Chủ Nhật, 13/09/2015 | 08:54

Ảnh: MHẢnh: MH

GD&TĐ – Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, trẻ con không biết gì về “chuyện người lớn”. Thế nhưng, con trẻ rất nhạy cảm. Và những vết thương tinh thần do xung đột hay cách ứng xử của cha mẹ gây nên có thể theo trẻ suốt cả cuộc đời…

Hình ảnh mẹ ngày càng xấu

Từ khi sinh ra, Trâm chỉ sống với mẹ, một mình mẹ gánh vác mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình. Dù cuộc sống nghèo khó và vất vả, mẹ vẫn cố gắng cho Trâm được đi học như bạn bè cùng trang lứa.

Thế nhưng, chưa một lần trong đời Trâm thấy yêu thương mẹ, thay vào đó là sự hận thù và oán trách cuộc đời: “Vì sao em lại có mặt trên cõi đời này?”. Những tâm sự của cô bé khiến người nghe không khỏi giật mình:

“Lúc cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc mình cảm nhận cuộc sống thiếu bóng cha. Sống với mẹ, nhưng từ nhỏ, mình chưa nhận được một sự chăm sóc ân cần nào của mẹ, mà chỉ nhận được từ bà những trận đòn bỏng rát và hàng trăm nỗi căm hận đàn ông.

Mẹ không biết đằng sau những trận đòn ấy là một thân thể mình bầm tím, đau đớn. Mình đã không khóc, nhưng nỗi căm ghét mẹ cứ nhiều lên theo thời gian.

Hình ảnh mẹ mỗi ngày một xấu đi trong mắt mình: mẹ quan hệ với rất nhiều người đàn ông: người có vợ, người chưa có vợ, có người hứa sẽ lấy mẹ, nhưng “lời hứa gió bay”…

Lên lớp 9, buồn và chán nản, mình bỏ lên Hà Nội, với hi vọng sẽ quên được nỗi đau. Nhưng cuộc sống không đơn giản như mình nghĩ. Đói, rét và thiếu thốn, mình đã không làm chủ được bản thân.

Giờ đây, sau những vết trượt đầu đời, mình đã xin vào làm việc tại một công ti may mặc. Tưởng như công việc sẽ giúp mình quên đi tất cả và trở lại vô tư như ngày nào.

Nhưng mình luôn sợ hãi và mặc cảm. Điều khiến mình đau đớn nhất là trái tim đã chai sạn. Mình không thể nào xoá đi hình ảnh xấu của người mẹ. Thực sự mình cũng không biết mình phải làm sao bây giờ…”

Khoảng cách thế hệ

Lần đầu tiên đón sinh nhật không có mẹ, nhưng với Vy, có lẽ như thế lại tốt hơn. Vy yêu mẹ, chỉ có điều em không biết thể hiện tình cảm của mình ra sao.

Chỉ vì mẹ và Vy khác nhau nhiều quá: mẹ không say mê nghệ thuật, không thích đọc thơ, không nghe ca nhạc. Vì thế mẹ rất khó chịu với những sở thích này của con gái.

Mẹ Vy nói, mất thì giờ vào những trò vô bổ này để làm gì, rằng nghe nhạc nhiều chỉ tốn thời gian và tiền điện, rằng mọi thứ gần đây đều tăng giá. Mỗi câu chuyện mẹ nói đều liên quan đến thực tế và tiền bạc.

Vy thì chẳng thể hỏi chuyện mẹ theo kiểu: “Dạo này thịt lợn lên mấy nghìn một lạng?” Đã từng có khoảng thời gian dài Vy luôn nghĩ rằng mẹ chỉ biết trách móc, chỉ trích mình trong mọi việc. Mẹ hầu như chưa bao giờ hài lòng với những gì mẹ nhờ em làm cả.

Vy kể: “Gia đình em có 6 anh chị em, mẹ em năm nay đã 50 tuổi rồi, bà mắc bệnh viêm xoang nhiều năm không khỏi. Ba em là giáo viên trên tỉnh nên cũng ít về nhà.

Chúng em lớn lên nhờ một tay mẹ chăm sóc và đồng lương ít ỏi của ba. Tất cả anh chị em của em đều được đi học đầy đủ thì đã chứng tỏ công lao của mẹ lớn như thế nào.

Một người mẹ lớn tuổi với nhiều thế hệ con (từ 7x đến 9x – các anh chị lớn đã có gia đình; mình và 3 em nữa vẫn đang học phổ thông) thì tâm trạng làm sao thanh thản được. Mẹ không hiểu được tâm tư tình cảm của các con nhiều cũng là điều dễ hiểu. Với lại mẹ luôn cáu gắt vì căn bệnh xoang quái ác”.

Đành rằng giữa các thế hệ luôn có khoảng cách, nhưng Vy sợ và bị ám ảnh bởi cái gọi là “khoảng cách thế hệ” ấy. Vì chúng mà Vy luôn cảm thấy cô độc và yếu đuối. Vy thèm lắm những cái ôm trìu mến của mẹ, đôi khi cũng chỉ cần một cái siết tay động viên…

Hóa giải mâu thuẫn

Các nhà nghiên cứu tâm lí chỉ ra rằng, khi cha mẹ và con cái xảy ra mâu thuẫn và bùng nổ thành xung đột thường bắt đầu từ phía cha mẹ, khi cha mẹ cố gắng ngăn chặn hoặc áp đặt con trước những biểu hiện tự ý, tự quyết định hành động làm trái với quan niệm của cha mẹ.

Còn con thường có hành vi chống đỡ, phản ứng lại, thể hiện sự độc lập và tính người lớn của mình đối với những đòi hỏi của cha mẹ. Nếu không ai chịu chia sẻ hay bày tỏ những ấm ức của mình thì “khoảng cách” giữa cha mẹ và con sẽ ngày càng tăng, và trẻ là người dễ bị tác động hơn cả.

Các chuyên gia về gia đình khuyên rằng: mọi người nên kiềm chế xung đột, cố gắng lắng nghe và chia sẻ mọi nỗi niềm để xóa bớt đi những bất hòa hiện có.

Những lúc vui, trẻ có thể trò chuyện với mẹ (cha – người mình cảm thấy gần gũi hơn) để bày tỏ nỗi khổ tâm và lo lắng của mình khi có mâu thuẫn.

Lắng nghe và chia sẻ là cách tốt nhất hoá giải mọi mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Dù cuộc sống có bộn bề lo toan, cha mẹ cũng nên cố gắng và ý thức cao độ trong việc gìn giữ khối tài sản vô giá của cuộc đời mình, đó là những đứa con. Hãy luôn cố gắng để con có những ký ức tuổi thơ đẹp nhất làm hành trang bước vào đời.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook