Dịch bệnh mới nổi nguy hiểm có nguồn gốc lây truyền từ động vật sang người như cúm A/H5N1, SARS, Ebola, MERS-CoV, dại… đã liên tục xuất hiện trong những năm gần đây với tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao, khiến cho cộng đồng rất hoang mang lo lắng, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của kinh tế – xã hội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu đã ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người với nhiều tác nhân như do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm. Tỷ lệ các đại dịch nguy hiểm do động vật lây sang người chiếm tới 70%. Đáng chú ý, trong vòng 15 năm qua – kể khi từ thế kỷ 21 bắt đầu đến nay, dịch bệnh từ động vật lây sang người đã khiến 2,4 tỷ người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người. Trong số các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật gây ra cho con người, gần đây nhất là sự bùng nổ của đại dịch MERS-CoV có nguồn gốc từ lạc đà và dơi, đã trở thành nỗi ám ảnh lớn với nhiều quốc gia, nhất là Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, MERS-CoV đã lây lan ở 26 quốc gia với gần 1.500 người mắc và 490 người tử vong. Còn trước đó là dịch Ebola, cúm gia cầm hay SARS cũng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như kinh tế xã hội.
Việt Nam cũng không nằm ngoài sự lây lan của dịch bệnh từ động vật sang người, thậm chí chúng ta còn được xem là “điểm nóng” về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật lây sang người và gây thành đại dịch như SARS, cúm A/H5N1. Đặc biệt gần đây, sự gia tăng các trường hợp mắc liên cầu lợn, sán lá gan… tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn này. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là con đường lây lan dịch bệnh từ động vật sang người xảy ra ở nước ta lại chủ yếu là do thói quen và tập quán của không ít người. Rõ ràng đã có nhiều bệnh nhân bị tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn, bệnh than hay cúm gia cầm H5N1 là do sở thích, thói quen ăn tiết canh, giết mổ hay ăn thịt động vật, gia cầm ốm chết. Bên cạnh đó, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ trong khi việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại kém cũng là nguyên nhân gia tăng sự lây lan dịch bệnh từ động vật sang người. Mặt khác, việc đảm bảo an toàn thực phẩm những chế phẩm từ động vật, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, giết mổ còn rất hạn chế, yếu kém cũng đã tạo điều kiện cho các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật lây lan sang người.
Rõ ràng để ngăn chặn mối nguy hiểm của dịch bệnh từ động vật lây sang người, đòi hỏi cần có sự phối hợp đa ngành và quan hệ chặt chẽ của hệ thống giám sát, ứng phó dịch bệnh của ngành y tế và ngành nông nghiệp, cũng như thú y, nhằm giám sát chặt chẽ dịch bệnh ở động vật và trên người để kịp thời ứng phó khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, quan trọng hơn đó là chính mỗi người phải biết tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách từ bỏ những thói quen không tốt, nguy hại cho sức khỏe.
QUỐC LẬP
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…