Chủ Nhật, 13/09/2015 | 08:51

Học nhiều và hạnh phúc...

Con gái tôi học lớp 4. Thú thực là từ lúc con vào lớp 1 cho đến giờ phút này, tôi chưa bao giờ giở sách vở của con gái ra xem con học thế nào.

Muốn biết kết quả Anh ngữ của con, tôi chỉ cần kéo con đến các sự kiện có người nước ngoài, thấy con đối đáp êm xuôi bằng tiếng Anh, thế là yên tâm.

Muốn biết con học toán ra sao, tôi thường để con tự tính tiền, thấy con tính không nhầm, thế là ổn.

Muốn biết khả năng tập làm văn của con, tôi xem lướt bức thư con viết cho mẹ nuôi trong TPHCM, thấy khúc triết, lớp lang rõ ràng, không sai chính tả, chưa kể “gợi ý” vài món quà Giáng sinh bằng lời lẽ khéo léo sau vài “trường đoạn” dẫn dắt vấn đề đến ý chính cần nói.

Lớp 4 cũng chỉ cần có thế, đó chính là kết quả của việc học. Điểm số hoàn toàn không phải là “bằng chứng” duy nhất. Tôi cũng chưa bao giờ có hứng thú nhắc con cái mệnh lệnh tẻ ngắt “Học bài đi con”. Phần nhiều tôi bảo “Thôi ngày nghỉ, để nghỉ ngơi, cất sách đi con”. Bản thân tôi từ ngày tiểu học cho đến bây giờ (thi thoảng vẫn cứ phải đi học) luôn nghĩ việc học là nhẹ nhàng. Nó chả có gì to tát cả, chỉ là niềm ham mê, hứng thú khám phá kiến thức. Cũng giống như khi bạn xem một bộ phim để tò mò muốn biết cái kết hoặc khi học một điệu nhảy quyến rũ vậy.

Tôi cho rằng chỉ cần truyền niềm đam mê khám phá kiến thức cho con là đủ. Tuy nhiên, giờ nhiều bậc phụ huynh vô hình trung tạo nỗi ám ảnh về việc học cho con cái, khiến chúng cảm thấy nhiệm vụ nặng nề như tiền vệ phải đá cú phạt đền 11 mét và nhọc nhằn như thể vác trâu đi cày. Tôi luôn thắc mắc với các bạn bè cũng đã là phụ huynh rằng, tại sao họ lại phải cho con đi luyện thi viết chữ để chữ đẹp như in biểu mẫu, họ có ý định cho con sau này làm giáo viên tiểu học ư?

Họ bắt con làm bài tập hai tiếng đồng hồ ở nhà làm gì trong khi con đi học từ sáng đến 5 giờ chiều mới được về nhà. Tắm gội, vệ sinh cá nhân và ăn tối hết một tiếng. 9 giờ con phải lên giường đi ngủ để 6 giờ sáng hôm sau dậy sớm đi học, tiếp tục một vòng quay ở trường.

Bắt con làm bài tập ở nhà để giết sạch thời gian hiếm hoi buổi tối nữa ư? Thời gian nào mà con trò chuyện với cha mẹ, thời gian nào con được xem ti vi, đọc sách, giải trí, viết nhật ký, chơi với bạn hàng xóm?

Mà ở những trường quốc tế, người ta chỉ cho phép trẻ lớp 1 học bài ở nhà 1 tuần/lần, mỗi lần…15 phút. Lớp 2 thì được phép tăng lên 2 lần/tuần, mỗi lần 20 phút. Rồi cứ thế tăng lên dần theo tuổi.

Vì các chuyên gia giáo dục trẻ em đã nghiên cứu, thực nghiệm và kết luận rằng trẻ em ở tuổi đó chỉ có thể tập trung trí óc được ngần ấy thời gian, quá tí nữa thì thành quá tải.

Lần đầu tiên đi họp phụ huynh, tôi là người duy nhất đề nghị cô giáo không nên giao bài tập về nhà. Cô giáo tiếp thu ý kiến và không giao bài tập cho các con nữa.

Cũng lại một lần, cô giáo gặp riêng tôi và đưa cho xem bài thi chính tả rất bẩn của con gái tôi. Cô bảo học lực của con rất tốt, nhưng nhìn bài thi của con thì cô muốn khóc.

Cô không muốn chỉ vì bài thi này mà ảnh hưởng đến thành tích rất tốt trong cả năm học của con. Mãi sau tôi mới hiểu ý cô muốn tôi mang bài này về nhà để con… làm lại, mai nộp cho cô.

Nếu con điểm kém thì cô chả muốn chút nào, sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Tôi bảo ấy chết, ai lại làm thế, là vì hôm đó con bị ốm nên mới run tay viết nguệch ngoạc làm vậy, chứ một bài chính tả tẩy xóa mà bị điểm kém không hề ảnh hưởng gì đến sự tiến bộ của con.

Xin cô điểm thế nào cứ để nguyên thế ấy, gia đình hoàn toàn không cần điểm số cao. Nếu mang về làm lại, con sẽ nhầm tưởng rằng mọi thứ trên đời đều có thể làm lại một cách dễ dàng.

