Trước đây, vì không muốn con ảo tưởng về mình nên trước mặt con, vợ chồng tôi không bao giờ khen hay công nhận con làm tốt. Ngay cả việc con đứng đầu lớp, tôi vẫn tỏ ra không vui hay tự hào gì cả.
Nhiều lần con khoe được điểm 10, tôi “đánh” luôn một câu: “Có thế thôi à? Mẹ tưởng gì…”.
Có lần thấy tôi gõ văn bản chậm như “mổ cò”, con tôi hướng dẫn cách gõ 10 ngón trên máy tính, tôi bẽ bàng vì bị con vượt mặt nên “mắng vốn”: “Con đừng có trứng khôn hơn vịt”.
Thế là con tẽn tò chạy về phòng. Lần khác con góp ý việc tiết kiệm điện, tôi gạt phăng: “Con học đâu cái thói mới mở mắt ra đã về nhà dạy mẹ đấy?”.
Tôi luôn cho rằng con lanh chanh, thể hiện mình quá lố, chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng…
Còn nhớ năm con học lớp 7, dù đoạt giải nhì môn toán cấp thành phố mà tôi vẫn tỏ ra không hài lòng: “Giải nhì thì nhằm nhò gì. Cố gắng thêm chút nữa có phải là con đã giành được giải nhất không? Mẹ tưởng gì…”.
Khi ấy con tôi chỉ lầm lũi không nói gì. Tôi đinh ninh rằng những lời chê trách mới giúp con cố gắng hơn, nỗ lực nhiều hơn và không bao giờ ngừng phấn đấu.
Tôi không biết rằng con đã rất hụt hẫng trước sự vô tâm của mẹ. Không có một món quà động viên con đã đành, ngay đến lời khuyến khích con cũng không có.
Không ít lần tôi vờ vịt, xem thường những thành quả đó vì không muốn theo kiểu “con hát, mẹ khen hay”.
Dần dần tôi nhận ra hình như con không còn muốn phấn đấu nhiều như trước chỉ vì không được bố mẹ công nhận. Con cũng không còn khoe điểm 10 mỗi buổi đi học về.
Con tỏ ra hững hờ mỗi khi được cử đi thi học sinh giỏi. Bố mẹ cũng không còn là những người đầu tiên biết tin con được đi thi học sinh giỏi toán quốc gia. Khi con chuẩn bị thi, tôi mới biết nên khá hụt hẫng.
Tôi bực bội hỏi con: “Tại sao con không nói gì với bố mẹ? Sao ngày mai đi thi mà nay mẹ mới biết?” thì con tôi trả lời với thái độ tỉnh bơ: “Bấy lâu nay mẹ có xem trọng thành tích của con đâu.
Nói với bố mẹ hay không cũng vậy thôi mà, lúc nào mẹ cũng nói là mẹ tưởng gì…”.
Nghe con nói, tôi giật mình chột dạ. Cũng may tôi nhận ra điều này sớm nên bắt đầu thay đổi. Tuy không phải cái gì cũng khen nhưng tôi đã bắt đầu công nhận sự tiến bộ cũng như thành quả của con.
Tôi gần gũi con hơn, chủ động hỏi con về học tập. Tôi cũng không ngại ngần khen con khi con mang thành tích về. Để ý thấy đôi mắt con tỏ ra rất hào hứng, là người mẹ tôi biết mình đã đúng và đang đi đúng đường.
Tôi chủ động nhờ con chỉ dẫn một chút về máy tính. Được mẹ nhờ cậy nên con tỏ ra rất thích thú, nhiệt tình thành ra hai mẹ con lại gần gũi hơn, không còn xa cách như trước nữa.
Khi có bạn bè hay họ hàng đến chơi, nói chuyện về một vài lĩnh vực gì đó, ví dụ như vi tính hay nấu ăn, tôi đã phải khen rằng: “Một vài món cháu nó nấu ăn ngon hơn mẹ rồi đấy”, hay: “Cháu H. thông thạo vi tính hơn bố mẹ. Mỗi khi trục trặc gì thì cháu lại là thợ sửa không công trong nhà”…
Trước tôi rất khó chịu và gay gắt khi biết con hay lên mạng Facebook để tám chuyện, chém gió.
Nhưng rồi tôi thấy kết quả học tập của con vẫn tốt, giao tiếp tốt hơn nhiều so với trước kia, không còn lầm lì, sống khép kín như trước nữa nên tôi đã phải thay đổi cách nhìn nhận.
Có tối, khi con đang rảnh rang, tôi đến bên hỏi: “Lập Facebook như thế nào hả con?”, “Con hướng dẫn mẹ với nào”… Vì được mẹ nhờ nên con tôi tha hồ thể hiện sở trường của mình rất nhiệt tình.
Hóa ra dù là cha mẹ, ở trong nhiều lĩnh vực, con cái vẫn là “người thầy” của mình.
Trước đây, tôi đã quá sai lầm khi khoác lên mình cái “mác” cha mẹ để tha hồ hạch họe con.
Tôi thấy mình đã sai khi lúc nào cũng “mẹ tưởng là…”.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…