Xông hơi thuốc và tắm thuốc là một trong những phương pháp dùng thuốc của Đông y. Mục đích đưa thuốc vào cơ thể dưới dạng hơi bằng đường hô hấp, đường da, hoặc trực tiếp vào vị trí tổn thương… Được dùng chữa cả bệnh nội khoa và ngoại khoa, cả bệnh cấp tính và mạn tính.
Kỹ thuật xông thuốc và tắm thuốc
Chuẩn bị
Phòng chờ: Bệnh nhân nghỉ ngơi cho cơ thể bệnh tạm ổn định trước khi vào tắm hoặc xông hơi thuốc và sau khi tắm, xông xong. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi khoảng 5 – 10 phút.
Trong phòng chờ nên có một số hình ảnh hướng dẫn về quy trình và cách sử dụng một số hệ thống đèn báo… Có giường nằm cho một số bệnh nhân liệt.
Phòng thay quần áo trước và sau khi tắm thuốc hoặc xông thuốc:
Phòng được thiết kế thông với phòng xông thuốc hoặc tắm thuốc nhưng phải có cánh cửa kín. Trước khi vào xông thuốc hoặc tắm thuốc thay bỏ quần áo. Sau khi xông thuốc hoặc tắm thuốc xong lau người bằng khăn ẩm, ấm hoặc tắm bằng nước ấm, tuỳ theo chỉ định cụ thể cho từng diện bệnh, sau đó lau khô người bằng khăn khô, thay quần áo sạch.
Phòng xông hơi: Nếu xông từng khu vực, từng bộ phận riêng không cần phòng kín, chỉ cần 1 mảnh vải sạch dày, gấp làm 2 lần đủ phủ kín người hoặc phủ kín vùng định xông để đưa hơi thuốc nóng vào đúng vị trí theo chỉ định. Tất cả bệnh nhân vào phòng xông nên đeo kính, hoặc nhắm mắt để bảo vệ mắt.
Phòng tắm hơi thuốc: Phòng kín có đường dẫn hơi vào theo hướng từ dưới lên, có ghế ngồi cho bệnh nhân, có giường nằm cho những bệnh nhân liệt. Phòng có nhiệt kế quay mặt ra ngoài để tiện theo dõi và điều khiển nhiệt độ thích hợp với chỉ định điều trị; có hệ thống đèn báo đủ nhiệt độ (đèn xanh) và quá ngưỡng (đèn đỏ) kèm với chuông báo.
Phòng tắm ngâm thuốc: Bảo đảm kín, có các hệ thống thông tin khi cần thiết; bồn tắm hoặc chậu tắm chuyên biệt.
Chậu tắm thường đóng bằng gỗ thông dầu, bảo đảm khít nước không ra được và có các đai để giữ; chậu tắm thường có đường kính từ miệng từ 0,7 – 1m, giữa thân phình to từ 0,8 – 1,2m, chiều cao 0, 8 – 1,2m; nên có nhiều kích cỡ khác nhau để phù hợp với từng người bệnh sao cho khi ngồi có ghế nhỏ ở tư thế thoải mái, nước thuốc vừa đến cằm.
Nồi thuốc xông hơi. |
Bồn tắm thường làm bằng gỗ thông dầu có kích thước chiều dài từ 1,8 – 2m, chiều rộng từ 0,7 – 0,9m, chiều cao từ 0,5 – 0,6m; nên có nhiều kích cỡ khác nhau để phù hợp với từng người bệnh, sao cho khi bệnh nhân nằm ngửa đầu hơi cao chân duỗi thẳng thoải mái, nước thuốc đủ kín hết thân mình. Một gối bằng gỗ thông dầu để kê cao đầu.
Nồi sắc nước thuốc để ngâm tắm kín có áp suất cao đựng dược liệu và nước: Tùy theo yêu cầu của từng loại quy mô phòng xông, tắm hơi, tắm nước thuốc mà có loại nồi dung tích to, nhỏ cho phù hợp.
Bếp để đun yêu cầu bảo đảm nhiệt độ đều và dễ điều khiển khi cần tăng, giảm theo chỉ định của thầy thuốc. Thường dùng các loại bếp như: bếp củi, bếp than, bếp điện…
Dược liệu thường dùng:
Thông thường dùng những dược liệu có mùi thơm, có tinh dầu như: bạc hà, bạc thau, bưởi bung, cà độc dược, cải trời, lá chanh, cúc hoa, cúc tần, đại toán, đơn tướng quân, địa liền, gừng, húng chanh, hương nhu, hoắc hương, hy thiêm, ích mẫu, ké đầu ngựa, kinh giới, khổ sâm, lá lốt, long não, mần tưới, mỏ quạ, ngải diệp, nghể răm, nghệ vàng, quế chi, sà sàng, sả, sắn thuyền, sơn đậu căn, thạch xương bồ, thiên lý, tía tô, trầu không, trinh nữ, trúc diệp, tỳ bà diệp, vọng cách, vông nem, xạ can, hoa bưởi, thiên niên kiện, bạch đàn hương, kim ngân hoa, trúc diệp, sài đất, lô căn, thạch xương bồ, cây cứt lợn, lậu lô, núc nác…
Các bước tiến hành
Thầy thuốc
Khám chẩn đoán ra y lệnh, chỉ định phương pháp, thời gian xông thuốc hoặc tắm thuốc và hướng dẫn cho bệnh nhân những điều cần chú ý trong thời gian xông thuốc hoặc tắm thuốc.
Bệnh nhân
Bệnh nhân nắm được những yêu câu cần thiết trong 1 liệu trình xông thuốc hoặc tắm thuốc và những bất thường xảy ra để thông báo kịp thời cho người trực tiếp theo dõi.
Trình tự trong 1 lần xông thuốc hoặc tắm thuốc:
Xông hơi thuốc
Kỹ thuật viên chuẩn bị theo chỉ định của thầy thuốc bao gồm: Dược liệu, nồi xông to hay nhỏ phù hợp với chỉ định xông tại chỗ hay toàn thân… Sau đó cho thuốc đã rửa sạch vào nồi kỹ thuật đun sôi từ 15 – 30 phút khi nào thấy mùi thơm nhiều là vừa đạt yêu cầu về hơi thuốc.
Kiểm tra dụng cụ để xông như: Vải và những dụng cụ để bao, trùm kín để dẫn hơi thuốc vào toàn thân hay từng khu vực theo chỉ định và những dụng cụ cần thiết phù hợp để chuẩn bị cho bệnh nhân vào xông.
Các thao tác kỹ thuật
Khi nồi thuốc xông đã đạt yêu cầu (đã có mùi thơm nhiều) trùm vải kín nồi thuốc sao cho hơi thuốc vào vị trí cần xông hay toàn thân vừa đủ nóng mà bệnh nhân chịu đựng được tránh ngạt gây khó thở, tránh nóng quá hoặc không đủ nhiệt độ để ngấm thuốc hoặc ra mồ hôi.
Nhiệt độ
Thông thường từ 25 – 35oC bảo đảm đủ ngấm thuốc hoặc ra mồ hôi, tuỳ theo từng bệnh và chỉ định của thầy thuốc.
Thời gian
Từ 5 – 40 phút; tuỳ theo từng bệnh, đến khi ra mồ hôi theo yêu cầu điều trị thì dừng xông hơi thuốc, chuyển sang các công đoạn khác. Tối đa không quá 60 phút.
Các bước tiếp theo:
Đối với các trường hợp cần cho ra mồ hôi thì khi mồ hôi đã ra vừa đủ bệnh nhân dùng khăn ấm, ẩm lau sạch đầu, thân, mình; sau đó lau lại bằng khăn khô, thay quần áo sạch, sang phòng chờ có thể ăn cháo hành hoặc uống nước ấm hoặc thuốc; đối với các bệnh ngoại khoa khi xông vào vị trí bị bệnh cần phải rửa bằng những nước thuốc theo chỉ định sau đó chấm bông cho khô rồi bôi thuốc… Tùy theo điều kiện cụ thể và chỉ định của thầy thuốc.
TTND. BS. Trần Văn Bản (Trung ương Hội Đông y Việt Nam)
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…