Mặc dù tôi kiên quyết từ chối, cô giáo vẫn kiên trì nhờ tôi mang bài về cho con làm lại. Cả nể quá tôi đành mang về, và không cho phép ai viết hộ con cả, tôi để con tự tay chép lại. Việc xong rồi vẫn thấy buồn.

Giờ tôi không dám nói chuyện nhiều về giáo dục, vì cứ hễ nhắc đến chuyện học của con cái thì y rằng tất cả các bậc phụ huynh tường thuật rằng con họ học mấy tiếng một ngày, học thêm những đâu, luyện thi nơi nào…

Cứ nghe mãi nhưng chuyện ấy, lâu dần một người luôn giữ chính kiến như tôi khéo thế nào cũng bị lung lay. Như thể bạn nghe quá nhiều một lời nói dối rồi thế nào cũng có ngày bạn tin rằng đó là sự thật.

Có bận tranh luận với phó hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng, cũng đào tạo theo mô hình quốc tế, tôi phê phán việc anh bắt đứa con gái lớp 5 học quá nhiều.

Anh bảo thời chúng mình khác, thời buổi bây giờ không học làm sao được em, con nhà người ta cũng học như thế, con mình không học cạnh tranh sao được. Nhiều lúc tôi rất muốn hỏi những bậc phụ huynh ham (con) học một câu mà quỷ Alavaka đã hỏi Đức Phật: Vật sở hữu quý nhất của con người là gì? Câu trả lời của Đức Phật là “Niềm vui”.

Suy cho cùng, con người ta sống trên đời, nếu không có niềm vui, không có hạnh phúc thì ấy chính là đang sống trong địa ngục, cho dù chưa chết.

Câu hỏi sau thì là của tôi, không phải của quỷ Alavaka: Vậy điều gì tạo nên hạnh phúc? Hoặc thế nào là một con người hạnh phúc? Theo khảo sát mới nhất năm 2012 của Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) thì thành phố Melbourne của Australia là đô thị đáng sống nhất, đứng trên 140 thành phố khác trên thế giới.

Để kết luận một thành phố như thế nào là đáng sống, người ta phải khảo sát trên nhiều tiêu chí, trong đó có mật độ dân cư, cơ sở hạ tầng, thu nhập bình quân đầu người, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh…

Để kết luận một người hạnh phúc hay không cũng vậy, lẽ tất nhiên anh ta phải hội tụ nhiều yếu tố: có sức khỏe, có tri thức, có thu nhập tốt, vị trí xã hội thành đạt, có bạn bè tin cậy, được nhiều người tôn trọng, có tình yêu, gia đình yên ấm, có thời gian để hưởng thụ những sở thích và niềm đam mê của mình, có đủ bản lĩnh để ứng xử và vượt qua mọi tai ương không thể tránh trong cuộc sống…

Chẳng ai hạnh phúc nổi khi cứ không hài lòng với ngoại hình và sức khỏe của mình, lúc nào cũng túng thiếu và bận rộn bù đầu, đương nhiên càng không thể hạnh phúc khi sống thiếu tình yêu, hoặc thiếu sự tôn trọng, yêu quý của những người xung quanh. Vậy chỉ riêng việc học tối ngày có mang lại tất cả những điều ấy hay không? Một sinh viên chỉ cần tốt nghiệp thủ khoa có đạt được tất cả không? Đây là kiểu câu hỏi đã có câu trả lời.

Việc ép con học quá nhiều đã giúp các bậc phụ huynh tạo ra những thế hệ gà công nghiệp, ốm yếu, thiếu tư duy thẩm mỹ (vì học nhiều như vậy lấy đâu ra thời gian để tập thể thao và đọc sách, xem phim, nghe nhạc, cắm hoa, may vá…: những hoạt động có thể gia tăng tư duy thẩm mỹ của con người) và kém về kỹ năng sống.

Tất cả những điều đó góp phần hoàn hảo để nhào nặn một con người thất bại và bất hạnh. Kiến thức chỉ góp phần tạo nên con người thành đạt chứ không làm nên con người thành đạt. Chưa kể người thành đạt trong công việc hay giàu có cũng chưa chắc đã là người hạnh phúc.

Hỡi những người đã trưởng thành, quý vị hãy tự vấn xem mình có hạnh phúc thực sự hay không, có hài lòng với cuộc sống không và những giá trị sống của mình, quỹ thời gian sống của mình có được sử dụng đúng mức hay không thì sẽ có ngay câu trả lời với những bài tập về nhà của các con mình.

Có lẽ chưa hiểu vậy, mà tôi thường bị những người xung quanh phản đối về cách dạy con, khi thấy tôi luôn chỉ lo lắng sao cho con có thật nhiều bạn bè, luôn đưa con đi du lịch và quan tâm đến việc học múa bụng của con hơn là các lớp luyện viết chữ đẹp.

Có lẽ tôi đã tạm có đôi chút trải nghiệm để hiểu từ những giá trị gốc nào sẽ dẫn con người đến với hạnh phúc. Và tôi chỉ muốn cho con gái mình sau này hạnh phúc, vậy là đủ.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook