Thứ Sáu, 30/10/2015 | 09:30

Bình nóng lạnh là loại thiết bị rất phổ biến được dùng nhiều trong mùa thu đông nhưng không phải gia đình nào cũng sử dụng đúng cách, thậm chí còn biến nó thành “hung thần” trong nhà tắm.

Những quan điểm sai lầm khi sử dụng

Hiện trên thị trường có hai loại bình nóng lạnh là loại đun nước gián tiếp trong thùng chứa riêng, khá cồng kềnh nhưng có độ bền cao và loại đun trực tiếp nhỏ gọn, nước được làm nóng trực tiếp qua bình bằng điện trở trong thời gian ngắn. Bình đun nóng trực tiếp phải luôn cắm điện khi sử dụng nên khả năng điện giật cao hơn. Còn với bình đun nóng gián tiếp, nếu tắt điện bình trước khi tắm thì sẽ rất an toàn. Thế nên hiện nay loại bình nóng lạnh gián tiếp được các gia đình sử dụng nhiều hơn.

Không tắt cầu dao khi tắm nóng lạnh, cẩn thận điện giật tử vong

Hãy tắt bình nóng lạnh trước khi tắm để đảm bảo an toàn tính mạng (ảnh minh họa)

Những năm gần đây, cả nước đã có không ít vụ chết người khi tắm do bình nóng lạnh bị rò điện. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn còn khá thờ ơ, chưa thực sự nhận thức được sự nguy hiểm của bình nóng lạnh, vẫn sử dụng bình quá cũ, bật điện bình khi đang tắm…

Chị Thái Hà (Thanh Trì, Hà Nội) vô tư kể: “Vào mùa đông, gia đình tôi cứ bật bình nóng lạnh 24/24h, vừa tiết kiệm điện, vừa để các thành viên có thể tắm rửa bất cứ lúc nào mình muốn vì luôn có nước nóng. Tôi được biết bình nóng lạnh nào cũng có rơle tự ngắt nên rất an toàn. Các vụ chết người mà báo chí đưa tin là do sử dụng bình nóng lạnh cũ hoặc sửa chữa bình nóng lạnh không đúng cách nên mới bị rò điện thôi”.

Cũng có rất nhiều người như chị Hà, nghĩ rằng bình nóng lạnh có rơle tự ngắt nên rất an toàn. Tuy nhiên, theo kỹ sư điện Trần Văn Minh, thực tế, rơle ở bình nóng lạnh chỉ đóng vai trò điều khiển nhiệt độ nước của bình. Nhiệt độ nước thấp thì rơle tự động cấp điện, nhiệt độ nước cao, rơle tự động cắt điện, chứ rơ le tự ngắt không có chức năng bảo vệ chống điện rò ra nước. Do vậy, bất kỳ loại bình nóng lạnh nào cũng có thể bị rò điện, gây nguy hiểm cho người sử dụng nếu không ngắt nguồn điện của bình khi tắm.

Cũng theo anh Minh, việc bật bình nóng lạnh 24/24h để tiết kiệm điện là sai. Bởi nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh giống như chiếc ấm đun nước bằng điện, tức là đốt nóng – làm nước nóng bằng điện trở (dây mayso) nên không gây tốn điện trong quá trình khởi động như tủ lạnh, điều hòa. Vì nguyên lý đó nên khi nào cần dùng thì khởi động thiết bị trong 10-20 phút chứ không nên bật bình nóng lạnh suốt ngày vì vừa gây tốn điện, vừa dễ gây hư hỏng thiết bị.

Anh Minh khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, các gia đình tuyệt đối nên tắt điện bình nóng lạnh trước khi tắm. Nên mua bình nóng lạnh của những cơ sở, thương hiệu uy tín. Thường xuyên dùng bút thử điện để kiểm ra vòi hoa sen, ống dẫn nước từ bình nóng lạnh có bị rò điện hay. Sau khi sử dụng một thời gian dài, các gia đình cần bảo dưỡng bình nóng lạnh vì thiết bị có thể bị ăn mòn, bong tróc gây rò điện. Khi bình nóng lạnh hỏng hóc, gọi thợ điện đến sửa chứ không nên tự sửa chữa.

Sơ cứu cho người bị điện giật khi tắm

Đa số các trường hợp bị điện giật khi đang tắm do bình nóng lạnh rò điện đều khó qua khỏi vì bị điện giật trên diện rộng, khó ngắt điện hoặc chạy ra ngoài. Một số câu chuyện thương tâm đã xảy ra khi người thân hoảng hốt cứu người bị điện giật trong phòng tắm nên mất mạng theo.

Các bác sỹ cho biết, khi thấy người bị giật điện trong nhà tắm, không nên lao vào cứu ngay mà phải ngắt cầu dao điện trước. Bởi nếu ngay lúc đó mà xông tới, chạm vào người nạn nhân thì có thể nguồn điện vẫn tiếp xúc với nạn nhân sẽ gây giật cho người đến cứu.

Sau khi đã ngắt cầu dao nhà tắm hoặc cầu dao tổng, hãy dùng những vật liệu không dẫn điện như gậy tre, gỗ, nhựa khô để kéo nạn nhân ra khỏi nơi tiếp xúc với nước đang nhiễm điện. Đưa được nạn nhân ra nơi khô ráo, kiểm tra xem nạn nhân còn thở, cử động hay không. Nếu không thấy các dấu hiệu này, nhanh chóng tiến hành hồi sức tim phổi cho nạn nhân. Cụ thể, đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu nạn nhân thấp hơn so với chân rồi hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực (dùng 2 bàn tay chồng lên nhau đặt vào vị trí 1/3 dưới xương ức rồi ấn mạnh lồng ngực kịp thời). Cứ thổi một lần thì bóp tim 4 lần, làm cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở trở lại. Khi thấy nạn nhân thở trở lại thì lập tức đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Minh Minh
(Theo Congluan)

Nguồn:

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook