Thứ Sáu, 08/04/2016 | 13:31

Bằng việc sử dụng thuốc nhỏ tai một cách tùy tiện, không theo hướng dẫn của bác sĩ, nhiều người đã tự đánh mất thính lực của mình.

Gặp họa vì “râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Theo thống kê, bệnh lý về tai đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là vào mùa hè khi nhiều người muốn đi bơi để giải tỏa cảm giác nóng nực cũng như để cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn. Chính việc tiếp xúc thường xuyên với nước hồ bơi lại là cơ hội để các bệnh về tai phát triển rầm rộ.

Thực tế cho thấy, khi có cảm giác ngứa, nhức, chảy nước ở tai, không ít người đã tự ý mua thuốc nhỏ về chữa bệnh. Với quan niệm: thuốc nhỏ tai cũng tương tự như thuốc nhỏ mũi, có thể tự dùng mà không cần qua thăm khám của bác sĩ, nhiều người đã lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười.

Điếc tai vì dùng thuốc nhỏ tai

Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thanh Vân (Gia Lâm, Hà Nội) mếu máo: “Lúc đầu, tôi thấy một bên tai bị đau nhức, có rỉ một ít dịch. Sẵn có lọ thuốc nhỏ tai mới mua cho chồng, tôi dùng nhỏ tai mình luôn. Ngay sau đó, tôi thấy tai hơi ngứa. Càng ngứa, tôi càng ngoáy tai nhiều hơn. Mấy hôm sau, tai tôi có cảm giác ù ù, không nghe rõ. Cảm giác đau nhức kèm chóng mặt cũng tăng lên. Khi đi khám, tôi được bác sĩ kết luận là nhiễm độc tai. Nguyên nhân là do tôi đã tự ý dùng thuốc nhỏ tai không đúng chủng loại, khiến tế bào tai bị nhiễm độc. Vốn dĩ, tôi bị viêm tai giữa, nếu điều trị đúng thuốc sẽ rất đơn giản, nhưng vì không biết, tôi đã sử dụng loại kháng sinh chuyên điều trị các bệnh về ống tai ngoài nên mới dẫn đến tình trạng này. Bác sĩ nói rằng, không khéo, tôi sẽ bị điếc một bên tai vĩnh viễn”.

Khác với chị Vân, chị Ngô Hoàng Oanh (Q.9, TP. Hồ Chí Minh) lại gặp rắc rối bởi đã dùng thuốc chữa viêm tai giữa để điều trị mụn nhọt trong tai – một biểu hiện thuộc nhóm bệnh lý ống tai ngoài. “Thấy tôi kêu nhức tai, lại có hiện tượng chảy mủ, chị bạn cùng phòng kết luận tôi bị viêm tai giữa, vì chị ấy cũng vừa đi khám với biểu hiện tương tự. Nói rồi chị đưa tôi lọ thuốc nhỏ tai mà chị đang sử dụng, bảo dùng là hiệu quả ngay. Thế nhưng, càng dùng tôi càng cảm thấy khó chịu. Đi khám, bác sĩ phân tích, dù có cùng hiện tượng đau nhức, chảy mủ ở tai, nhưng trường hợp của tôi không phải là viêm tai giữa, mà chỉ là mọc mụn mủ ở bên trong. “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” nên kết quả là bệnh không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn”.

Giảm thính lực do thuốc: Khó phục hồi

Thống kê tại Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương cho thấy, tỷ lệ điếc vì dùng thuốc nhỏ tai không đúng chỉ định đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều người nghĩ rằng thuốc nhỏ tai là thuốc tại chỗ, an toàn, song thực tế, dù là loại nào, nó cũng luôn là con dao hai lưỡi.

Theo BS CKII Phạm Thanh Sơn, Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện STO Phương Đông (TP. Hồ Chí Minh), trong tai của chúng ta chia làm 3 bộ phận: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài có bệnh lý của tai ngoài, tai trong và tai giữa cũng vậy. Việc dùng chung thuốc điều trị cho mọi bệnh lý về tai là hoàn toàn sai lầm và có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trên thị trường, hiện có vô vàn các loại thuốc nhỏ tai, tuy nhiên, có thể chia chúng thành hai nhóm chính: thuốc dùng khi màng nhĩ đã bị thủng (thường do viêm tai giữa) và thuốc điều trị các bệnh liên quan đến ống tai ngoài (màng nhĩ chưa thủng). Loại dành để chữa trị các bệnh về ống tai ngoài nếu dùng cho người thủng màng nhĩ sẽ rất nguy hiểm vì nó tiếp xúc trực tiếp với ống tai trong nên có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm liên quan đến ốc tai, tiền đình… dễ dẫn đến điếc. Theo y khoa, hiện tượng này gọi là nhiễm độc thuốc và nó có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc hoặc sau khi đã dừng thuốc vài tuần.

Ở giai đoạn khởi đầu của quá trình nhiễm độc, người bệnh thường có cảm giác nghe không rõ, chóng mặt (do ảnh hưởng của tiền đình). Nhiều người lúc nào cũng nghe thấy tiếng gió rít trong tai hay những âm thanh ù ù vô cùng khó chịu. Khi đo thính lực, dễ dàng nhận thấy ngưỡng nghe đã bị giảm.

Thông thường, hiện tượng nhiễm độc này chỉ xảy ra ở tai có nhỏ thuốc, song cũng có vài trường hợp bị đều ở hai bên tai. Thế nên, để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm này, ngay khi nhỏ tai mà thấy đau nhói, sưng đỏ, ngứa trong tai cần lập tức dừng thuốc ngay. Tuy nhiên, điều khó khăn là có những người phải vài ngày sau cơ thể mới có những phản ứng tiêu cực như ù tai, chóng mặt, nghe kém…

Loại thuốc dùng khi màng nhĩ đã thủng thường là kháng sinh lành tính hơn và cần có những hướng dẫn sử dụng đặc biệt. Chẳng hạn, trước khi dùng thuốc cần ngâm vào nước ấm khoảng 30-37 độ, tránh tình trạng thuốc lạnh ảnh hưởng đến tiền đình. Việc này đặc biệt cần thiết vào mùa đông, đối với trẻ em và người già. Nếu muốn thuốc phát huy tác dụng, trước khi nhỏ, cần làm vệ sinh tai sạch sẽ, nhẹ nhàng nhằm loại bỏ mủ hay các chất bẩn khác.

Cũng theo bác sĩ Sơn, khi nhỏ tai, chúng ta cần nằm nghiêng, không được nhỏ thuốc trực tiếp vào ống tai mà cần nhỏ vào thành ống tai và để nó từ từ chảy xuống dưới. Ngay sau đó, dùng tay gập vành tai xuống để thuốc có thể thấm sâu vào trong.

Trong quá trình chữa bệnh, bác sĩ Sơn nhận thấy có không ít trường hợp khi tai chảy mủ đã lấy thuốc con nhộng bẻ ra, rồi rắc trực tiếp bột thuốc vào tai. Điều này rất nguy hiểm vì các loại này khi vào tai sẽ đóng cục lại, khiến mủ không chảy ra ngoài mà chảy ngược vào trong, có thể gây viêm màng não. Tương tự như vậy, những người dùng thuốc nam, thuốc bắc bơm trực tiếp vào tai cũng gây hậu quả nghiêm trọng vì thuốc không hòa tan được ở trong tai, gây bít tắc tai.

Bác sĩ Sơn cho rằng, nghe kém vì thuốc nhỏ tai khả năng phục hồi là vô cùng thấp, bởi lẽ, các bộ phận của tai trong lúc đó đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nên, đừng để mất bò mới lo làm chuồng, đừng để đến lúc tai điếc rồi mới học cách sử dụng thuốc nhỏ tai.

Hồng Nga

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook