Con trai 5 tuổi của tác giả Michelle Horton.
Hãy cùng xem cách vô cùng sáng tạo mà người mẹ này đã sử dụng để dạy con về cảm xúc.
Tôi gọi con trai năm tuổi của tôi đến bên bàn bếp, nơi đặt một cốc nước lọc, một hộp baking soda (bột nở, thuốc muối), và một cái thìa.
Tôi có thể nhìn thấy sự đắn đo trên khuôn mặt thằng bé, như thể nó đang nghĩ “Chắc mẹ lại bày trò gì để bắt mình uống thuốc chăng?”
Thấy vậy tôi phải vỗ về ngay: “Đừng lo con yêu, mẹ không bắt con uống gì đâu, mẹ chỉ muốn cho con thấy cơ thể chúng ta hoạt động ra sao.”
Thằng bé từ lo sợ trở nên thích thú tò mò. Đúng là trẻ con – không giống như những bé còn đang bập bẹ hay bọn trẻ đã đi học lớp một, những đứa trẻ từ 5-6 tuổi có khả năng tập trung tốt hơn và học hỏi cũng nhanh hơn. Và những đứa trẻ này luôn có những suy nghĩ trăn trở của riêng chúng, như việc đến nhà trẻ, những đứa trẻ chúng gặp ở trường, ở sân chơi, hay cả việc phải xa mẹ.
Trong một đứa trẻ 5 tuổi là cả một thế giới cảm xúc. Vậy nên tôi muốn dạy anh bạn nhỏ của tôi hiểu và đối phó với thế giới đó như thế nào.
Chúng tôi bắt đầu với cảm xúc. Không chỉ dừng lại ở việc xác định con trai tôi đang cảm thấy gì, mà còn phải hiểu tại sao con lại cảm thấy như vậy. Sự giận dữ đến từ đâu? Tại sao chúng ta lại cảm thấy buồn? Và chúng ta có thể chọn cách ứng xử ra sao khi biết được những cảm xúc này là điều bình thường với một con người nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn.
Ví dụ, chúng ta đều biết rằng cảm xúc và tâm trạng chỉ là tạm thời, và chúng ta không thể nào đưa ra quyết định đúng đắn khi bị chi phối bởi những cảm xúc tạm thời này. Tốt hơn là nên đợi, bình tĩnh và chỉ hành động khi nào mọi thứ đã trở nên rõ ràng. Nếu không, chúng ta có thể nói ra những điều không nên nói, hay nghĩ linh tinh – điều có thể làm tổn thương người khác và tổn thương chính ta.
Tôi đã dạy con trai về cách kiểm soát cảm xúc.
Tôi cũng không phải người duy nhất nói cho thằng bé những điều này. Ngay bộ phim Frozen cũng có một bài hát có ý nghĩ tương tự, bài “Fixer Upper”: “Mọi người thường đưa ra lựa chọn sai lầm khi họ tức giận, sợ hãi, hay căng thẳng.” Nhưng chẳng dễ gì để giúp một đứa trẻ hiểu, rằng cảm xúc của chúng ta chỉ đang chi phối, lý trí mới là cái thực, mà thật khó để bình tĩnh trong chốc lát khi mà đang quá tức giận.
Vậy nên tôi quyết định sử dụng một cách làm tôi tìm được trong cuốn The Mindful Child của Susan Kaiser Greenland. Đây là một cuốn sách tuyệt vời với đủ các hoạt động để dạy trẻ ở mọi lứa tuổi về chánh niệm (chánh niệm là nhận thức rõ rệt những gì chúng ta đang nhận ra và cảm xúc ở tất cả mỗi lúc sống – mà không phê phán hay giải thích). Từ quyển sách đó tôi đã tìm ra ý tưởng về sử dụng baking soda và cốc nước, cách tuyệt vời để minh họa cho những gì tôi đang muốn con hiểu.
Tôi hỏi con: “Con có thấy nước đang rất trong đúng không, đó là cơ thể chúng ta lúc đang bình tĩnh. Chúng ta có thể suy nghĩ một cách rõ ràng.”
