Mức độ gia tăng chi phí KCB đang cao hơn 25% so với năm 2015.
Nơi đìu hiu, nơi nhộn nhịp
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại các tỉnh đã vượt hơn 2 nghìn tỷ đồng so với tổng quỹ hiện có. Mức độ gia tăng chi phí KCB đang cao hơn 25% so với năm 2015 và 40% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê có tới 37 tỉnh có số chi vượt quỹ KCB được giao. Trong đó có những tỉnh chưa bao giờ trong tình trạng bội chi như Bắc Kạn, Lào Cai, Tuyên Quang là những địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi tiếp cận dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế. Tại một số tỉnh như Nghệ An, Cà Mau… có số bệnh nhân tỉnh khác đến KCB gia tăng đột biến so với 2015.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chi vượt là do thực hiện quy định khám chữa bệnh thông tuyến thực hiện từ 1/1/2016 tại các bệnh viện huyện trên cả nước dẫn đến số lượt KCB đúng tuyến huyện, tỉnh tăng khá cao(6,5%).
Tại tỉnh Bắc Giang, phát hiện Bệnh viện YHCT Lan Q lợi dụng chính sách thông tuyến có chương trình kết hợp với Hội người cao tuổi ở địa phương để vận động người có thẻ y tế ở địa phương đến KCB với số tiền hỗ trợ 120.000 đồng/1 người.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: Quy định thông tuyến tạo thuận lợi hơn nhiều cho người bệnh khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB, được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn. Điều này thúc đẩy chất lượng KCB, tinh thần thái độ phục vụ… tăng lên để thu hút người bệnh, nhất là các cơ sở y tế tư nhân. Lợi ích kép mà quy định này mang lại giúp lộ trình tiến tới BHYT toàn dân được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, quy định này cũng gây khó khăn cho công tác quản lý quỹ BHYT khi người bệnh đi KCB nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau. Hiện số lượt KCB tại các cơ sở tuyến huyện chưa tăng đột biến nhưng cơ sở tư nhân có tình trạng tăng mạnh còn các trạm y tế xã thì đìu hiu không người bệnh, nguy cơ quá tải bệnh viện tuyến huyện là khó tránh khỏi…
Gắn trách nhiệm của bác sĩ, điều dưỡng
Qua kiểm tra, BHXH Việt Nam không chấp nhận thanh toán các chi phí KCB BHYT mà các cơ sở KCB đã thanh toán sai quy định. Cụ thể, hơn 6 tỷ đồng thuốc ngoài danh mục, không đúng chỉ định hoặc chỉ định không hợp lý đã không được BHXH VN thanh toán. Năm 2015, tổng số thuốc có hàm lượng không phổ biến, ít cạnh tranh trên toàn quốc là 482 tỷ đồng, có 7 tỉnh, TP có số lượng đề nghị vượt 20% số lượng trong kết quả trúng thầu với tổng số tiền 115 tỷ…
Tình trạng chỉ định nhiều thuốc đắt tiền, nhiều xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh cho người bệnh quá mức cần thiết, không phù hợp dẫn đến tăng chi phí diễn ra ở một số nơi. Tại 4 tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Nam và Cần Thơ số tiền BHXH VN không thanh toán cho chi phí không hợp lý này là trên 3,36 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số cơ sở y tế áp giá thanh toán không đúng quy định, thường cao hơn so với giá kê khai. Thống kê thanh toán không đúng quy định như trùng, ngoài phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, tách một dịch vụ kỹ thuật thành nhiều dịch vụ để thanh toán. Lắp đặt máy móc xã hội hoá không đúng với quy định như tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ có 52 thiết bị các loại đang phục vụ cho người bệnh BHYT không xây dựng đề án như quy định.
Trước mắt, ngoài việc tăng cường kiểm tra việc thực hiện các dịch vụ y tế, cần xây dựng đề án tổng thể “Chống lạm dụng quỹ BHYT”. Bên cạnh đó, cần gắn trách nhiệm cá nhân của bác sỹ với việc chống lạm dụng, gây lãng phí cho bệnh nhân và quỹ BHYT. Cụ thể, bác sĩ điều dưỡng trực tiếp điều trị bệnh nhân phải chịu trách nhiệm trước những đơn thuốc, hồ sơ bệnh không được cơ quan BHXH thanh toán do lạm dụng thuốc, xét nghiệm.
Thu Hương
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…