Lần nữa với “Ngày Không Còn Mẹ”, xứ Hàn lại thành công trong việc lấy đi nước mắt người xem, kể cả những kẻ luôn nghĩ mình là mạnh mẽ, cứng cỏi nhất.
Trước nay, các nhà làm phim Hàn Quốc vẫn luôn nổi tiếng là những người biết “hành hạ” khán giả bằng những tác phẩm gây nhiều xúc động. Cái chất melo rất rõ rệt và riêng biệt ấy có thể hiện hữu ở ngay cả những bộ phim mà trước khi ra rạp, người xem cũng không hề nghĩ rằng nó lại là một câu chuyện được làm ra để lấy nước mắt.
The Preparation (Ngày Không Còn Mẹ), tác phẩm vừa cập bến Việt Nam cách đây ít ngày, chính là một bộ phim lấy đi nhiều nước mắt như vậy. Những ngày này tại rạp Việt, không khó để bắt gặp cảnh tượng các khán giả, từ già tới trẻ, gái tới trai, sụt sùi nước mắt vì câu chuyện của hai “mẹ con” Go Doo Shim và Kim Sung Kyun.
Ngày Không Còn Mẹ xoay quanh câu chuyện về hai mẹ con Ae Soon (Go Doo Shim) và In Gyu (Kim Sung Kyun), một người đàn ông đã ở tuổi 30 nhưng trí tuệ và nhận thức chỉ như một đứa trẻ lên 7. Cuộc sống của bà Ae Soon là chuỗi ngày một mình chăm sóc, bảo bọc đứa con lớn tướng, lo lắng cho In Gyu từ những điều nhỏ nhặt nhất khi mà chồng bà đã mất, còn con gái đã “bỏ mặc em trai” để lấy một người chồng giàu. Còn đối với In Gyu, mẹ chính là người sinh ra để làm hết mọi việc, sửa chữa mọi việc cho anh. Giống như nhiều đứa trẻ đang sống chung với bố mẹ, In Gyu luôn đòi ra ở riêng, nhưng khi mẹ nói mẹ sắp đi xa thì tuyệt nhiên anh lại mếu máo, giãy nảy không chịu.
Điều mà bà Ae Soon sợ nhất suốt 30 năm qua đó là sẽ không còn ai lo cho In Gyu bé bỏng sau khi bà qua đời. Điều ấy, cuối cùng cũng sắp xảy ra. Chỉ còn vài tháng nữa trước khi đến Thiên đường, nơi mà In Gyu của bà được kể rằng sẽ có rất nhiều đồ ăn ngon, bà Ae Soon cố gắng giấu đi vẻ đau buồn để dạy con trai mình cách tự lập, để “ngày không còn mẹ, con cũng có thể sống tốt”: Dạy con rán trứng, nấu cơm, dạy con cách đi xe buýt về nhà hay tới nơi làm việc và dạy con “Chết” thực sự có nghĩa là như thế nào…
Khác với phim kinh dị về xác sống Train to Busan từng gây bão phòng vé Việt năm ngoái, Ngày Không Còn Mẹ là một tác phẩm mà ngay từ tiêu đề và những lời giới thiệu đầu tiên, bạn đã đoán được rằng trước khi đến rạp xem phim, có thể bạn sẽ phải chuẩn bị không ít khăn giấy. Tình mẫu tử vốn đã là một chủ đề dễ gây xúc động. Cũng vì vậy mà chỉ cần những tình tiết đời thường giữa hai mẹ con cũng đã đủ để khiến không ít khán giả phải rơm rớm nước mắt ngay từ nửa đầu phim, dẫu rằng mạch phim quá đều dễ gây mất kiên nhẫn cho những người khác.
Nếu như nhân vật Ae Soon là người khơi gợi sự rung động nơi khán giả thì In Gyu lại là nhân vật đem lại tiếng cười và cả sự cay đắng, chua xót. Những hành động của In Gyu ban đầu có thể khiến người xem bực mình, nhưng cũng chính vì điều này đã giúp họ biết cách bình tĩnh lại để nhận ra, cuộc sống của bà Ae Soon và chính In Gyu khó khăn như thế nào, người mẹ ấy, và bất kì người mẹ nào, đã vĩ đại ra sao để luôn đùm bọc lấy đứa con không bình thường.
Tội lỗi duy nhất của bà Ae Soon có lẽ chính là sự kém hiểu biết khi bà thiếu tin tưởng đứa con chậm phát triển của mình. Người hùng trong câu chuyện của Ngày Không Còn Mẹ thật ra là một nhân vật không có nhiều thời lượng xuất hiện. Đó là ông Park (Park Chul Min thủ vai), người đã tận tình giúp đỡ hai mẹ con Ae Soon, kiên nhẫn gìn giữ mối quan hệ với cả hai người, thuyết phục được bà Ae Soon chịu thay đổi suy nghĩ của mình về khả năng của con trai.
Như thường lệ, hai diễn viên Go Doo Shim và Kim Sung Kyun đã có một màn thể hiện tuyệt vời trong Ngày Không Còn Mẹ. Nếu như Go Doo Shim gây xúc động mạnh bằng diễn xuất của một “bà mẹ quốc dân”, thì Kim Sung Kyun lại đưa người xem đi từ sự bực bội ban đầu đến sự đồng cảm và cuối cùng là nụ cười nhẹ nhõm trước một cái kết đẹp dành cho In Gyu. Cả hai đã góp công rất lớn trong việc tạo nên một câu chuyện chinh phục trái tim hàng triệu khán giả, nếu như không nói rằng diễn xuất của họ đã thực sự “cứu” sự đều đều của mạch phim.
Ngày Không Còn Mẹ hiện đang được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc.
Khi bạn cho đi sự yêu thương, bạn sẽ nhận lại sự yêu thương
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: ĐKN
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…