Nhiễm khuẩn vú rất thường gặp ở người mẹ nuôi con bú, đặc biệt ở các chị em sinh con đầu lòng.
Vi khuẩn các loại là nguyên nhân gây bệnh.
Đường xâm nhập của vi khuẩn phần lớn từ ngoài vào, chủ yếu là đường dẫn qua đầu núm vú hoặc qua da vùng vú bị sây sát.
Điều kiện thuận lợi để vú bị nhiễm khuẩn là ự thiếu chú ý chăm sóc, vệ sinh vú; do vú bị căng vì tiết sữa hoặc do tắc ống dẫn sữa. Những người có núm vú ngắn hoặc bị tụt vào trong cũng dễ bị sang chấn khi trẻ bú nên dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
– Nhiễm khuẩn vú ban đầu thường biểu hiện bằng tình trạng “nứt núm vú”. Khi đó tại núm vú có các đường nứt nhỏ giống như vết nẻ ở mu bàn tay vào mùa khô hanh, chạy vòng quanh hay dọc theo núm vú, phải nhìn kỹ mới thấy nhưng nếu chạm vào thì rất đau. Vì thế nhiều bà mẹ trẻ bị mứt đầu vú đã phát khóc mỗi lần cho con bú. Thường thì lúc này vú chưa bị sưng và bà mẹ chưa bị sốt.
Khi gặp trường hợp này bà mẹ cần ngừng cho con bú bên vú đó nhưng phải thường xuyên vắt sữa ra chén hay bát đã luộc sôi (để diệt vi khuẩn) rồi dùng thìa đổ cho con uống. Có thể bôi lên núm vú các giọt sữa vắt từ vú ra hoặc một loại thuốc sát khuẩn nhẹ như Natri Clorid 0,9% (còn gọi là nước muối sinh lý hay huyết thanh mặn 9 phần nghìn). Có thể dùng các loại khác như dung dịch Xanh Mêtylen, Glycerin borat. Không bôi lên núm vú các loại thuốc sát khuẩn mạnh như cồn, rượu, cồn iốt hay thuốc đỏ hoặc các loại thuốc mỡ có kháng sinh. Cũng không nên nhai hoặc giã các lá thuốc nam để đắp lên vú vì cách chế biến không sạch sẽ làm nhiễm khuẩn nặng hơn lên.
– Trường hợp nhiễm khuẩn vú nặng hơn, vú sẽ sưng nóng, có mảng đỏ trên da một vùng nào đó của vú và đau nhức mỗi ngày một tăng. Bà mẹ thường có sốt trên 38oC kèm theo nổi hạch ở nách cùng bên vú đau khiến tay bên đó cử động khó khăn. Trường hợp này là “viêm vú”. Lúc này càng phải vắt sữa ra thường xuyên hơn cho con uống để vú không lúc nào bị căng sữa. Có thể dùng quả bóng hút sữa thay cho vắt bằng tay để đỡ đau. Nên dùng vải thấm nước mát đặp lên vùng vú đau (không dùng nước đá). Cần đi khám để dùng thuốc (thường là kháng sinh do thầy thuốc lựa chọn loại thích hợp).
– Nếu viêm vú không được điều trị đúng và kịp thời, nhiễm khuẩn tại vú càng nặng thêm tạo thành các túi mủ ở trong vú gọi là “áp xe vú”. Các túi mủ này là những ổ viêm vú trước đó nằm sâu bên trong hay ngay dưới da. Lúc này bà mẹ sốt cao hơn. Vú sưng to, đau nhức khiến không ăn không ngủ được. Nắn nhẹ trên khối sưng trước đây thấy rắn thì bây giờ mềm ra, có cảm giác “lùng nhùng” bên trong.
Khi đã áp xe vú, dù đau, bà mẹ vẫn phải vắt sữa ra nhiều lần trong ngày. Các loại thuốc kháng sinh lúc này không còn tác dụng mà có thể làm cho vỏ xơ của túi mủ dầy thêm; vì thế không được dùng nữa mà cần đến bệnh viện để được chích tháo mủ và dẫn lưu mủ ra ngoài. Ngay sau khi áp xe vú được chích tháo mủ, bà mẹ sẽ thấy nhẹ nhõm do giảm đau, hạ sốt và vết thương chỉ vài ba ngày sẽ lên “da non”, liền sẹo. Sau khi áp xe vú được chích, nếu mủ còn chảy qua vết thương thì bà mẹ cần vắt sữa ra nhiều lần hàng ngày (sữa này vẫn cho con uống được). Khi vết thương không còn chảy mủ có thể cho con bú mẹ như bình thường.
yhocvn.net
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…