Gấc là một cây thực phẩm đặc biệt và được trồng phổ biến trên khắp các vùng miền ở Việt Nam. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao,trái Gấc còn nổi tiếng nhờ khả năng phòng chữa bệnh tuyệt vời của nó. Ở phương Tây, người ta gọi trái Gấc là loại trái đến từ thiên đường (fruit from heaven).
Gấc là loài cây thân thảo dây leo thuộc chi Mướp đắng, họ Bầu bí. Gấc là một loại cây đơn tính khác gốc, tức là có cây cái và cây đực riêng biệt. Hoa Gấc có hai loại: hoa cái và hoa đực, đều có cánh hoa sắc vàng nhạt. Trái Gấc hình tròn, vỏ có gai rậm màu lá cây, khi trái chín chuyển sang màu đỏ cam. Thịt Gấc màu đỏ cam. Hạt Gấc màu nâu thẫm, hình dẹp, có khía.
Hạt Gấc còn có tên gọi là mộc tất tử, thổ mộc miết, mộc biệt tử. Đông y gọi hạt gấc là “mộc miết tử” vì nó dẹt, hình gần như tròn, vỏ cứng, mép có răng cưa, hai mặt có những đường vân lõm. Theo các sách cổ, nhân hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào hai kinh can và đại tràng, có tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu thũng.
GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG CỦA GẤC
Nghiên cứu khoa học cho biết, trong nhân hạt Gấc có 55,3% chất béo (lipit); 16,6% chất đạm (protein); 2,9% chất đường (gluxit); 1,8% tanin; 2,8% xenluloza; 6% nước; 11,7% chất khoáng… Ngoài ra nó còn có một lượng nhỏ các men photphotoba, invedaxa… và có nhiều loại vitamin.
Gấc đặc biệt giàu Lycopen là chất có nhiều trong trái cây có màu đỏ như cà chua, đu đủ, ổi ruột đỏ…
Đặc biệt trong trái Gấc, hàm lượng Lycopen đã được kết luận cao gấp 70 lần cà chua. Người ta cũng phát hiện thấy nó chứa Beta Caroten nhiều gấp 10 lần ở cà rốt hoặc khoai lang. Ngoài ra, các carotenoit có mặt trong Gấc liên kết với các axít béo mạch dài, nên có tính hoạt hóa sinh học cao hơn.
KHẢ NĂNG PHÒNG CHỮA BỆNH CỦA GẤC
Gấc không chỉ giúp trẻ em phòng chống khô mắt, mờ mắt, phát triển trí tuệ, giúp phụ nữ có làn da hồng hào, tươi trẻ, tăng sức đề kháng với bệnh tật, mà còn giúp nam giới ngăn chặn nguy cơ ung thư gan, u xơ tuyến tiền liệt…Gấc chữa trị và phòng ngừa được rất nhiều bệnh tật, đồng thời còn kéo dài tuổi thọ.
* Vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư
Theo một số nghiên cứu của Mỹ được công bố gần đây, các hợp chất của Beta Caroten, Lycopen, Alphatocopherol… có trong dầu Gấc có tác dụng làm vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư nói chung, nhất là ung thư vú ở phụ nữ.
Một số nghiên cứu dịch tễ học của Mỹ về tác dụng của Lycopen cho thấy, ở những vùng người dân ăn nhiều loại trái có chứa Lycopen thì tỷ lệ ung thư ống tiêu hóa (dạ dày, trực tràng, kết tràng…) thấp hơn những vùng người dân ăn ít hoặc không ăn. Tỷ lệ người chết vì ung thư cũng giảm tới 50%. Lycopen còn có tác dụng trong điều trị bệnh viêm gan, xơ gan, hạ huyết áp, rối loạn lipid máu, chống khô mắt, mờ mắt…
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, những người thường xuyên ăn cà chua có khả năng giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Trong cà chua có chứa Lycopen, một chất chống oxy hóa rất quan trọng, giúp loại bỏ các tế bào ung thư. Các nghiên cứu của Đại học California thì hàm lượng Lycopen có trong dầu Gấc còn cao gấp 70 lần ở trong cà chua.
* Ngăn chặn được chứng xơ vữa động mạch và các nguy cơ dẫn tới đột quỵ
Lycopen có trong cà chua phải chiên với dầu mỡ thì mới có tác dụng sinh học với cơ thể, còn trong trái Gấc đã chứa sẵn các chất axit béo không no, vì thế Lycopen được hòa tan một cách tự nhiên. Chính vì thế, trái Gấc được đưa lên vị trí quán quân trong danh mục những loại trái cây hữu ích với sức khỏe con người.
Lycopen là chất chống oxy hoá rất tích cực, nó có khả năng ngăn ngừa sự hình thành oxy hoá LDL, cholesterol có hại trong máu, từ đó sẽ ngăn chặn được chứng xơ vữa động mạch và các nguy cơ dẫn tới đột quỵ.
* Làm tăng sức khỏe cho mắt, da và hệ miễn dịch
Màng hạt được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh khô mắt, giúp tăng cường thị lực do nó là nguồn khá tốt để bổ sung Vitamin A dưới dạng carotenoit. Beta Caroten trong Gấc khi vào cơ thể sẽ biến thành Vitamin A.
Ngoài ra, Curcumin trong dầu Gấc có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư có trong thức ăn, nước uống hàng ngày. Dầu Gấc được cho là có chức năng phòng chống thiếu vitamin, tăng khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào, có tác dụng dưỡng da…
* Giúp nhuận tràng, tốt cho hệ tiêu hóa
Các món ăn chế biến từ Gấc không chỉ ngon, đầy màu sắc mà còn nhuận tràng chống táo bón, tốt cho hệ tiêu hóa.
* Công dụng chữa bệnh của hạt Gấc:
-Hạt Gấc có tác dụng giảm sưng tấy
Trong nhân dân, nhiều gia đình có thói quen để dành hạt Gấc sống hoặc đã qua đồ xôi. Khi cần đến thì chặt đôi hạt Gấc đem mài với ít rượu hoặc giấm thanh để bôi vào chỗ sưng tấy do mụn nhọt, sưng quai bị; bôi nhiều lần trong ngày, rất mau khỏi.
Giã nhân hạt Gấc với một ít rượu, đắp lên chỗ vú sưng, đắp liên tục mấy ngày liền, ngày thay thuốc một lần, sẽ khỏi.
-Hạt Gấc có tác dụng để chữa trĩ
Để chữa trĩ, có thể dùng hạt Gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói trong miếng vải sạch, đắp vào hậu môn rồi để suốt đêm. Mỗi đêm đắp thuốc một lần.
Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản) đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học dùng tinh dầu Gấc để điều trị những biến chứng của bệnh tiểu đường.
Học viện Quân y đã dùng dầu Gấc để làm giảm lượng cholesterol trong máu, phòng chống nguy cơ đột quỵ và các bệnh về tim mạch.
Viện Quân Y 108 đã sử dụng dầu Gấc vào việc ngăn chặn nguy cơ ung thư gan nguyên phát. Viện Dinh Dưỡng đã bảo vệ đề tài dùng dầu Gấc phòng chữa bệnh dạ dày tá tràng…
Ngoài ra, sử dụng Gấc còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư như vòm họng, trực tràng, dạ dày, thực quản…
NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI SỬ DỤNG GẤC
Một nghiên cứu khoa học của Khoa Dược – Trường Đại học Y dược TP.HCM về thành phần dược tính của cao lỏng hạt Gấc, trong đó xác định độc tính cấp LD50 (liều dùng hạt Gấc khi cho chuột uống sẽ làm 50% chuột bị chết). Theo đó, dùng dưới liều 20 g/kg không làm chuột chết, còn dùng trên 180 g/kg tất cả chuột đều chết. LD50 tính bằng phương pháp Behrens và Karber là 92,27g bột hạt Gấc/kg.
Vì vậy, khi sử dụng làm thuốc cần chú ý độc tính của hạt Gấc. Dùng bôi ngoài, liều lượng chỉ nên 2-4 g/ngày, khi dùng phải nướng chín hạt Gấc.
Việc bổ sung Beta Caroten từ nguồn thực phẩm là biện pháp an toàn và hiệu quả, vì Beta Caroten hoàn toàn không độc, nó chỉ chuyển dạng tùy theo nhu cầu của Vitamin A trong cơ thể. Nếu dùng quá nhiều Beta Caroten chỉ gây vàng da, khi ngừng bổ sung Beta Caroten hiện tượng này sẽ hết và cũng không gây nguy hiểm gì đến sức khỏe.
Người lớn mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2ml dầu Gấc, chia làm 2 lần, dùng trước bữa ăn. Trong quá trình sử dụng dầu Gấc, khi thấy có dấu hiệu vàng da thì nên tạm ngừng. Nếu người dùng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chuẩn bị có thai hoặc đang mang thai, trước khi dùng dầu Gấc nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để có hướng dẫn cụ thể.
Cơ thể chúng ta không có khả năng tự tổng hợp chất Lycopene, bởi thế phải nạp nó từ bên ngoài qua chế độ ăn uống hàng ngày. Ăn Gấc là giải pháp tuyệt vời để cung cấp Lycopene cho cơ thể.
Lý Hương
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…