Ngày Chủ Nhật, Bé Hùng Anh 3 tuổi chơi vẽ tranh với bố cả buổi sáng. Hai bố con vẽ được nhiều tranh lắm. Hùng Anh rất thích. Sau đấy, bố có việc bận, đứng dậy để làm thì Hùng Anh không cho, bắt bố chơi tiếp và khóc rất to. Khi bố đi khỏi, Hùng Anh còn gào lên, hét to hơn để bố nghe thấy. Mãi một lúc sau Hùng Anh mới chịu nín.
Trong cuộc sống thường ngày, không ít trường hợp trẻ đòi hỏi, mè nheo như thế. Ví dụ, cho trẻ ra công viên, vào siêu thị hay sang nhà bạn chơi, đến giờ đi về nhưng trẻ nhất quyết không về; Trẻ đang chơi vui, nhưng bố mẹ bắt dừng lại, bắt đi ngủ, thì trẻ khóc đòi chơi tiếp …
Việc trẻ phản ứng trong những trường hợp như thế là hoàn toàn bình thường. Bất kỳ trẻ nào cũng trải qua một giai đoạn “ương ngạch”. Vấn đề là làm thế nào để rút ngắn khoảng thời gian này để trẻ biết vâng theo lời bố mẹ.
Để hiểu được tâm lý của trẻ, chúng ta hãy hình dung xem nếu là mình thì trong tình huống tương tự, người lớn chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Ví dụ, đang xem một bộ phim hay nhưng mất điện chẳng hạn. Chắc chắn là lúc đấy chúng ta cũng không thoải mái gì. Tuy nhiên, chúng ta không hành xử giống như trẻ, không gào khóc, không hét lên mà biết cách chấp nhận thực tế và sẽ nghĩ ra việc khác để làm hay trò chơi khác để chơi.
Lại hình dung một trường hợp khác. Ví dụ, khi đang xem một tập phim hay trên ti-vi thì hết, tập tiếp theo hôm sau mới chiếu. Cảm giác của chúng ta sẽ thế nào? Mặc dù rất thích xem và cũng tiếc vì đang đoạn hấp dẫn thì hết tập, nhưng chúng ta lại dễ dàng chấp nhận tình huống này.
Tai sao trong hai tình huống tương tự như nhau, một trường hợp thì ta thấy khó chịu, còn một trường hợp thì ta thấy bình thường. Lý do là ở trường hợp thứ hai, chúng ta đã biết trước hôm nay chỉ chiếu một tập thôi nên đã chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận việc này rồi và không thấy bất ngờ gì khi nó xảy ra cả.
Để giáo dục trẻ bỏ thói quen mè nheo, chúng ta cũng dùng cách tương tự để tác động vào tâm lý của trẻ, đó là lên kế hoạch trước với trẻ trong mọi việc. Ví dụ, trước khi làm việc gì cùng trẻ chúng ta nên có thỏa thuận là sẽ làm việc này trong bao lâu, sau khi làm việc này xong thì làm việc gì. Bố mẹ nên có biện pháp và cương quyết thực hiện những việc đã lên kế hoạch, cho dù trẻ có muốn hay không. Không thay đổi kế hoạch cho dù trẻ có mè nheo, khóc lóc. Nếu trẻ có khóc, bố mẹ cũng không cần thiết bắt trẻ phải im lặng, vì sau một thời gian khóc, tâm lý trẻ sẽ ổn định trở lại và sẽ tự nín. Và cho dù trẻ khóc đòi, nhưng không phải là trẻ không ý thức được sự việc. Chẳng qua là trẻ đang cố gắng để bố mẹ phải chiều theo ý mình thôi, nếu chúng ta cương quyết thì trẻ sẽ nghe theo. Nhiều lần như vậy trẻ sẽ học được cách chấp nhận thực tế, cũng như chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận sự việc. Cuối cùng là trẻ sẽ thay đổi thói quen mè nheo của mình.
Ví dụ: Khi có kế hoạch đi dự một sinh nhật, bố mẹ có thể nói với trẻ: “Hôm nay ăn cơm xong bố mẹ và con sẽ sang nhà bác Hồng Nhung sinh nhật em Sóc. Chúng ta chỉ ở đấy một tiếng thôi rồi về ngủ sớm vì ngày mai bố mẹ đều có việc bận. Lúc nào bố mẹ bảo về thì con phải đứng dậy ra về và chào mọi người to vào nhé.”
Chắc chắn là trẻ sẽ đồng ý với kế hoạch của bố mẹ. Thế nhưng, đến khi bố mẹ bảo về, có thể trẻ sẽ không nghe theo mà đòi ở lại vì ham vui. Đến lúc đấy, bố mẹ phải cương quyết với con. Nếu trẻ không tự giác đứng dậy, bố mẹ có thể bế trẻ ra xe. Cứ như thế, những lần tiếp theo trẻ sẽ quen dần vì biết rằng có đòi thì bố mẹ cũng không đồng ý, hơn nữa, trẻ cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi.
Hay như trong ví dụ đầu tiên, bố cũng nên lập chương trình trước với con, chứ không phải đang chơi thì đứng lên đi ngay được. Trước khi định dừng chơi một thời gian, bố có thể nói: “Bố chuẩn bị có việc phải đi ra ngoài, bố con mình chỉ chơi thêm 30 phút nữa thôi nhé. Con nhìn đồng hồ kìa. Đến khi kim phút chỉ số 3 thì bố phải đi, con chơi một mình một lúc rồi bố về chơi trò khác với con nhé.” Như vậy, khi đến giờ bố đi, trẻ sẽ không thấy bất ngờ. Có thể ở lần đầu tiên trẻ chưa dễ dàng để cho bố đi, nhưng dần dần, những lần sau, trẻ sẽ chấp nhận kế hoạch của bố.
Việc lập kế hoạch trước với trẻ về việc làm gì sau đấy cần nhớ là việc sau không nên là việc phần thưởng cho sự kết thúc việc đầu. Nghĩa là nếu việc sau thú vị hơn việc đầu thì không cần phải lập kế hoạch trước. Vì lúc đấy, tự khắc trẻ sẽ thích thú với việc sau. Nếu ta nói cho trẻ biết sẽ làm một việc thú vị sau đấy thì trẻ sẽ chỉ nghĩ đến việc thú vị mà không tập trung vào việc đang tiến hành. Hơn nữa, nếu nói trước phần thưởng để trẻ làm một việc gì đấy, thì trẻ sẽ làm việc vì phần thưởng chứ không phải vì ham thích, mà như vậy thì sẽ không có kết quả tốt được.
Ví dụ: Buổi chiều Chủ Nhật, bố mẹ có chương trình cho con ra vườn thú chơi, nhưng trước đấy, trẻ cần phải học đàn một lúc. Bố mẹ không cần phải nói với trẻ rằng học đàn xong bố mẹ sẽ cho đi chơi vườn thú. Bởi vì con thích đi chơi vườn thú hơn nên nếu nói trước thì trẻ ngồi học đàn nhưng chỉ mong sao đến giờ để đi chơi vườn thú, và không tập trung vào việc học đàn. Còn với việc đi chơi vườn thú thì không cần phải lập kế hoạch quá sớm, bất kỳ lúc nào bố mẹ nói ra, con cũng sẽ sẵn sàng đi ngay.
Mặc dù vậy, không phải lúc nào bố mẹ cũng lên sẵn kế hoạch cho trẻ, bởi vì ngay cả kế hoạch của bố mẹ cũng không thể chắc chắn không có thay đổi. Những lúc như vậy, bố mẹ cần giải thích cho trẻ lý do của việc thay đổi kế hoạch một cách thuyết phục nhất.
Ví dụ: Khi đang chơi với con nhưng có chú khách đến, bố phải đứng lên tiếp khách, trẻ sẽ không muốn như thế và muốn bố chơi tiếp. Bố có thể nói với con: “Con à, khi khách đến nhà thì mình phải dừng các việc khác lại để tiếp khách. Giống hôm con sang nhà anh Sơn Phong đấy, khi thấy con là anh dừng việc anh đang làm lại để ra chơi với con. Bây giờ con chơi một mình nhé, bố nói chuyện với chú một lúc, khi nào chú về bố lại chơi với con.” Với những tình huống bất ngờ thế này, thì sự nhanh trí của bố mẹ để đưa ra một lời giải thích hợp lý sẽ giúp trẻ dễ dàng chấp nhận hơn.
Như vậy, giải pháp cho thói mè nheo của trẻ chính là việc bố mẹ cần phải lập kế hoạch cùng với con khi làm bất cứ việc gì, còn trong trường hợp mọi việc không diễn ra theo đúng kế hoạch, bố mẹ nên đưa ra lời giải thích thấu đáo để con có thể hiểu được.
Trẻ có tính mè nheo hay luôn làm những điều đúng đắn hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ. Nếu bố mẹ làm việc tùy hứng, không có kế hoạch gì cho con, không nghĩ đến cảm xúc của con thì chắc chắn là tâm lý của con luôn lo lắng, bất an, rất khó để có những hành vi đúng đắn.
Ngược lại, nếu bố mẹ luôn quan tâm đến con, dành thời gian cho con, có kế hoạch hằng ngày cho con thì tâm lý trẻ mới ở trong trạng thái vui vẻ, tích cực. Bố mẹ có hiểu con thì cũng mới đưa ra những lời giải thích hợp lý để con chấp nhận. Bằng tình yêu thương của bố mẹ, dần dần trẻ sẽ học theo điều đúng đắn, bỏ những thói quen mè nheo, đòi hỏi vô lý.
Hải Minh <Nguồn: congioilam>
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…