Categories: Thuốc

Đông y trị bệnh thường gặp trong nghề dạy học

Những người làm nghề dạy học thường hay mắc một số bệnh mang tính chất chung của nghề đó là các chứng bệnh như: phế hư, thị lực giảm, đau nhức gân cốt…

Người xưa thường có câu: “Sinh vì nghệ, tử vì nghệ”, điều đó cũng mang một hàm ý, làm một nghề gì đó cho cuộc sống của mình, ắt cũng có những bệnh sinh ra từ đó; ngày nay ta quen gọi dưới một ngôn từ thông dụng là “bệnh nghề nghiệp”. Điều đó quả không sai, và càng đúng với các trường hợp của các người làm nghề dạy học mà xã hội tôn vinh là những người thầy.

Những người làm nghề dạy học thường hay mắc một số bệnh mang tính chất chung của nghề đó là các chứng bệnh như:

Phế hư

Cúc hoa giúp sáng mắt.

Do thường xuyên phải nói nhiều trên lớp, có khi nói hàng giờ, nói cả ngày, nhất là các giáo viên cấp tiểu học, vì học sinh là các em nhỏ, mọi thứ đều mới mẻ, đều bỡ ngỡ với trường lớp. Nói như vậy không có nghĩa là các cấp học cao hơn, lại ít nói. Không hẳn như vậy, ngay cả ở đại học, các thầy cũng vẫn phải nói, và cũng nói rất nhiều. Do đó các bệnh về tạng phế, cũng cứ như là “thường trực” với họ vậy. Nhẹ là khản tiếng, đôi khi mất tiếng. Gặp trường hợp này, các thầy hãy dùng quả kha tử, thái mỏng ra, và ngậm thường xuyên, sẽ rất nhanh hồi phục hoặc ngậm quả ô mai gừng (ô mai chế với gừng) hoặc chanh, quất thái lát, ngâm với mật ong, ngậm hồi lâu cũng giúp cho giọng trở lại trong hơn, dễ chịu hơn. Nặng hơn một chút là viêm họng, có lẽ viêm họng, ho, đờm… là bệnh hay gặp nhất ở nghề dạy học. Cũng vẫn với lý do, nói nhiều kèm theo là bụi phấn, là gió lạnh của mùa đông… làm đa số các thầy, cô hay mắc chứng bệnh này. Với các vị thuốc dễ kiếm như rễ cây rẻ quạt (xạ can), bách bộ, bạc hà, mạch môn (rút bỏ lõi), vỏ quýt ( bỏ màng cùi trắng), vỏ rễ dâu (cạo bỏ lớp bẩn), huyền sâm, cam thảo, mỗi vị 10-12g, sắc uống hằng ngày. Trường hợp ho lâu ngày, đờm khó long, sức khoẻ yếu, da xanh gầy, người nóng táo nên dùng phương thuốc sau: bách hợp, bách bộ, mạch môn, huyền sâm, cát cánh, sinh địa, mỗi thứ 10g, đương quy, bạch thược, thục địa, mỗi thứ 12g, cam thảo 8g. Sắc uống, ngày một thang, uống liền 2-3 tuần lễ.

Thị lực giảm

Mắt mờ, cận thị… cũng do cái nghiệp dạy học sinh ra. Cứ luận giải theo cách nói của YHCT: “can khai khiếu ra mắt” ý nói bệnh của mắt là do gan đưa lại. Điều đó chỉ đúng với cái nghĩa là “can chủ mưu lự”, hàm ý gan chủ về sự suy nghĩ nhiều, tính toán nhiều mà ảnh hưởng đến mắt. Còn cái nghĩa thứ hai nữa là”nhìn lâu hại can” mà “can lại khai khiếu ra mắt”. Như vậy cả hai cái ý “mưu lự và nhìn lâu” ở trên, đều có phần liên quan đến mắt. Phần y lý này, sáng tỏ đến đâu thì chưa rõ, song các thầy giáo quả là thường xuyên phải nhìn lâu. Trên lớp nhìn giáo án, nhìn bảng, nhìn trò, nhìn vở… về nhà soạn bài, chấm bài… đều phải nhìn, cả ngày, thậm chí cả buổi tối, đều phải nhìn. Do đó mắt kém là cái lẽ đương nhiên. Phương thuốc kỷ cúc địa hoàng, sẽ giúp cho thị lực của các thầy, ngày một tốt lên: Thục địa 16g; hoài sơn, sơn thù du, mỗi vị 8g; trạch tả, bạch linh, mẫu đơn bì, mỗi vị 6g; cúc hoa 4g, kỷ tử 4g. Sắc uống ngày một thang, uống liền 3-4 tuần. Khi cần thiết có thể làm dưới dạng hoàn cho tiện dụng.

Táo bón mạn tính

Dây đau xương chữa đau nhức gân cốt.

Chẳng riêng cho các người làm nghề dạy học mà cũng cho cả những người làm nghề “bàn giấy” nữa. Do ngồi nhiều, cơ thành bụng kém hoạt động, nhu động ruột giảm, là nguyên nhân dẫn đến cái chứng không ảnh hưởng nhiều đến tính mạng, nhưng lại rất phiền hà trong cuộc sống. Có thể chỉ dùng hạt muồng ngủ hay còn gọi là thảo quyết minh đem sao vàng lên hoặc sao hơi đen đi, ngày hãm 10-12g với nước sôi, uống ấm, là được. Vị này còn giúp cho ngủ ngon hơn, huyết áp hạ xuống, dễ chịu. Cũng có thể gia thêm vào phương kỷ cúc nói trên để làm tăng thêm thị lực.

Đau nhức gân cốt

YHCT cho rằng, “đứng lâu hại thận” mà “thận chủ xương cốt”.

Thật vậy, thầy giáo ít khi được ngồi, nhất là trên lớp. Do đó cái điều đau lưng, đau gối, đau xương… là không tránh khỏi. Các vị thuốc cẩu tích, cốt toái bổ, đau xương, cốt khí củ, tang ký sinh… là những vị thuốc tốt cho xương cốt, giảm đau xương, giảm tê bì… Khi cần thiết có thể dùng cổ phương “Độc hoạt ký sinh thang” là rất công hiệu: tang ký sinh 20g; ngưu tất, đỗ trọng, tần giao, bạch linh, bạch thược, mỗi vị 12g; độc hoạt, phòng phong, sinh địa, đảng sâm, mỗi vị 8g; quế chi, tế tân, mỗi vị 4g; cam thảo 6 g. Ngày một thang, dưới dạng thuốc sắc. Uống liền 3-4 tuần. Có thể dùng dưới dạng rượu, gia thêm hà thủ ô đỏ 16g, thục địa 12g, trần bì 10g, ngâm trong rượu 30 – 35o trong một tháng, hàng ngày uống vào lúc trước khi đi ngủ, với lượng 30-50ml.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Nguồn: suckhoedoisong.vn

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

26 mins ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

38 mins ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago