Nuôi nấng con cái là kỹ thuật, dạy dỗ chúng mới là một nghệ thuật mà không phải ông bố bà mẹ nào cũng lĩnh hội được.
Trái ngược với kỷ luật trừng phạt là kỷ luật tích cực. Trong những năm gần đây, khi nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng thì một trong những biện pháp được quan tâm để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức là tăng cường biện pháp “kỷ luật tích cực”.
Tại sao phải kỷ luật tích cực?
Tại hội thảo Tự lập và kỷ luật tự nguyện cho trẻ mầm non, chị Nguyễn Ngọc Lan (Quận Tân Phú, Tp. HCM) chia sẻ tình huống: Đứa con trai 5 tuổi của chị không chịu ăn sáng khi đến trường. Chị sợ bé đói nên đổi hết món này đến món khác để ép bé phải ăn, tuy nhiên, bé vẫn dứt khoát không chịu. Vừa sợ trễ giờ học của con, giờ làm của mình vừa lo lắng con đói, chị tức giận tát bé 2 cái, bé sợ nên phải ăn hết bữa sáng. Tuy nhiên, những ngày sau đó tình trạng này vẫn lặp lại như cũ. Chị trở thành bà mẹ “sư tử” trong mắt con và con càng ngày càng xa cách mẹ.
Còn chị Thanh Nga (Quận Tân Bình, Tp.HCM) lại đau đầu bởi bé gái 4 tuổi của mình không chịu đi ngủ đúng 9h tối, cứ nghịch ngợm khiến cả nhà khó chịu. Những lúc không nói được, chồng chị thường đánh vào mông để bé sợ nhưng lại khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bé khóc mãi không dỗ được, giờ đi ngủ lại càng kéo dãn ra, cả nhà đành thức cùng để chờ đến giờ bé tự giác ngủ.
Ảnh minh họa |
Nhiều phụ huynh tham dự buổi hội thảo đều bày tỏ thắc mắc của mình trong việc làm thế nào để con cái nghe lời mà không cần sử dụng đòn roi. Tương tự, các diễn đàn về phương pháp nuôi dạy con cái cũng luôn đông đảo những ông bố bà mẹ có con trong độ tuổi mầm non. Những diễn đàn này thường xuyên có những câu hỏi như: “Làm thế nào để đứa con 5 tuổi của tôi chịu ăn cơm?”, “Làm thế nào để con chịu đến trường mà không phải la hét và đánh mắng?”. Cha mẹ nào cũng biết sử dụng hình thức kỷ luật trừng phạt với con trẻ là thể hiện sự bất lực của chính mình nhưng nhiều lúc họ không còn cách nào khác.
Theo TS. Phan Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM, kỷ luật vẫn thường bị liên tưởng với trừng phạt. Đòn roi có thể dừng điều cha mẹ không mong muốn ở con cái vào thời điểm đó nhưng về lâu dài sẽ làm trẻ xấu hổ, tự ti, phản kháng, láu cá, chán nản sợ hãi hoặc tệ hơn là manh nha ý định trả thù.
Khi bạn thường la hét, chửi mắng con mình thì đến một lúc nào đó chúng có thể “đáp trả” lại với bạn y như thế. Kỷ luật, theo TS. Hiền, nên tự nguyện, không trừng phạt và phải đi liền với lòng tự trọng của trẻ. Trên thực tế, những đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc vui vẻ ít khi quậy phá, và đứa trẻ ngoan thường có lòng tự trọng rất cao.
Kỷ luật tích cực là cách giúp bé kiềm chế bản thân, có trách nhiệm với hành vi của mình đồng thời xây dựng cho bé kỹ năng giải quyết vấn đề và tinh thần hợp tác. Kỷ luật tích cực giúp trẻ trưởng thành cả về cảm xúc và nhận thức. Phương pháp này nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn, giúp khuyến khích các hành vi tốt trong tương lai. Tất nhiên, đôi khi trừng phạt vẫn là cần thiết, nhưng nếu sử dụng quá mức biện pháp này có thể khiến trẻ cảm thấy lo lắng, bất lực hay bực bội.
Nguyên tắc 3 chữ F giúp trẻ kỷ luật
Tiến sĩHiền chia sẻ, muốn kỷ luật tích cực cha mẹ phải hiểu được lí do, nhu cầu của trẻ, phải cởi mở, dân chủ, tin tưởng và lắng nghe. Không được dán nhãn đứa trẻ là hư hỏng và tồi tệ. Nên nhớ, cha mẹ đang chỉ trích hành vi của con chứ không phải chỉ trích con.
Đặc biệt, cha mẹ nên thuộc nằm lòng nguyên tắc 3 chữ F khi áp dụng hình thức kỷ luật tích cực với con cái.
FIRM: Đề ra nguyên tắc và thực thi (nếu thì)
FAIR: Xử đúng người đúng tội
FRIENDLY: Nhẹ nhàng nhưng kiên quyết chỉ ra hậu quả và tránh hậu quả.
Ở trường hợp của chị Nguyễn Ngọc Lan, nếu con không chịu ăn, mẹ đưa ra 2 món để bé chọn lựa. Nếu bé không ăn, mẹ sẽ gợi ý: “Hoặc con ăn, hoặc con sẽ bị đói”. Trường hợp bé không chịu đi ngủ, mẹ Thanh Nga có thể đưa ra nguyên tắc “Hoặc là mẹ đưa con đi ngủ, hoặc là cha mẹ sẽ tắt điện bây giờ”. Việc đưa ra cho bé sự lựa chọn sẽ khiến con cảm thấy được tôn trọng và vui vẻ hành động.
Bên cạnh đó, để tăng cường tính kỷ luật cho trẻ, cha mẹ nên lập thời khóa biểu hằng ngày cho trẻ. Thường xuyên khen ngợi, động viên và làm gương cho trẻ, cùng trẻ tìm ra hậu quả của những việc làm không mong muốn và tìm ra giải pháp. Những nguyên tắc của Kỷ luật tích cực sẽ giúp phụ huynh xây dựng mối quan hệ lâu dài về tình yêu thương, sự tôn trọng, giúp bố mẹ và con cùng giải quyết các tình huống.
Hiếm có cha mẹ nào mà không yêu thương con cái. Tuy nhiên, tình yêu đôi khi là chưa đủ. Không phải ai cũng có thể trở thành ông bố bà mẹ hoàn hảo. Trong quá trình giáo dục con cái, đôi lúc chúng ta cũng không tránh khỏi những sai sót, nhất là khi sử dụng các hình thức kỷ luật đối với trẻ.
Nên nhận thức rằng: Mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, điều này có thể giúp các bậc phụ huynh bớt căng thẳng hơn. Khi bạn mắc lỗi, bạn sẽ biết cách làm thế nào để sửa chữa sai lầm – và bạn sẽ có thể dạy trẻ rằng mắc lỗi hay gây tai nạn ngoài ý muốn thì không cần phải xấu hổ hay ngượng ngùng, mà thực sự điều đó có thể tốt cho việc trau dồi kinh nghiệm và sự phát triển của bé.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…