Diệp Trung Thành 31 tuổi, dân tộc Tày ở Khau Sáng, xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng là cộng tác viên dân số giỏi. Suốt 15 năm qua anh miệt mài với công việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.
Anh Diệp Văn Thành chia sẻ với Infonet. vn về công việc cộng tác viên dân số của mình
Người đàn ông 31 tuổi ấy kể cho chúng tôi nghe về công việc đi vận động kế hoạch hóa gia đình của mình. Giọng nói ấm áp, nét mặt hay cười, anh Thành không ngần ngại chia sẻ cho chúng tôi nghe về công việc đi từng nhà để “canh” không cho người dân đẻ con thứ 3.
Thôn Khau Sáng nơi anh Thành sinh ra và lớn lên là xóm vùng sâu, vùng xa rất khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Hiện nay xóm của anh Thành còn chưa có điện. Địa hình hiểm trở, cách trung tâm ủy ban nhân xã 18 km, trung tâm huyện 48km, đường đi lại vất vả, đồi núi cao, khe suối sâu. Tại xóm của Thành hiện nay cũng không có sóng điện thoại di động, riêng mạng Viettel thì thi thoảng ra mỏm núi cao mới bắt được sóng nhưng rất chập chờn lúc có, lúc không.
Cả xóm có 24 hộ gia đình với 113 nhân khẩu nhưng các gia đình ở rải rác theo nhóm và cách xa nhau vài quả đồi nên việc đi tuyên truyền đến các hộ cũng vất vả. Trình độ dân trí của người dân trong xã và xóm cũng rất thấp. Cả xóm từ trước tới nay học sinh hầu hết chỉ học đến lớp 7, 8 hoặc 9. Hiện nay chỉ có hai em theo học cấp 3, không có ai học trung cấp trở lên.
Ngay cả bản thân anh Thành ngày trước cũng chỉ học hết lớp 5. Sau đó anh Thành đi học bổ túc. Anh Thành tâm sự học bổ túc cũng không hết được chương trình vì đi bộ quá xa, tối không có điện ngày lại làm việc vất vả nên chưa học bổ túc hết cấp 2.
Năm 2001, anh Thành được trạm y tế xã Vĩnh Quang cho đi học lớp y tế thôn bản 9 tháng tại trường trung cấp y tế Cao Bằng. Anh được làm cộng tác viên dân số kiêm luôn công tác y tế thôn bản.
Những ngày đầu làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình thật bỡ ngỡ. Khi nói đến kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, vòng tránh thai, bao cao su… với chị em phụ nữ, anh Thành nhiều lần đỏ mặt. Nhưng được cán bộ chuyên trách dân số, trạm y tế, và ủy ban xã động viên, hướng dẫn nhiệt tình, anh đã cố gắng và làm tốt công việc của mình.
Anh tâm sự “Làm cộng tác viên dân số khó lắm vì nhà nào cũng muốn sinh nhiều để có nhiều người làm việc. Nhất là ở đây địa bàn rừng núi, vùng sâu, vùng xa cần nhiều sức lao động, cần nhiều con trai để làm việc nặng, có sức khỏe đi đường xa, lên rừng làm nương rẫy mới khỏe. Nhà nào cũng muốn có con trai để mang họ và thờ cúng tổ tiên. Để làm tốt công tác dân số tôi buộc phải thuộc từng hộ gia đình trong xóm về mọi thứ và họ phải yêu quý mình họ mới chịu nghe theo”.
Anh Thành cho biết để làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, nhà nào có bao nhiêu con trai, con gái, có đủ ăn hay không, đã dùng biện pháp tránh thai chưa, trẻ em đi tiêm chủng chưa, suy nghĩ của những người già trong gia đình và các cặp vợ chồng như thế nào, anh nắm rất rõ. Khi nào phát hiện có hộ gia đình muốn sinh thêm con thứ 3 anh phải tìm hiểu xem ai là người muốn sinh, có nhà là ông nội muốn có cháu trai, có nhà con dâu muốn sinh thêm con trai để gia đình chồng tốt với mình, nhà thì bố muốn sinh thêm con để giúp lên rừng, lên rẫy… Sau đó anh đến gặp những người trong nhà để vận động.
“Việc tuyên truyền vận động cũng khó vì không phải lúc nào đến nhà cũng gặp, ban ngày bà con lên rẫy làm ruộng, buổi tối không có điện, đi lại khó khăn, các hộ ngủ sớm. Tôi phải tranh thủ buổi trưa, tối đến các gia đình để vừa trò chuyện kết hợp hướng dẫn cho các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, cách phòng tránh bệnh lây qua đường sinh sản, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ nên sinh hai con, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, không lựa chọn giới tính, phải chăm sóc cho con cái mạnh khỏe, phòng chống bệnh tật, học tập giỏi và có đạo đức tốt. Đẻ ít con để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình…” – Anh Thành kể lại.
Có những trường hợp không muốn thực hiện, biết anh đến vận động họ lại trốn tránh không muốn gặp. Những người khó như vậy anh phải tìm cách gặp bằng được, không gặp ở nhà thì gặp ở rẫy, ruộng và xem họ hay đi chợ mua hàng ở quán nào để gặp và thuyết phục họ. Nhiều trường hợp họ không nghe phải đi rất nhiều lần. Nhiều người họ không chịu dùng biện pháp tránh thai, thậm chí nói dối dùng biện pháp tránh thai bị đau lưng, nhức đầu, nhiều bệnh khác không chịu được. Nhưng anh vẫn đến vận động nhiều lần đến khi được mới thôi.
Gia đình nào khó quá anh phải nhờ sự tác động của hội phụ nữ, thôn xóm giải thích cho họ việc sinh con thứ ba vi phạm hương ước của thôn và chỉ cho họ xem kinh tế gia đình những nhà chỉ có hai con. Bản thân anh Thành cũng gương mẫu. Anh chỉ sinh hai con, hai vợ chồng chăm chỉ làm kinh tế nuôi bò, nuôi lợn, trồng ngô, trồng lúa. Nhờ thế, kinh tế gia đình anh từ hộ nghèo đã vươn lên rất nhiều.
Nhờ nỗ lực của anh Thành và các cộng tác viên khác, từ năm 1995 đến nay, xóm Khau Sáng, không có trường hợp sinh con thứ 3. Toàn xóm có 23/27 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết, không có trẻ em suy dinh dưỡng, không có trẻ em tử vong dưới 1 tuổi, trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, sinh con đều được cơ sơ y tế hỗ trợ giúp đỡ.
Nói đến mức lương cộng tác viên dân số, anh Thành cho biết 15 năm công tác thu nhập thù là 200 nghìn đồng/tháng . Dù số tiền quá ít ỏi nhưng anh Thành vẫn gắn bó với công việc đó vì được dân tin yêu, cấp trên tin tưởng, được phục vụ bà con, cái gì mình làm được thì cố gắng làm hết sức. Đó là niềm vui của anh, của những bà con trong thôn.
Ph. Thúy
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…