Các bệnh về mạch máu nếu không được kiểm soát sớm sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Đây là hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.
Có 1/3 trường hợp bệnh mạch máu là do cơ địa hay di truyền. Khi trong gia đình có người từng bị bệnh hay tử vong do tai biến mạch máu, nguy cơ mắc bệnh này ở đời sau là khá cao, cao hơn khi cả cha lẫn mẹ đều có bệnh, thấp hơn khi chỉ xảy ra với họ hàng xa.
Nếu không có cơ địa, thì 2/3 còn lại thường mắc bệnh do môi trường và lối sống, thường gọi là nhóm nguy cơ, gồm những người cao huyết áp, cao mỡ hoặc cholesterol trong máu, béo phì, lạm dụng thuốc lá hay uống rượu…
Bệnh mạch máu tuy có nhiều nguyên do nhưng tiến triển chậm (5-10 năm) nên người bệnh hoàn toàn có đủ thời gian để phát hiện và đối phó thích nghi với sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa và những kỹ thuật y học mới đã có ở Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Bệnh mạch máu xảy ra như thế nào?
Hệ thống mạch máu có chiều dài hàng trăm cây số, như một mạng lưới giao thông chằng chịt. Các tế bào nội mạch là các tế bào có chức năng hết sức quan trọng nhưng lại rất mỏng manh và bị nhiều nguyên do như di truyền, ăn uống nhiều mỡ, nicotine từ thuốc lá (chất độc số một cho tế bào nội mạch) lần hồi làm hư hại thành mạch, tạo ra các mảng xơ vữa phát triển về bề trong, dần dần làm giảm lưu lượng tuần hoàn, dẫn tới tắc nghẽn và gây ra tai biến mạch máu.
Ở động mạch: phần nhiều là do xơ cứng thành mạch, giảm cung cấp máu, tạo cục máu và tắc nghẽn, thường gặp ở tim, não; hiếm có triệu chứng sớm, triệu chứng trễ nằm trong nhiều chuyên khoa khác nhau, ví dụ: triệu chứng của bệnh–+ cao huyết áp (thường là phát hiện bên ngòai của xơ cứng động mạch), bệnh động mạch vành (gây khó thở, đau thượng vị, buồn nôn), rối loạn tuần hoàn não, giảm thị lực, thiếu máu não, kém dưỡng khí… Khi bệnh đến giai đọan tai biến mạch máu có thể gây tử vong mau chóng và bất ngờ.
Ở tĩnh mạch: phần nhiều do trì trệ tuần hòan, có các triệu chứng sớm như viêm tắc tĩnh mạch ở chi dưới, phì đại tĩnh mạch dưới da ở bắp chân. Tắc nghẽn còn có thể xảy ra ở các tĩnh mạch sâu, gây ra các biến chứng trầm trọng cho cục máu di chuyển xa làm tắc mạch não, phổi.
Ai cần lưu ý gì?
Người trẻ và chưa có triệu chứng: nên kiểm tra về di truyền trong gia đình, nếu có người đã mắc bệnh thì bản thân cũng có nguy cơ (hay đã mắc bệnh mà chưa biết), vì thế nên kịp thời tầm soát và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống.
Người nằm trong nhóm nguy cơ như: mỡ trong máu, cao huyết áp, cao đường huyết, béo phì, hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu… cần được khảo sát cặn kẽ, nếu phát hiện bệnh sớm thì kết quả điều trị sẽ rất khả quan.
Nữ giới tuổi trung niên từng sinh nở: cần được khảo sát nếu có biểu hiện sưng chân trong thai kỳ, đạm niệu hoặc huyết áp cao.
Ở độ tuổi trên dưới 50: đây là tuổi dễ phát hiện bệnh mạch máu do di truyền hay mắc phải, cuộc sống căng thẳng và ít vận động càng làm tăng nguy cơ, nên khám định kỳ để kịp thời điều chỉnh các yếu tố nguy cơ.
Người lớn tuổi: mạch máu đã bị hao mòn qua nhiều năm, cần được khảo sát và đánh giá đúng mức vì kinh nghiệm cho thấy đa số các tai biến tim, não ở người già có thể xảy ra mà không có triệu chứng báo trước.
Nếu bạn thuộc một trong các nhóm trên, nên đi khám định kỳ (ít nhất 6 tháng một lần), bác sĩ sẽ chỉ ra cho bạn cách sống hay dùng thuốc thích hợp để tránh các yếu tố nguy cơ.
Phòng bệnh không khó
Tuổi thọ tùy thuộc rất nhiều vào sức khỏe mạch máu. Sức khỏe mạch máu lại tùy thuộc vào thói quen ăn uống và sinh hoạt.
– Giảm thiểu các chất béo nguồn gốc động vật – Nghiên cứu cho thấy tương lai thành mạch phụ thuộc vào nồng độ Cholesterol trong máu, cao hơn 180mg thì mạch máu sẽ bị tổn thương. Nên dùng chất béo thực vật để thay thế: dầu thực vật hay cá (non-saturated fat), tăng khẩu phần rau, trái cây.
– Tránh thuốc lá – Nếu điều trị đúng cách mà không bỏ thuốc, chất Nicotine sẽ phá hoại kết quả điều trị. Thuốc lá còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
– Theo dõi huyết áp – cao huyết áp thường đi đôi với hư hại mạch máu, nên làm việc điều độ, có thư giãn, cữ rượu và không ăn quá mặn.
– Kiểm soát cân nặng – hạn chế ăn quá ngọt, kiểm tra đường huyết và tập thể dục đều đặn.
BS. Lê Thị Bích Vân
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…