Categories: Tin tức y học

Nhập nhằng phân đầu thẻ bảo hiểm y tế

Hơn 20.000 người vừa được chuyển bảo hiểm y tế (BHYT) từ các trạm và Trung tâm Y tế quận Sơn Trà sang Bệnh viện 199 -Bộ Công an (đóng trên địa bàn quận Sơn Trà).

Các bệnh viện hạng 1 sẽ dần giảm số đầu thẻ BHYT được phân bổ.

Tưởng đây là chuyện đáng mừng cho người bệnh, khi đầu thẻ tuyến dưới được chuyển “một phát” lên bệnh viện hạng 1. Thế nhưng, những vướng mắc đã nảy sinh, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phải vào cuộc.

Từ đây, cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc phân đầu thẻ BHYT, như đối tượng nào được mua BHYT tại bệnh viện hạng 1? Việc phân bổ đầu thẻ BHYT cho các bệnh viện hạng 1 hiện nay và trong tương lai như thế nào?

Cuộc làm việc của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh với lãnh đạo Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố cùng các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập vào chiều 16-3 phần nào đã giải quyết những vấn đề nêu trên.

“Đòi” xuống lại tuyến dưới

Theo ông Nguyễn Đức Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, đã có hơn 20.000 đầu thẻ BHYT, trong đó bao gồm 17.504 thẻ người nghèo và 3.115 thẻ đối tượng bảo trợ, lâu nay thuộc các trạm y tế và Bệnh viện Sơn Trà đã được BHXH quận chuyển qua Bệnh viện 199 – Bộ Công an từ đầu năm 2016.

Điều đáng nói, lãnh đạo UBND quận Sơn Trà không hay biết việc này cho đến khi nhận được sự phản ứng của người dân ở các phường. Ông Xứng cho hay, không phải tất cả hàng ngàn người được chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT lên tuyến trên đều cảm thấy vui mừng; ngược lại, một số người đòi đưa BHYT của họ trở lại tuyến dưới như cũ vì những lý do: khám ở trạm gần nhà thuận tiện trong việc đi lại, khi cần được chuyển tuyến thì dễ dàng hơn, v.v…

Bên cạnh đó, ngành y tế quận cũng gặp phải một khó khăn, khi lượng lớn bệnh nhân được chuyển đầu thẻ BHYT sang bệnh viện hạng 1, dẫn đến các trạm trên địa bàn bị “mất khách”. Cán bộ y tế tại những trạm này chỉ còn xoay quanh làm công tác tiêm chủng mở rộng và phòng chống dịch vì mất nguồn khám chữa bệnh ban đầu.

Điều này một phần xuất phát từ bất cập trong quy định của Bộ Y tế, đó là chỉ thông tuyến theo hướng “đi lên” mà không thông theo hướng “đi xuống”. Tức người đăng ký khám ở phường, xã được thông lên quận, huyện, nhưng người có BHYT bệnh viện hạng 1 thì không thể tự do đi khám ở bệnh viện tuyến dưới, khiến những người bệnh có thẻ BHYT Bệnh viện 199 gần như “bó chân” khi muốn về trạm y tế hoặc Bệnh viện Sơn Trà khám bệnh.

Trước những vấn đề quận Sơn Trà nêu, đại diện Bệnh viện 199 trả lời: Đáng lẽ lãnh đạo quận và ngành y tế quận phải mừng khi nhiều người dân trên địa bàn được hưởng dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện hạng 1. Phía bệnh viện khẳng định hoàn toàn không làm khó khi người bệnh muốn chuyển viện và luôn nâng cao thái độ phục vụ, không như phản ứng của một số người dân.

Người bệnh muốn đến các cơ sở y tế chuyên khoa như sản, nhi, tâm thần, v.v… thì Bệnh viện 199 đều giải quyết khi đã giải thích rõ hoặc ngoài khả năng điều trị. Trong trường hợp người bệnh có nhu cầu cấp cứu, họ có thể đi đến bất cứ cơ sở y tế nào cũng đều được khám và cấp thuốc theo luật, chứ không bắt buộc phải đến Bệnh viện 199 – nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu.

Về phía lãnh đạo ngành y tế, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế bày tỏ quan điểm: Cần đưa lại tất cả đầu thẻ BHYT vừa mới chuyển sang Bệnh viện 199 về quận Sơn Trà. Bởi xu hướng của ngành y tế là các bệnh viện hạng 1 sẽ dần giảm số đầu thẻ BHYT được phân bổ, thay vào đó là tập trung phát triển chuyên khoa sâu và tiếp nhận bệnh từ tuyến dưới.

Lý giải về việc chuyển một loạt đầu thẻ sang Bệnh viện 199, ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH thành phố cho hay, năm 2015, Bộ Công an đề nghị BHXH Việt Nam bổ sung thẻ BHYT cho Bệnh viện 199 đóng trên địa bàn quận Sơn Trà.

Xét thấy đây cũng là việc có lợi cho người bệnh, khi họ được tăng cơ hội hưởng dịch vụ bệnh viện hạng 1, nên dù quỹ BHYT có thể bị bội chi, BHXH Đà Nẵng vẫn đồng ý chuyển. “Tuy nhiên, nếu người dân không đồng tình với cách làm này, ngay trong một ngày, chúng tôi sẽ chuyển lại như cũ đồng loạt, không hề khó với chúng tôi, song cái khó là làm sao giải quyết hài hòa nhu cầu tiếp nhận bệnh nhân BHYT của các bệnh viện cùng đóng trên một địa bàn”, ông Hiệp nói.

Phân đầu thẻ BHYT: Nơi nào cũng muốn nhiều

Trước các vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chỉ đạo quận Sơn Trà thông báo rộng rãi cho những người vừa được chuyển BHYT sang Bệnh viện 199 được biết: Ai có nhu cầu chuyển bảo hiểm về lại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu như cũ thì gửi danh sách lên tổ dân phố để tập hợp xử lý một lần. Không bắt người dân nhọc công tự đi lại giải quyết việc đổi thẻ. Tất cả việc chuyển thẻ được hoàn thành trong tháng 3 năm nay.

Việc “khó xử” trong phân đầu thẻ cho các cơ sở y tế trên cùng địa bàn, nhất là giữa bệnh viện thuộc địa phương quản lý với bệnh viện trực thuộc bộ, ngành, Trung ương không chỉ là câu chuyện của riêng quận Sơn Trà. Ông Hồ Kỳ Minh đề nghị trong quý 2 năm nay, Sở Y tế phải ban hành xong quyết định phân bổ số lượng thẻ BHYT cho các bệnh viện hạng 1, chú ý lộ trình giảm đầu thẻ cho hạng bệnh viện này.

Với các bệnh viện tuyến dưới, vì theo quy định thông tuyến của Bộ Y tế áp dụng từ đầu năm 2016, các cơ sở y tế phường, xã, quận, huyện được thông với nhau, người bệnh toàn quyền chọn nơi khám chữa bệnh nên việc phân đầu thẻ cho các bệnh viện tuyến này đã không còn giá trị.

Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị BHXH thành phố ban hành quyết định đối tượng nào được phân bổ đầu thẻ vào bệnh viện hạng 1, tiêu chí cụ thể ra sao.

Bệnh nhân nghi ung thư được chuyển thẳng Bệnh viện Ung bướu

Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, đại diện một phòng khám tư nhân nêu thực trạng, có bệnh nhân sử dụng BHYT đến phòng khám và được chẩn đoán bị tiểu đường, kèm dấu hiệu có khối u ở phổi.

Phòng khám này chuyển bệnh nhân đến một bệnh viện quận để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, nhưng bệnh viện quận lại giữ người bệnh chữa tiểu đường mà không chuyển viện lên tuyến tỉnh hoặc bệnh viện chuyên khoa ung bướu.

Người bệnh phải quay lại phòng khám này nhiều lần nhờ sự can thiệp để được điều trị khối u. Đến nay, bệnh nhân đã bị ung thư giai đoạn cuối, di căn. Người đại diện phòng khám này đề nghị các bệnh viện đừng vì sĩ diện hay muốn giữ khách hàng mà làm tổn hại đến quyền lợi khám chữa bệnh của người bệnh.

Về vấn đề này, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Sở Y tế đã có văn bản chính thức cho phép tất cả các trường hợp nghi ung thư được phát hiện ở bất kỳ phòng khám nào trên địa bàn thành phố (phòng khám có đầu thẻ BHYT) được quyền chuyển thẳng đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Từ quy định này, người bệnh có thể yên tâm không bị “giữ chân” hoặc phải đi vòng trong trường hợp được nơi khám chữa bệnh ban đầu chẩn đoán nghi ngờ ung thư.

Theo Báo Đà Nẵng

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

11 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

11 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago