Nhiều người cho rằng, thịt lợn sạch tự nuôi nên có thể ăn tiết canh, nem chạo thoải mái. Tuy nhiên, ít ai biết, lợn khỏe mạnh vẫn có thể nhiễm liên cầu khuẩn rất nguy hiểm.
Tuyệt đối không ăn tiết canh để phòng tránh bệnh liên cầu lợn. Ảnh minh họa. |
Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 2 bệnh nhân ở xã Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn. Cả hai nhập viện trong tình trạng nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử, nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận, chảy máu dạ dày.
Sau khi được điều trị tích cực, đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu… đến nay cả 2 bệnh nhân đã hồi phục.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến tháng 11/2015, cả nước đã ghi nhận 82 ca mắc mới liên cầu khuẩn lợn, 10 ca tử vong.
Riêng Hà Nội ghi nhận khoảng 17 ca mắc, 2 ca tử vong (ở Mỹ Đức và Hà Đông). 3 tháng gần đây, tháng nào cũng có trên 10 ca mắc liên cầu khuẩn lợn phải nhập viện, trong đó có 5 ca tử vong.
Bệnh liên cầu khuẩn lây truyền từ lợn bệnh sang người, không gây thành dịch. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn.
Tỷ lệ tử vong khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%. Trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, ngoài ra do ăn nem chạo sống và số ít người nhiễm từ việc chăn nuôi lợn bệnh.
Nhiều người có tâm lý cho rằng, lợn do nhà nuôi không sợ bệnh, có thể yên tâm ăn tiết canh. Thực tế rất nhiều bệnh nhân ăn tiết canh, thịt lợn do nhà nuôi nhưng vẫn bị bệnh. Vì trong một đàn lợn khỏe mạnh, luôn có một tỉ lệ nhất định cá thể mang vi khuẩn liên cầu.
Khi lợn bị suy giảm sức đề kháng, liên cầu khuẩn sẽ gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Đó là lý do tại sao có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân nhất là những người có tiếp xúc với lợn cần thực hiện vệ sinh cá nhân (trang bị bảo hộ lao động, rửa tay chân sau khi tiếp xúc…). Thịt lợn phải được nấu chín trước khi ăn và tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn còn sống.
Sau khi ăn thịt hoặc tiếp xúc với lợn, nếu thấy có triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, cần đến khám ngay ở cơ sở y tế. Khi giết mổ lợn hoặc tiêu huỷ lợn nhiễm bệnh phải sử dụng đồ bảo hộ.
Không được mua bán, giết thịt, ăn thịt lợn bệnh và chết. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn ở nơi tin cậy, có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Đối với người chăn nuôi lợn nên chọn con giống rõ nguồn gốc, thực hiện vệ sinh phòng bệnh, khử trùng tiêu độc, tiêm phòng các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Theo Bảo Ngọc/Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…