Categories: Sức khoẻ

Chữa hóc cho trẻ bằng mẹo dân gian: nguy hại khó lường

Bác sĩ khẳng định, chữa hóc bằng cách nuốt xương vào trong là phản khoa học, và mọi mẹo dân gian đều không nên áp dụng.

Câu hỏi:

Con tôi rất thích ăn cá và hay bị hóc xương. Tôi được mách khá nhiều cách chữa hóc xương bằng mẹo dân gian như xoay mâm, gõ đũa vào đầu, tìm người đẻ ngược nhờ họ vuốt cho xuôi… Cá nhân tôi thấy những cách này đều không hề có cơ sở khoa học nên không áp dụng.

Tôi thấy một số phương pháp có vẻ hợp lý hơn như nhai miếng cơm to hay nhai nắm rau má để xương bị lôi theo trôi vào trong, hoặc ngậm viên vitamin C, ngậm miếng cam/chanh để xương mềm ra… và đã áp dụng thử nhưng chồng tôi không đồng ý và nói làm theo những cách đó có nhiều rủi ro, dễ khiến cho việc hóc xương trở nên trầm trọng hơn.

Vậy theo bác sĩ, chúng tôi có nên tiếp tục dùng các mẹo dân gian chữa hóc cho trẻ không? Đâu là cách chữa hợp lý và nên áp dụng?

Khi trẻ nhỏ tự gỡ và ăn cá, trẻ sẽ rất khó tránh khỏi một đôi lần bị hóc xương do sơ suất

Trả lời:

Đề cập đến việc xử lý ra sao khi trẻ hóc xương, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương – trưởng khoa Tai mũi họng – Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra những chỉ dẫn rất hữu ích cho các bậc phụ huynh:

Mọi cách chữa bằng mẹo dân gian đều không nên áp dụng

Bác sĩ Xương khẳng định: “Mọi cách chữa hóc xương bằng mẹo dân gian như nuốt miếng cơm to hay nắm rau má, xoay mâm, ngậm cam/chanh… đều không nên áp dụng. Khi trẻ bị hóc, bố mẹ nên đưa ngay đến bệnh viện để các bác sĩ soi và dùng các dụng cụ cần thiết để gắp xương ra khỏi cổ họng của trẻ. Việc này nên được thực hiện càng sớm càng tốt trước khi xương vào sâu hơn và gây thêm tổn thương.

Các cách chữa mẹo hầu hết đều có mục đích làm cho người bị hóc nuốt xương trôi vào bên trong cổ họng chứ không phải là đưa xương ra khỏi cơ thể. Điều này rất phản khoa học. Bởi vậy, không có cách chữa mẹo nào tốt hơn việc gắp xương ra ngoài“.

Hiểu được điều này, nhiều bậc phụ huynh cũng tự dùng một số dụng cụ trong gia đình để nhổ xương ra. Tuy nhiên, cách gắp xương như thế nào để an toàn cho trẻ thì không phải ai cũng biết. Theo tiến sĩ Xương, việc hóc xương không hề đơn giản. Nhiều trường hợp ngay đến các bác sĩ không chuyên khoa tai mũi họng cũng còn thấy khó, bởi vậy các bậc phụ huynh không nên chủ quan về vấn đề này.

Hầu hết các phương pháp chữa hóc xương cá theo mẹo dân gian đều đưa xương vào trong cơ thể thay vì gắp ra ngoài

Trong các phương pháp chữa mẹo, cũng có cách nhằm đưa xương ra ngoài là nhét tỏi vào mũi. Cụ thể: nếu bị hóc ở bên trái họng thì nhét nhánh tỏi và lỗ mũi bên phải, sau đó bịt lỗ mũi bên trái lại và thở bằng miệng, một lúc sau sẽ có phản ứng hắt hơi và kéo chiếc xương ra ngoài.

Tuy nhiên, bác sĩ Xương khẳng định, việc hóc xương xảy ra ở trong đường tiêu hóa, trong khi việc nhét tỏi vào mũi và hắt hơi là tác động vào đường thở. Bởi vậy, việc làm này cũng không mấy tác dụng.

Hậu quả khó lường khi tự chữa hóc xương bằng mẹo

Không những phản khoa học, việc tự chữa hóc xương bằng mẹo dân gian còn có nguy cơ dẫn đến những biến chứng trầm trọng, gây thêm đau đớn và mất nhiều thời gian, chi phí điều trị.

Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, tiến sĩ Xương đã gặp không ít trường hợp tự ý chữa hóc xương tại nhà nhưng không hiệu quả, thậm chí còn gây cản trở cho các bác sĩ khi soi và gắp xương ra: “Những miếng cơm, miếng chuối hay búi rau to mà trẻ nhai và cố gắng nuốt vào đôi khi chỉ gây nghẹn thêm cho bệnh nhân và trở thành vật cản khi chúng tôi gắp xương ra, khiến sự việc càng trầm trọng hơn.

Nhiều trường hợp nếu đưa đến bệnh viện gắp xương ra ngay thì rất đơn giản, nhưng do mất thời gian tự thắp hương khấn vái, chữa mẹo ở nhà, đến khi không thấy khỏi mới đưa đến bệnh viện thì vết thương đã loét và nhiễm trùng, phải điều trị bằng cả nội soi, hồi sức, chống nhiễm trùng… rất phức tạp”.

Cá là món ăn bổ dưỡng cho trẻ, nhưng các mẹ cần hết sức cẩn thận trong khâu chế biến để loại bỏ hết phần xương

Bác sĩ chia sẻ thêm, một trong những trường hợp hóc xương khá nặng mà ông từng gặp là một bệnh nhân ngậm cá sống bằng miệng khi đi mò. Con cá đã chui vào trong miệng, họng và quẫy đạp quá mạnh khiến bệnh nhân bị hóc nặng, tổn thương trầm trọng.

Rất may, nhờ được đưa đến bệnh viện ngay lập tức thay vì chữa mẹo, người này đã được điều trị kịp thời và không để lại hậu quả gì nghiêm trọng.

Theo Khám Phá

Nguồn: TTOnline

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

20 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

20 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago