Cuộc sống công nghiệp hóa, nước giải khát đóng chai ngày càng được ưa chuộng nhờ tính tiện lợi và nhanh chóng. Có hơn 30 thương hiệu nước ngọt trong và ngoài nước đáp ứng nhu cầu giải nhiệt mùa hè của người tiêu dùng. Song theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn – chuyên gia 43 năm giảng dạy tại khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), phần lớn mọi người không đọc kỹ nhãn mác trước khi uống.
Phó giáo sư Côn khuyên, nên tìm hiểu công dụng, đọc kỹ thành phần và hạn sử dụng trên bao bì, xem xét tình trạng hộp hoặc chai nguyên vẹn trước khi mua… để chọn được sản phẩm đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh. Hàm lượng đường, calo, chất bảo quản…là những thông tin cần xem xét đầu tiên.
“Có 29 chất bảo quản được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Một số chất bảo quản thường dùng trong ngành đồ uống là sodium benzoate, acid sorbic, potassium sorbate… Chúng có tác dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn, nấm mốc, nhằm ngăn chặn sự thiu, hỏng của nước đóng chai. Các chất này nếu sử dụng đúng theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì tương đối an toàn cho sức khỏe”, Phó giáo sư Côn nói.
Ông lý giải thêm, chất bảo quản “tương đối an toàn” bởi cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học chưa tìm thấy bằng chứng gây hại cho sức khỏe. Song trong tương lai, các nghiên cứu mới có thể phát hiện ra nhược điểm của chúng. Ví dụ như chất paraben kháng khuẩn và nấm thường dùng trong mỹ phẩm, đến năm 2015 mới bị cấm sử dụng vì nghi ngờ gây ung thư. Qua các thời kỳ, danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong ngành thực phẩm sẽ có sự thay đổi.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn – chuyên gia 43 năm giảng dạy tại khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Theo quy định Bộ Y tế, mỗi kg đồ uống hương liệu được phép dùng tối đa 0,5g acid sorbic, 0,6g sodium benzoate (còn gọi là natri benzoat) hoặc 0,5g potassium sorbate (kali sorbat)… Nếu lạm dụng, uống nhiều và thường xuyên, chúng sẽ tích tụ trong cơ thể, gây tổn thương gan, thận, bàng quang… Việc uống các loại nước đóng chai trôi nổi, không rõ nguồn gốc còn có thể gây ngộ độc cấp tính tức thời (đau đầu, chóng mặt, nôn, co giật…).
Phó giáo sư Côn khuyên uống vừa phải nước ngọt đóng chai, ưu tiên các thương hiệu uy tín. Tốt nhất nên tự ép nước trái cây, hãm trà thảo mộc, hoặc chọn các sản phẩm nước giải khát không sử dụng chất bảo quản, có hương vị tự nhiên.
Hiện có nhiều công nghệ diệt khuẩn nước giải khát mà không dùng đến chất bảo quản, ví dụ như công nghệ tiệt trùng UHT, chiết rót vô trùng Aseptic… Sau khi sản phẩm trải qua thanh trùng UHT, công nghệ Aseptic sẽ chiết rót lạnh trong môi trường vô trùng. Nhờ thế, toàn bộ vi sinh vật có hại bị tiêu diệt từ khâu trích ly nguyên liệu đến chiết rót, đóng nắp sản phẩm, không dùng chất bảo quản mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên.
An San
Nguồn: VnExpress
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…