Sau đó tôi đổ một thìa baking soda vào và khuấy lên.
“Còn đây là khi chúng ta bị chi phối bởi cảm xúc, ví dụ như giận giữ chẳng hạn. Trông cốc nước lúc này ra sao?”
“Trông rất đục ạ” – thằng bé trả lời.
“Con có thể nhìn xuyên qua nước được nữa không?”.
“Không ạ”.
“Giận giữ, buồn đau và sợ hãi đều là những cảm xúc rất bình thường của một con người. Nhưng chúng lại khiến cho tâm trí của chúng ta mờ đục, giống như cốc nước này vậy, thật khó để suy nghĩ một cách tường minh. Và hãy đợi một lúc xem cốc nước sẽ ra sao nha…”.
Sau một vài phút, baking soda lắng xuống đáy và cốc nước lại trong trở lại.
“Mẹ kìa, nó biến mất rồi, nước lại trong suốt rồi”, thằng bé reo lên.
“Đấy, con thấy chưa. Đôi khi điều chúng ta cần làm là chờ đợi. Đôi khi sẽ mất nhiều thời gian hơn để tâm trí chúng ta bình ổn lại. Nếu con cần sự giúp đỡ để con bình tĩnh lại, mẹ sẽ giúp con. Nhưng điều quan trọng là cứ phải đợi, rồi cuối cùng mọi thứ sẽ lại sáng tỏ thôi, và đến lúc đó con có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn”.
Điều hay ho ở thử nghiệm này là nó giúp con nhìn được bằng mắt những gì diễn ra trong cơ thể chúng ta. Mỗi khi cần, tôi có thể nhắc lại thí nghiệm về cốc nước và thằng bé lại có thể hình dung ra. Và mong rằng nó sẽ giúp thằng bé đợi được “cốc nước” của nó trong trở lại.
Khi sử dụng chánh niệm để giúp trẻ hiểu được về quy tắc hoạt động của cảm xúc, tác giả Greenland đã đưa ra hai ý quan trọng:
Sự tập trung là rất quan trọng. Bất cứ việc gì chúng ta làm để giúp bọn trẻ đều cần khả năng tập trung và xây dựng khả năng tập trung trong trẻ sẽ giúp chúng điều chỉnh bản thân.
Tác giả Michelle Horton và con trai.
Những hoạt động “bình ổn tâm trạng” như vậy sẽ giúp cho trẻ lấy lại bình tĩnh. Như vậy nếu trẻ quá buồn hoặc quá phấn khích về điều gì đó, Greenland khuyên rằng hãy dạy chúng biết ngừng lại, chuyển nhận thức từ việc chúng nghĩ gì đến sang cơ thể chúng thực sự cảm nhận thấy gì.
Tăng cường nhận thức – bằng việc cảm nhận chuyển động bằng hơi thở, cảm nhận được bàn chân đang đặt trên sàn nhà – sẽ có tác dụng làm tâm trí bình ổn lại, bằng việc chuyển sự chú ý từ suy nghĩ sang cảm giác. Sau đó, khi chúng đã bình tĩnh và có thể đợi, chúng sẽ có thể nghĩ thông suốt.
Bản thân tôi chẳng phải chuyên gia, nhưng tôi cũng có vài cách khác để giúp con đối phó với cảm xúc:
– Dạy con tin vào cơ thể mình và chú ý đến 5 giác quan.
– Bài tập thở. Tôi dạy con thở sâu bằng cách để tay lên bụng và cảm nhận sự di chuyển của bụng.
– Nói những câu như “Cảm xúc là điều bình thường, nhưng hành động theo cảm xúc như vậy là không nên”.
– Cho con một không gian an toàn để nói về cảm nhận của mình và cơ hội để nói ra những gì con nghĩ là nói ra sẽ tốt hơn.
– Cố không bao giờ phán xét những cảm xúc của con là tốt hay xấu, nên hay không nên.
Chưa có bình luận.