Nếu không được uốn nắn từ sớm, thói quen văng tục sẽ khiến trẻ gặp nhiều rắc rối trong giao tiếp sau này.
Cha mẹ hoảng hồn… vì con văng tục
Đứng đón con tại lớp học thêm, chị Mai Thu Cúc (Q.3, TP. Hồ Chí Minh) vô cùng choáng váng khi thấy cu Minh vừa đuổi theo bạn, vừa lớn tiếng: “Đ.M, tao mà bắt được mày thì mày no đòn con nhé”. Nhìn thái độ, biết là chúng chỉ đang đùa, thế nhưng, chị cũng không nén nổi tức giận. Hôm nay, nếu không phải mắt thấy, tai nghe, không đời nào chị tin con trai mình lại hư đến thế. Trước đây, mỗi nghe bọn trẻ con cùng xóm chửi bậy, chị đã lắc đầu ngán ngẩm, tỏ vẻ không hiểu ông, bà, cha, mẹ chúng dạy dỗ kiểu gì. Được rồi, thằng Minh hôm nay về nhà sẽ chết với chị. Nó chửi bạn như thế, khác gì chửi vào mặt chị là không biết dạy con, lại còn chê bai người khác.
Trường hợp của chị Lý Thu Huyền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại khác. Chị nghe hàng xóm mách tội béTuyết nhà mình chửi bậy cũng đã mấy lần, thế nhưng, chị chỉ nhắc nhở qua loa vì nghĩ rằng, bọn trẻ con hay học nói xằng nói bậy chứ bản chất không phải là đứa lếu láo. Bằng chứng là về nhà, nó vẫn rất ngoan, chả nói bậy với bố mẹ bao giờ. Chị quan niệm rằng, dần dần, nó sẽ hiểu được như thế là không nên và sẽ tự bỏ. Chả nói đâu xa, ngày còn trẻ con, chị cũng đua đòi chúng bạn, chửi bậy ghê, thế nhưng, khi bắt đầu học lớp 2 hay 3 gì đó, chị cũng tự ý thức được thói xấu của mình và từ đó đến nay chưa từng văng tục thêm một lần nào nữa. Nhưng rồi hôm nay, khi đến đón con, chị mới hoảng hồn khi được thông báo: ở lớp, cái Tuyết nhà chị được xếp vào hàng cá biệt, không phụ huynh nào muốn cho con chơi cùng vì nó “chửi bậy như hát hay”. Đến lúc này, dù tinh thần đã được chuẩn bị nhưng chị vẫn không tránh khỏi choáng váng.
Ảnh minh họa |
Đơn thuốc- nghiêm khắc + làm gương
Văng tục, nói bậy không chỉ là tật xấu khó bỏ của người lớn, mà ở trẻ em, nó cũng đang là một vấn nạn. Thực tế cho thấy, hầu hết các em đều chưa hiểu hết ý nghĩa của câu chửi mà chỉ bắt chước một cách vô thức theo người lớn hay bạn bè xung quanh, lâu dần thành thói quen.
Nhất là với những bé tầm 6-7 tuổi, khi mới bắt đầu chuyển đổi môi trường học tập, bé thường nói bậy để giống với các anh chị lớn, để khằng định mình không còn bé nữa. Ở độ tuổi này, hầu hết bé chưa nhận thức được như thế là xấu, mà chỉ đơn giản nghĩ rằng người khác nói được thì mình cũng nói được. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện con nói bậy, thay vì tức giận, cha mẹ hãy bình tĩnh hỏi tại sao bé lại nói như vậy, bé học những câu đó ở đâu? Sau khi làm rõ các nguyên nhân, bạn cần giải thích cho bé hiểu nói như vậy là hư, là không được người lớn yêu.
Nếu bé vẫn cứng đầu lý luận: “Thế tại sao anh/chị/bố/mẹ… lại nói như vậy?”, bạn hãy thừa nhận bố/mẹ/anh/chị… nói như thế là sai, đồng thời phải nhắc nhở những người xung quanh lần sau không được dùng ngôn ngữ như thế nữa. Song song với việc này, bạn cần dạy bé ngôn từ thay thế để bé có thể vận dụng khi gặp tình huống tương tự.
Sửa tật nói bậy cho trẻ không phải chỉ một sớm, một chiều là xong, thế nên bạn cần hết sức kiên nhẫn. Với những bé đã được phân tích, nhắc nhở nhưng vẫn tái diễn thói xấu này, bạn cần có hình thức xử phạt thật nghiêm khắc, chẳng hạn như: không cho bé đi chơi như đã hứa hay lấy đi món đồ chơi ưa thích nhất của bé… Lúc đầu, chắc chắn bé sẽ rất tức giận, thậm chí không thèm nói chuyện với bố mẹ, thế nhưng, đó cũng là cách để giúp con hiểu rằng nếu tiếp tục nói bậy, chắc chắn hình phạt dành cho con sẽ càng ngày càng nặng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những biện pháp vũ lực được đề cao. Song song với việc dùng vũ lực, bạn cần tiếp tục trò chuyện dịu dàng để giúp trẻ từ từ hiểu văng tục là vô cùng xấu. Ở trẻ nhỏ, yêu thương và dạy dỗ vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
Bởi trẻ con bé nào cũng thích được khen ngợi và thường lấy lợi khen ngợi đó làm động lực phấn đấu, thế nên, khi bé bắt đầu biết dùng những từ thay thế cho những từ bậy bạ trước kia, hoặc đơn giản là đã nói bậy với tần suất ít đi, bạn cần khen ngợi bé vì sự nỗ lực, cũng như đừng quên khẳng định rằng: bé sẽ được mọi người yêu hơn khi hoàn toàn không nói bậy nữa.
Bên cạnh những bậc cha mẹ vô cùng nghiêm khắc khi thấy con trẻ nói bậy, nhiều người lại cười xòa vì nghĩ nó còn trẻ con, cứ để tự do phát triển ngôn ngữ, lớn chúng sẽ tự hiểu. Theo các chuyên gia, cách cư xử này là vô cùng nguy hiểm, bởi lẽ, thực tế cho thấy, nói bậy là một thói quen và nếu không được uốn nắn từ sớm sẽ rất khó từ bỏ. Bởi thế, ngay khi phát hiện ra con mình nhiễm thói xấu này, đừng lờ đi mà hãy có thái độ thật nghiêm khắc.
An Châu
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…