Chủ Nhật, 13/09/2015 | 09:34

Ảnh minh họa: Mychildmalaysia.com.Ảnh minh họa: Mychildmalaysia.com.

Con gái tôi 7 tuổi, bình thường khá ngoan và hơi nhút nhát. Gần đây tôi thấy con hay la hét, hỏi vặn vẹo người lớn nếu ai đó nói điều gì cháu không thích hay mắng cháu.

Tôi có nhiều lần phân tích cho con là không nên như vậy, thái độ đó rất xấu nhưng cháu vẫn không thay đổi. Có lần, tôi trò chuyện dò hỏi thì biết cháu hay chơi với một bạn gái trong lớp có tính cách như thế (hay quát nạt các bạn khác, hay la hét, sừng sộ…). Tôi nghĩ con mình đã bị lây tính xấu từ bạn.

Tôi nên làm thế nào với cháu đây? Tôi không thể bảo cháu ngừng chơi với bạn hay ở cạnh con liên tục để uốn nắn khi cháu cư xử với người khác (tôi hay đi làm về muộn). Xin được nghe những ý kiến chia sẻ của chuyên gia. (Trâm Anh)

Trả lời

Chào bạn,

Ngay ở tuổi tiểu học thì tình bạn đã trở nên rất quan trọng đối với mỗi đứa trẻ và theo thời gian ảnh hưởng của bạn bè đối với trẻ càng trở nên mạnh mẽ. Vì vậy, bố mẹ có thể nhận ra con càng lớn thì sẽ càng dành nhiều thời gian với bạn bè hơn.

Chính vì vậy, bạn bè có thể ảnh hưởng tốt hay không tốt đến việc hình thành những tính cách, quan điểm sống, các lựa chọn và cách đưa ra quyết định sống của con cái bạn.

Đối với bé nhà bạn, bé đang ở độ tuổi tình bạn bắt đầu hình thành, tình bạn có một ý nghĩa quan trọng đối với bé nhưng không bền vững và dễ thay đổi.

Trong thời gian này, trẻ có thể thân với bạn này vì một điểm gì đó trẻ thích, chẳng hạn vì bạn đó có một món đồ chơi đẹp mà bé cảm tình và thực sự bị cuốn hút hoặc do bạn ấy luôn mặc những chiếc váy nhiều màu sắc, hình thù bắt mắt…

Bé có thể “đổi bạn” trong thời gian ngắn, có thể ngừng chơi với bạn đó mà chuyển sang bạn khác vì một lý do tương tự…

Chính vì thế mà sự ảnh hưởng của bạn bè lên trẻ cũng dễ dàng bị thay đổi. Vì thế bạn cũng đừng nên lo lắng thái quá để đến mức cấm đoán, làm lớn chuyện khi bé nhà bạn đang chơi với một bạn có nhiều hành vi không tốt mà bạn không thích.

Nhưng tất nhiên chúng ta cũng không nên chủ quan đứng nhìn khi con đang bị người bạn có nhiều điểm xấu đó ảnh hưởng lên tính cách của con.

Bạn có thể tiếp tục khéo léo phân tích cho bé hiểu thế nào là những hành vi tốt, được mọi người yêu mến và thế nào là những hành vi xấu, không nên làm để mọi người xa lánh.

Bạn có thể kể cho bé nghe những câu chuyện hoặc cho bé xem những bộ phim trong đó có nhân vật có những tính cách xấu, hay quát nạt, la hét làm cho người khác không yêu mến và kết cục là bạn ấy không có ai chơi cùng nữa cả, còn ngược lại những nhân vật tốt với những hành vi đẹp thì luôn được mọi ngươiyều thương, khen ngợi.

Dù bận rộn đến đâu nhưng bạn cũng nên thường xuyên dành thời gian trò chuyện với con để hiểu về suy nghĩ của con, để nắm bắt được tâm lý, kiểm soát đến mức có thể những ảnh hưởng từ cô bạn gái đó nói riêng và bạn bè của bé nói chung lên tính cách, suy nghĩ của bé.

Hãy lắng nghe con và trong mỗi câu chuyện bạn nên khen ngợi, khích lệ những hành động đẹp của con, hành vi tốt của cả bạn bè con, không loại trừ cô bé đó, đồng thời khéo léo gợi mở cho con biết những hành vi được cho là xấu của bạn bè bé bằng một số câu thắc mắc kiểu như:

“Mẹ chẳng hiểu tại sao bạn A lại hay lườm nguýt thế nhỉ? Con thấy lúc bạn ấy nguýt như thế bạn ấy có xấu không? Bạn ấy có được mọi người yêu mến không?” Hay “Bạn B hay cười trông bạn ấy xinh con nhỉ? Bạn ấy hay giúp đỡ mọi người chắc mọi người yêu bạn ấy lắm?”…

Bạn có thể thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình rằng: “Mẹ không thích con la hét, giận giữ, không thích con lườm nguýt vì lúc đó trông con không đáng yêu chút nào cả, lúc đó con không giống con gái yêu của mẹ”.

Nếu cần thiết bạn có thể cho bé soi gương và thể hiện hành vi lườm nguýt, cau có trong đó để thấy khuôn mặt bé lúc đó trông rất xấu xí và không hề đáng yêu, ngược lại việc nở một nụ cười tươi tắn và ánh mắt trìu mến, dịu hiền sẽ làm bé trông xinh xắn, dễ thương hơn rất nhiều.

Để những lời nói của mình có trọng lượng với con thì trước tiên cha mẹ, người lớn trong gia đình phải làm gương cho con trẻ noi theo.

Trong mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh cha mẹ nên kiềm chế cơn tức giận của mình, không thể hiện những hành vi tiêu cực để bé thấy rồi bắt chước làm theo.

Trên hết, song song với giáo dục nhà trường, cha mẹ ở nhà hãy dạy bé những giá trị sống cốt lõi (tôn trọng, yêu thương, khoan dung…) ngay từ khi còn nhỏ để bé có thể đề kháng trước những ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài và phát huy những ảnh hưởng tích cực xung quanh để hình thành nên một nhân cách tốt.

Chúc bạn và gia đình luôn gặp nhiều may mắn và niềm vui!

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh TrangChuyên gia tâm lý trường mầm non Hoàng Gia

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook