Được các chuyên gia đánh giá là một thuốc điều trị loãng xương hiệu quả, thế nhưng, lại có một nghịch lý là: nếu sử dụng Bisphosphonates trong thời gian dài, xương của bạn sẽ đối mặt với nhiều tổn thương.
Bisphosphonates – Anh cả trị loãng xương
Năm 1995, Bisphosphonates được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành trên thị trường để điều trị loãng xương. Bằng cách gắn chặt canxi trên bề mặt xương, ức chế tế bào hủy xương, Bisphosphonates được kỳ vọng là giảm đáng kể tình trạng tiêu xương- nguyên nhân chính dẫn tới loãng xương. Chính vì vậy, với những người có chế độ ăn uống không đủ canxi hay phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh, tiền mãn kinh, Bisphosphonates chính là một giải pháp hiệu quả.
Ảnh minh họa |
Hiện tại, Bisphosphonates có nhiều dạng thành phẩm như: Alendronate, Clodronate, Etidronate, Pamidronate, Risedronate, Tiludronate và Zoledronate… Những loại thuốc này không chỉ được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới, mà ở Việt Nam, nó cũng được ưa dùng.
Chị Lê Thị Hà (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Không hiểu do chế độ ăn uống hay khả năng hấp thu canxi của mọi người trong gia đình tôi kém mà khi đi khám tổng thể, hầu hết mọi người đều có dấu hiệu loãng xương, dù nhiều người tuổi vẫn còn trẻ. Vì thế, từ nhiều năm nay, nhà tôi đã tin dùng Bisphosphonates. Đặc biệt mẹ tôi, từ ngày dùng thuốc, bà đi lại có vẻ nhanh nhẹn hơn, các cơn đau nhức xương cũng giảm hẳn. Giờ lại thấy nhiều người nói thuốc này không an toàn khiến tôi lo lắng quá”.
Càng dùng lâu, hậu quả càng lớn
Những tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng Bisphosphonates đã được FDA công bố từ lâu, tuy nhiên, ở Việt Nam, thời gian gần đây người dùng mới thực sự lưu tâm đến vấn đề này. Chị Vũ Thanh Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngần ngại: “Hôm trước, một người bạn định cư bên Mỹ của tôi về nước và có đến nhà chơi. Thấy tôi sử dụng Bisphosphonates để điều trị loãng xương, anh có hỏi mình đã dùng trong bao lâu. Khi biết đã gần 5 năm nay mình trung thành với loại thuốc này, anh tá hỏa bảo, ở Mỹ, không có bác sĩ nào kê đơn cho bệnh nhân dùng Bisphosphonates lâu như vậy vì nó rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: đau cơ, đau xương, đau khớp, thậm chí là gãy xương… Lúc đó mình mới hoảng hồn. Thực sự thì lần đầu tiên đi khám, bác sĩ có cho mình dùng Bisphosphonates để điều trị loãng xương. Từ đó, cứ thấy đau mỏi xương khớp là mình lại đem đơn cũ ra dùng. Ai biết đâu nó lại nguy hại đến mức độ đó”.
Theo FDA, dù là thuốc điều trị loãng xương hiệu quả, tuy nhiên, Bisphosphonates lại có một tác dụng phụ đáng báo động và vô cùng nghịch lý là gây gãy xương đùi. Sự đứt gãy này xảy ra ở ngay dưới khớp hông. Báo cáo của FDA cũng cho biết, trong tất cả những trường hợp phản ánh lên cơ quan này, thì hơn một nửa số người thường bị đau nhức dữ dội ở háng trước khi hiện tượng gãy xương xảy ra. Đa phần những người này đều dùng Bisphosphonates kéo dài hơn 5 năm, thậm chí có trường hợp sử dụng thuốc tới 15 năm.
“Có thể các hiện tượng gãy xương này là hiếm gặp, nhưng nó là vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, các nhãn thuốc cần in cảnh báo này hướng dẫn sử dụng thuốc để khuyến cáo người dùng, đồng thời, nếu nhận thấy cơ thể có những bất thường khi dùng thuốc, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời”, đại diện phát ngôn của FDA khuyến cáo. Vẫn theo tổ chức này, hiện nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân gì gây ra tác dụng phụ đó.
Tại Việt Nam, thông tin của Bệnh viện Răng- Hàm- Mặt, Tp.HCMcho biết, riêng năm 2013, bệnh viện đã phát hiện 3 trường hợp bị hoại tử xương hàm do sử dụng Bisphosphonates trường kỳ. Trong số này, có 2 bệnh nhân uống thuốc này để điều trị loãng xương.
Tại Hội nghị của khoa học của Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt (Tp.HCM),BS. Bùi Hữu Lâm – phó khoa Phẫu thuật hàm mặt bệnh viện báo cáo: Nhiều bác sĩ kê đơn còn thiếu cảnh báo về tác dụng phụ này cho người bệnh dẫn đến tình trạng: bác sĩ răng – hàm- mặt sau khi nhổ răng, thấy ổ răng của bệnh nhân không lành đã không xác định được nguyên nhân hoại tử xương hàm là do tác dụng phụ của Bisphosphonates, dẫn đến khó khăn trong quá trình điều trị.
Dùng sao cho an toàn?
Đứng trước những rủi ro về xương có thể xảy ra khi dùng Bisphosphonates, các bác sĩ cho rằng: thay vì nói “không” với loại thuốc này như nhiều người đã từng thực hiện, chúng ta có thể sử dụng nó ở thời hạn ngắn nhất định, nghĩa là dừng lại sau 3-5 tháng điều trị liên tục.
Kết luậntrên cũng được các nhà khoa học tại Canada đưa ra khuyến nghị sau khi tiến hành theo dõi 716 phụ nữ bị gãy xương đùi có liên quan đến việc dùng thuốc Bisphosphonates trường kỳ. Theo đó, họ nhận định: nguy cơ gãy xương của những người uống thuốc liên tục trong 5 năm cao hơn những người chỉ dùng tối đa trong 3 tháng là 2,74 lần.
Bên cạnh đó, trước khi dùng loại thuốc này, người bệnh cũng cần phải thăm khám răng để đảm bảo tình trạng răng miệng của mình không bị biến chứng. Trong thời gian uống thuốc cũng cần đi khám định kỳ để có thể phát hiện sớm các biểu hiện trước khi quá muộn.
An Châu
Chưa có bình luận.