọc, bênh vực con thái quá (sợ con bẩn, sợ con đau nên giữ con khư khư bên mình…). Theo chị cách thể hiện tình yêu này của mẹ sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ. Cách thể hiện tình yêu như thế nào mới tốt cho trẻ?

Cách thể hiện tình cảm của mỗi mẹ với con dù bất kỳ dưới hình thức nào đều đáng trân trọng. Vấn đề là các mẹ muốn con lớn lên và trở thành người thế nào thì mình chọn cách tương tác với trẻ theo hướng đó. Nếu mẹ muốn con tự chủ thì mẹ có thể để con bẩn một chút, đau một chút và tự đứng dậy sau mỗi vấp ngã.

Cách nào cũng có mặt này mặt kia của nó, kể cả với mong muốn con trở thành người tự chủ có thể là cách giúp con phát triển hợp với tự nhiên hơn nhưng người mẹ cũng cần đối mặt với những khó chịu, xót ruột khi thấy con tự mình vượt qua khó khăn đó.

Khi được bao bọc trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tự chủ và tự quyết định, luôn có xu hướng nương tựa vào người khác và thường thấy vấn đề ở người khác chứ không phải từ mình, trẻ có thể luôn có tâm thế chờ đợi một vị “anh hùng” như mẹ đến để hỗ trợ nó.

Đứa trẻ sẽ cho mình biết nó muốn được yêu như thế nào, có khi trẻ cần nương vào mình, có khi trẻ muốn độc lập tự quyết, có khi trẻ cần mẹ buông trẻ ra, có khi trẻ cần mẹ ôm. Khi trẻ tìm kiếm tình yêu thương bằng những hỗ trợ, ôm ấp thì trẻ cần được điều đó, khi trẻ tìm kiếm sự độc lập tự quyết thì mình cần cho nó điều đó.

Mẹ hãy nhìn vào điều con muốn đằng sau lời nói hành vi của con chứ không nhìn trực tiếp vào lời nói hay hành vi đó mà phán xét hoặc kết luận về điều con đang cần. Ví dụ: Có thể trẻ nói “Mẹ ra khỏi đây đi” nhưng điều trẻ muốn là mẹ quan tâm và ở bên trẻ thật nhiều.

Mẹ hãy chỉ là mẹ của con!

– Cha mẹ là xã hội của trẻ. Tức cuộc sống, hành động của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái, ngay cả tâm trạng với công việc của cha mẹ cũng tác động đến trẻ. Chị có thể phân tích kỹ hơn về luận điểm này?

Chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga: Mỗi người đều là một cá thể và đều nằm trong mối quan hệ xã hội của chính mình, không chỉ bố mẹ mà chính con cái là xã hội của bố mẹ. Mỗi cá thể đều chịu tác động của những mối quan hệ đó.

Mẹ luôn lắng nghe cảm xúc, nhu cầu của con và con sẽ cho mẹ biết khi nào là đủ, như thế nào là tốt, nên tiếp tục làm gì và khi nào cần dừng lại

Về mặt ngắn hạn, mỗi ngày mình có tâm trạng tốt từ các mối quan hệ xung quanh thì mình bước chân vào ngôi nhà của mình với tâm trạng tốt đẹp hơn.

Về dài hạn, mình có biến đổi về tâm tính (xuất hiện tính cách của môi trường đó) và mang điều đó về nhà. Để tránh những tác động mà mẹ không mong muốn từ các mối quan hệ khác của mình lên con thì đơn giản mẹ chỉ là mẹ của con, chứ không phải giáo viên, kế toán,… trong mối giao thiệp với con mình. Dùng đúng vai mà con nhìn thấy ở mình (một người mẹ) để giao tiếp với con.

– Có ý kiến cho rằng, muốn dạy con thì cha mẹ phải là tấm gương cho con. Có đúng không khi cho rằng những cha mẹ đã từng lầm lỡ, từng làm điều xấu thì sẽ không thể dạy con trở thành người tốt?

Chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga:Người từng lầm lỡ từng làm điều xấu không có nghĩa đó là người xấu. Với những người từng sai lầm và nỗ lực khắc phục vượt qua lỗi lầm đó là một tấm gương tốt về ý chí, sự kiên định để luôn tìm đến một cuộc sống tốt hơn. Đôi khi được sinh ra từ những người mẹ như vậy lại là một điều may mắn cho trẻ.

Để con sống theo cách chúng muốn

– Rõ ràng để trở thành một người mẹ tốt thì không chỉ bản năng là đủ mà rất cần đến kỹ năng. Theo chị, làm thế nào để người lớn có kỹ năng dạy con tốt, trở thành một người mẹ tốt?

Chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga: Mình muốn được cư xử như thế nào với tư cách là một con người thì đấy sẽ là điều con muốn với tư cách là một con người.

Ai cũng sẽ muốn được quan tâm, lắng nghe và chia sẻ nhưng cách thức thể hiện điều đó và thời điểm nào là phù hợp tùy vào nhu cầu của từng cá nhân.

Không có câu trả lời như thế nào là người mẹ tốt. Trẻ nhìn vào hành vi nhiều hơn là lời nói. Không ai là hoàn hảo và chỉ cần là người mẹ biết yêu thương con vô điều kiện và có kỹ năng lắng nghe là tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ. Lắng nghe cả nhu cầu, cảm xúc tình cảm của con.

– Nhiều vị phụ huynh chia sẻ rằng, họ cũng biết điều này, điều kia là tốt cho con nhưng lại không thể biến suy nghĩ thành hành động. Lời khuyên cho các mẹ là gì?

Chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga: Khi mẹ thấy con cũng biết điều này điều kia là chưa tốt nhưng con chưa làm được thì mẹ cần kiên nhẫn một chút và cho con thêm thời gian đủ để suy nghĩ tốt đẹp đó thành hành động. Với chính mẹ cũng vậy, mẹ hãy cho mình thêm thời gian đủ để hành động theo điều mình cho là đúng.

Cuối cùng bố mẹ luôn đặt câu hỏi “Bản thân muốn con mình trở thành người như thế nào” và những gì mình đang làm cho con có tạo điều kiện thuận lợi nhất để con thấy hạnh phúc với chính bản thân mình và trở thành con người mà con mong muốn.

Tóm lại, mẹ luôn lắng nghe cảm xúc, nhu cầu của con và con sẽ cho mẹ biết khi nào là đủ, như thế nào là tốt, nên tiếp tục làm gì và khi nào cần dừng lại. Luôn xem những thứ mình làm có tạo điều kiện thuận lợi để con là chính nó, sống hạnh phúc và đạt được điều mà con mong muốn.

– Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook