Bộ Tài chính hiện đề xuất hai phương án sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng thuốc lá.
Phương án một là áp dụng thu thuế theo phương pháp hỗn hợp (thu theo thuế suất tỷ lệ như hiện nay và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng mỗi bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng một điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ năm 2020.
Phương án hai, tăng thuế suất theo lộ trình: Năm 2020 tăng từ 75% lên 80%, một năm sau tăng lên mức 85%.
Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện nay là 70% (áp dụng từ năm 2016 đến 2018); đến năm 2019 sẽ tăng lên 75%.
Bộ Y tế ủng hộ phương án một, tuy nhiên đề nghị áp dụng mức thu thuế tuyệt đối cao hơn. Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đề xuất thu thuế mỗi bao thuốc lá 2.000-5.000 đồng thay vì 1.000 đồng. “Càng tăng thuế thì Chính phủ càng có nguồn thu, giá bán lẻ thuốc lá cao thì thanh thiếu niên, người nghèo không có tiền mua”, bà Hải lập luận.
Đồng tình quan điểm này, ông Đào Thế Sơn, Giảng viên Đại học Thương mại cũng cho rằng mức thuế 1.000 đồng quá thấp mà nên tăng 2.000-5.000 đồng.
Ông Sơn phân tích, Việt Nam hiện tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá xuất xưởng. Giá này chỉ chiếm 35-40% giá bán lẻ. Vì thế, với mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 70% như hiện nay thì giá bán lẻ một bao thuốc lá 10.000 đồng cũng chỉ tăng 300 đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá thời gian qua tại nước ta tăng rất chậm, tăng “rụt rè”. Mỗi lần chỉ tăng 5%, thời gian mỗi lần tăng thuế cách nhau khá xa. Trong khi đó mức thuế và giá bán thấp là nguyên nhân chính khiến lượng người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam rất đông.
Chợ nổi không khói thuốc tại Thái Lan.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2017 cho thấy tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá chỉ hơn 35%, trong khi trung bình thế giới gần 59%, Thái Lan 75%, Brunei 81%, Malaysia 57%, Đức 75%, Pháp 80%… Thuế thấp khiến giá thuốc lá trung bình của Việt Nam gần như thấp nhất so với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trong số các nước ASEAN, Thái Lan là ví dụ điển hình của việc sử dụng chính sách thuế thuốc lá mạnh để nâng cao sức khỏe công cộng. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt tại Thái Lan tương đương mức thuế hơn 500% theo giá xuất xưởng như cách tính thuế tại Việt Nam.
Tiến sĩ Chonlathan Visaruthvong, Cục thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính Thái Lan cho biết, tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá chỉ 35% là rất thấp trong khi Thái Lan 75%. Điều đó đồng nghĩa, với giá một USD một bao thuốc thì chính phủ thu 74 cent, ngành công nghiệp thuốc lá chỉ nhận 26 cent. Việt Nam thì ngược lại, chính phủ chỉ thu được 35 cent, ngành công nghiệp thuốc lá mang về đến 65 cent.
“Tỷ trọng chênh nhau rất lớn, chính phủ không thu được gì. Mức thuế tăng được coi là hiệu quả phải đảm bảo giá bán lẻ tăng và tiêu dùng giảm”, tiến sĩ Chonlathan Visaruthvong nói.
Theo chuyên gia này, chi phí để sản xuất một bao thuốc lá rất rẻ, khi mua một bao thuốc lá giá một USD thì chi phí sản xuất khoảng 20-25 cent. Thuốc lá cũng là sản phẩm có độ giãn cầu rất thấp, gây nghiện nên dù giá tăng nhiều thì mức độ giảm tiêu dùng cũng sẽ rất ít so với sản phẩm khác.
Giáo sư Prakit Vathesatogkit, người sáng lập Quỹ Thai Health dẫn chứng thêm, từ năm 1989 đến nay, thuế thuốc lá tại Thái Lan tăng 11 lần, giá tăng từ 15 bath mỗi bao lên 65 bath mỗi bao (hơn 45.000 đồng tiền Việt). Nhờ đó tỷ lệ người hút thuốc lá từ 32% năm 1991 giảm còn 19% vào năm 2017, tránh có thêm 7 triệu người hút. Trong khi đó sản lượng thuốc lá hàng năm vẫn giữ nguyên ở mức 2 tỷ bao mỗi năm.
Bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) nhấn mạnh, dự phòng là giải pháp tối ưu, bởi khi có bệnh thì chi bao nhiêu tiền cho điều trị cũng không đủ. Để phòng tác hại của thuốc là thì tăng thuế là một công cụ hiệu quả.
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 70 chất gây ung thư. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch… Hút thuốc là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá trên thế giới trong thế kỷ 20. Mỗi năm, thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…