Thời tiết nắng nóng làm trẻ mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy đến khám và nhập viện tăng lên trong những ngày gần đây.
Theo các bác sĩ, các bậc cha mẹ cần lưu ý việc sử dụng quạt máy, máy lạnh đúng cách, chăm sóc trẻ kỹ trong việc ăn uống…
Trẻ đổ bệnh
Sáng 12-4 tại TP.HCM, mới khoảng 9g ngoài trời đã nắng gắt. Đến giữa trưa nắng trở nên rát bỏng. Đường kẹt xe, khói bụi càng làm không khí nóng bức, khó chịu. Chạy xe ngoài đường cảm giác cháy rát da thịt. Tại nhiều trường học trên địa bàn TP, phụ huynh bắt học sinh phải mặc áo khoác dày, đeo khẩu trang kín để chống nắng cho trẻ.
Chị Trần Thị Nhung (Q.Phú Nhuận) kể lo con bị bệnh nên chị tranh thủ chở con đến trường sớm hơn mọi ngày. Dù vậy, chị cũng chuẩn bị thêm áo khoác, mũ nón, kính râm cho con phòng khi đón về buổi chiều trời còn nắng to.
Trong khi đó chị Nga (Q.Bình Tân) mấy ngày nay ngoài chuyện cho con uống cam vắt, chị còn cho con uống thêm nước giá ngâm nước ấm để mát người.
Nắng nóng khiến trẻ mắc các bệnh về hô hấp và tiêu hóa tăng. Ngày 12-4, tại khoa hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) từ sáng sớm đã có nhiều phụ huynh đưa con em bị các bệnh hô hấp như nhiễm siêu vi, ho, sốt, sổ mũi, viêm họng đến khám.
Chị Bùi Thị Duyên (H.Bình Chánh, TP.HCM) cùng chồng đưa con gái 6 tháng tuổi đến khám ở khoa hô hấp 1. Ba ngày nay con gái chị có triệu chứng ho có đờm, sổ mũi. Bác sĩ chẩn đoán con chị bị viêm phế quản phải nhập viện điều trị.
Chị Duyên kể dù chị dùng tấm xốp chống nóng lót trên trần nhà và quạt chạy ro ro cả ngày nhưng phòng chị vẫn nóng hầm, bức bí. “Nắng oi người lớn cũng muốn đổ bệnh chứ nói gì trẻ em” – chị Duyên nói.
Tương tự, ghi nhận của chúng tôi tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 12-4 cũng có đông phụ huynh đưa con bị các bệnh về hô hấp tới khám. Hầu hết trẻ đều có triệu chứng sốt, ho. Nhiều phòng bệnh chật cứng bệnh nhi và người nhà.
Trẻ đến khám tăng hơn 1.000 trẻ/ngày
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết do thời tiết nắng nóng nên số trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang tăng. Hơn một tuần nay, ngày nào số trẻ đến bệnh viện khám cũng trên 6.000 trẻ, riêng ngày 11-4 số trẻ đến khám là 7.656 trẻ.
Trong khi số trẻ đến khám bệnh ở thời điểm trước khi nắng nóng ở mức 5.000-6.000 trẻ/ngày. Bệnh hô hấp và tiêu hóa là hai bệnh tăng nhiều nhất thời gian này.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, quyền trưởng khoa hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết gần đây trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện tại khoa hô hấp 1 khoảng 190-200 trẻ, trong khi trước đó chỉ ở mức 150-160 trẻ.
Các bác sĩ điều trị bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 khẳng định hiện chưa phải là mùa của bệnh hô hấp nhưng khi thời tiết nắng nóng, số trẻ mắc bệnh hô hấp đang tăng. Nguyên nhân các bác sĩ nghĩ nhiều đến là việc sử dụng máy lạnh, quạt máy chưa hợp lý.
Cụ thể, qua khám bệnh cho trẻ, bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, ghi nhận trong những ngày nắng nóng, nhiều bậc cha mẹ đã để quạt thổi thẳng vào người trẻ, cho trẻ nằm trong máy lạnh quá lâu…
Ngoài ra, nhiều gia đình còn sử dụng quạt hơi nước. Tuy nhiên, quạt hơi nước sử dụng trong phòng kín lại không tốt cho hệ hô hấp vì hơi nước tạo độ ẩm cao, dễ tạo nấm mốc và các mầm bệnh khác.
Do đó, bác sĩ Hoàng Phong khuyến cáo với trẻ chưa mắc bệnh cần cho uống nước ấm nhiều, vệ sinh nơi ở cho sạch sẽ, ra ngoài đường nên che chắn hoặc cho trẻ đeo khẩu trang. Với những trẻ có triệu chứng sốt, ho… nên đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Cần Thơ: trẻ khám, nhập viện cũng tăng
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, trong tháng 3-2016 các bệnh ở trẻ em do nắng nóng tăng cao như: viêm phổi 7.282 lượt khám (so với tháng 2 là 5.515), viêm đường hô hấp trên là 5.132 lượt khám (tháng 2 là 3.609).
Tại khoa nội tổng hợp, khoa sốt xuất huyết, lượng bệnh nhi nội trú cũng gia tăng so với tháng trước.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh – trưởng khoa nội tổng hợp – nói lượng bệnh nhi nhập viện tại khoa có chiều hướng tăng từ hơn một tuần nay, chủ yếu là bệnh viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp. Hiện khoa có 86 giường bệnh, nhưng có 128 bệnh nhi đang theo dõi tại khoa.
T.LŨY
Mùa mưa đến muộn
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, liên tục những ngày qua nhiệt độ tại nhiều tỉnh Nam bộ phổ biến ở mức cao 35-360C, có những nơi 37-380C.
Cụ thể nhiệt độ trưa 12-4 tại Sở Sao (Bình Dương) là 380C, Đồng Phú (Bình Phước) 370C, Long Khánh (Đồng Nai) 360C, Tây Ninh 370C, TP.HCM 360C.
Tại nhiều tỉnh thành miền Tây Nam bộ nhiệt độ cũng ở mức 35-360C, có nơi trên 360C. Dự báo tình trạng này còn kéo dài trong nhiều ngày.
Cũng theo bà Lan, mùa mưa ở Nam bộ nhận định sẽ xuất hiện muộn, khoảng 10 ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
Q.KHẢI
Nguồn: Giáo dục Online
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…