Ở công ty, bạn có thể là một cá nhân mẫn cán, hòa đồng, nhưng tại sao đã quá lâu bạn vẫn chưa được cất nhắc lên một vị trí cao hơn? Nếu đã từng tự hỏi câu đó ít nhất 1 lần, hãy thử xem liệu mình có mắc phải 1 trong 5 thói quen nguy hiểm chốn văn phòng dưới đây không nhé. Biết đâu bạn lại tìm được lời giải đáp cho nỗi băn khoăn đó thì sao?
1. Liên tục xin lỗi dù không làm gì sai
Liệu câu nói cửa miệng của bạn ở văn phòng có phải: “Tôi xin lỗi”? Nghe có vẻ khá lịch sự nhưng việc luôn cố gắng tỏ ra nhún nhường và mềm mỏng như vậy thực chất sẽ chẳng đem lại cho bạn hoặc người khác bất cứ lợi ích gì. Trong một bài viết trên tạp chí The Muse, tác giả Angeline Evans cho rằng xin lỗi luôn miệng có thể làm giảm sự chuyên nghiệp của bạn trong mắt đồng nghiệp khi tạo cho họ cảm giác nghi hoặc và thiếu tự nhiên.
Nếu sắp buột miệng xin lỗi dù bạn chẳng làm gì sai, hãy thử thay thế chúng bằng những cách đáp lại thông minh hơn. Ví như khi có người đề nghị bạn trình bày lại ý chính của bài phát biểu bởi bạn nói quá nhanh khiến họ không theo kịp, đừng chăm chăm xin lỗi vì bạn thực chất chẳng hề có lỗi. Hãy bình tĩnh gật đầu, mỉm cười và nói: “Được chứ, không thành vấn đề”. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, đồng thời đối phương cũng sẽ có cảm giác thân thiện và được chào đón hơn.
2. Biến mọi nơi thành “sân khấu” độc diễn
Bạn có hàng đống ý tưởng xuất sắc trong đầu cần được nói ra cho người khác biết? Bạn thích trò chuyện và cười đùa với nhiều người? Chẳng có gì sai, nhưng nếu bạn thường xuyên… nói hết phần người khác thì có lẽ ai đó nên thay đổi. Là một người năng nổ phát biểu liên tục trong một cuộc họp, bạn cứ ngỡ sẽ để lại ấn tượng tốt với mọi người. Thực chất, việc bạn nói không ngơi nghỉ từ đầu chí cuối mà không để ai chen vào sẽ khiến không ít người ức chế và khó chịu.
Nếu bạn là người hướng ngoại, hẳn bạn sẽ có nhu cầu nói rất cao, và không nghi ngờ gì khi bạn là người nói nhiều nhất nhóm. Tuy nhiên, đừng vì thế mà quên đi rằng xung quanh bạn còn có rất nhiều người cần được bày tỏ quan điểm. Có thể vài người trong số họ cũng hướng ngoại, họ cũng thích được nói thật nhiều, chẳng qua là họ đang tỏ ra lịch sự khi không ngắt lời bạn mà thôi!
Hãy để ý tới thái độ của người đối diện để biết tiết chế bản thân: Họ cắm mặt vào điện thoại hoặc nhìn vu vơ thay vì nhìn vào mắt bạn khi bạn nói? Họ đột xuất có việc bận phải đi khi bạn từ đâu gia nhập nhóm tám chuyện? Nếu đúng thì hãy mau chóng thay đổi đi nhé.
3. Liên tục họp hành chẳng vì lý do gì
Một số liệu đáng sợ: Các vị quản lý thường bỏ ra trung bình 4 tiếng/tuần để chuẩn bị cho các cuộc họp giao ban định kỳ. Và chắc hẳn 90% trong số đó sẽ kết thúc trong ngán ngẩm sau vài câu báo cáo chẳng cần nghe cũng biết.
Chính vì thế, cho dù bạn có phải chức to hay không, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng cuộc họp này có mục đích chính đáng, rõ ràng. Hãy chứng minh rằng lý do cho cuộc họp này là bởi nội dung của nó không thể chỉ cần diễn đạt qua email là xong.
Và khi phải đứng ra tổ chức cuộc họp, hãy chắc chắn rằng nó sẽ diễn ra thật nhanh chóng, gọn ghẽ và hiệu quả. Hoặc một cuộc họp đứng thì sao? Bạn sẽ ngạc nhiên nhưng khoa học đã chứng minh, đứng sẽ giúp não bộ của bạn hoạt động trôi chảy và suy luận logic hơn.
4. Điển hình gương mẫu
Bạn là một cá nhân coi trọng hiệu quả công việc hơn hết thảy? Bạn thích là người đến văn phòng sớm nhất và là người cuối cùng về nhà? Ăn trưa? Ai có thời gian cơ chứ! Bàn chuyện phiếm với đồng nghiệp? Ai mà quan tâm cuối tuần họ đi những đâu!
Tuy nhiên, trở thành “tượng đài sống” của cả phòng thực chất chẳng đem lại lợi ích gì cho bạn. Ngoài việc tập trung đến mức không cần thiết vào công việc, bạn sẽ đánh mất cơ hội được hiểu hơn về đồng nghiệp, những người sẽ “đồng cam cộng khổ” với bạn trong những tháng ngày dài sắp tới.
Chưa kể, việc cắm rễ bên bàn làm việc cũng là nguy cơ dẫn đến vô số căn bệnh nguy hiểm. Béo phì, tiểu đường, thấp khớp hay căng thẳng kéo dài sẽ chờ được “tiếp đón” bạn vào cuối ngày nếu bạn quá lười vận động trong nhiều ngày liên tục.
5. “Hồ than thở”
Thừa nhận đi, bạn có thường quen miệng “bán than” bất cứ khi nào ở cạnh bạn bè, người thân? Có thể công việc hiện tại của bạn rất vất vả, hay việc than vãn sẽ giúp bạn giải tỏa bức bối và khó chịu sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thế nhưng, thói quen tưởng như hết sức lành mạnh này rất có thể sẽ gây tác dụng ngược.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn liên tục than vãn trong khi công việc vẫn giậm chân tại chỗ? Rõ ràng sẽ chẳng có gì tiến triển cả. Hãy tự đặt ra một thói quen mới cho chính mình: Chỉ được than thở trong tối đa 5 phút, và từ phút thứ 6 trở đi, trong đầu bạn sẽ chỉ được xuất hiện các kế hoạch hành động cụ thể để cải thiện tình hình.
Đồng nghiệp liên tục chỉ trích bạn? Hãy tỉnh táo đối mặt với họ và chấm dứt sự phân biệt bằng chính hiệu quả công việc. Ông sếp cứ hứng lên là lại thay đổi kế hoạch mà không nói với bạn một lời? Hãy gửi mail đề nghị một phương hướng hoạt động cụ thể từ chính tay sếp. Ai đó quen miệng… ăn sạch hộp cơm trưa của bạn? Hãy mua một hộp cơm thật to để cạnh bàn làm việc và ghi rõ tên mình lên đó.
Tham khảo BusinessInsider
Nguồn: GenK
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…