Categories: Tim mạch

Các triệu chứng cảnh báo bệnh tim mạch

Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân bị bệnh tim mạch ngày càng gia tăng. Với mỗi loại bệnh có những phương thức điều trị khác nhau tuy nhiên người bệnh lại có thể có những biểu hiện triệu chứng giống nhau. Chính vì vậy, bản thân người bệnh phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể nhận biết được đâu là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Triệu chứng cảnh báo của bệnh nhồi máu cơ tim

Đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực: Cảm giác giống như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức hoặc đau… kéo dài vài phút đến vài chục phút. Cơn đau có thường xuất hiện khi gắng sức, đỡ khi nghỉ.

– Cảm giác khó chịu ở những vị trí khác có thể gặp: cũng có thể đau hoặc tức lan ra một hay hai bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm thậm chí ở vùng dạ dày.

– Khó thở: có thể xảy ra kèm hoặc không kèm với tức ngực.

– Các dấu hiệu khác: vã mồ hôi, buồn nôn hay đau đầu…

– Một số trường hợp đau không điển hình hoặc không đau: có thể gặp như mệt lả, khó thở, buồn nôn, nôn, đau lan ra sau lưng hay lên hàm…

Đây là biểu hiện nghi ngờ bệnh nhồi máu cơ tim. Khi gặp người bệnh có biểu hiện triệu chứng như trên, bạn cần gọi người giúp đỡ đồng thời gọi cấp cứu 115 để họ xử trí ban đầu và đưa người bệnh tới bệnh viện, nếu không gọi được cấp cứu 115, bạn cần đưa người bệnh tới bệnh viện ngay lập tức, không để người bệnh tự đi khám. 

Hình tổn thương giải phẫu bệnh nhồi máu cơ tim

Triệu chứng cảnh báo rối loạn nhịp tim

Bình thường trái tim của chúng ta đập rất đều đặn 60-90 nhịp mỗi phút. Vậy khi nào gọi là bị rối loạn nhịp tim: đấy là khi tim bạn đập quá nhanh, quá chậm hoặc đập không đều. Khi bạn bị rối loạn nhịp tim, những biểu hiện thường gặp là:

– Hồi hộp, cảm giác như trống đánh trong lồng ngực.

– Cảm giác tức nặng như bị vật nặng đè vào ngực.

– Choáng váng, thấy mọi vật xung quanh như quay cuồng, nặng hơn có thể ngất, xỉu.

– Khó thở.

– Mệt mỏi.

Triệu chứng cảnh báo bệnh van tim – suy tim

Trái tim chúng ta có 4 lá van: van động mạch chủ, van hai lá, van ba lá và van động mạch phổi. Bốn lá van này hoạt động, đóng mở rất nhịp nhàng giúp cho dòng máu luân chuyển trong hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, trong các trường hợp bệnh lý có thể làm cho van bị hẹp hoặc hở hoặc sa van. Tuỳ thuộc vào mức độ nặng của tổn thương van mà triệu chứng có thể gặp là:

-Khó thở. Khó thở ban đầu chỉ xuất hiện khi hoạt động gắng sức, sau nặng dần khó thở kể cả khi nghỉ ngơi hoặc khi nằm đầu bằng.

– Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt.

– Cảm giác tức nặng ngực như có vật nặng đè vào khi hoạt động hoặc khi ra ngoài trời lạnh.

– Hồi hộp đau trống ngực, bệnh nhân có cảm giác thấy tim đập nhanh, mạnh hoặc đập không đều, có thể có bỏ nhịp.

– Còn trong các trường hợp bệnh van tim dẫn đến suy tim thì còn có thể có thêm các triệu chứng như:

+ Phù chân và mắt cá chân. Có thể có tràn dịch màng bụng làm bụng chướng.

+ Do cơ thể bị tích nước khiến bạn tăng cân nhanh chóng

+ Bệnh nhân có những cơn khó thở kịch phát: đột ngột khó thở dữ dội, vã mồ hôi. Lúc này, bạn cần gọi người cấp cứu và gọi cấp cứu 115 ngay lập tức. Đồng thời phải cho người bệnh nằm đầu cao, cho người bệnh thở oxy nếu có.

Triệu chứng cảnh báo bệnh tim bẩm sinh

Như tên gọi của bệnh “tim bẩm sinh” tức là những khiếm khuyết của tim đã xuất hiện từ lúc bạn còn trong bào thai. Bệnh có thể được phát hiện ngay lúc sinh ra, khi bạn lớn lên hoặc trong một số trường hợp đến tuổi trưởng thành mới tình cờ phát hiện ra bệnh do bệnh nhân không có triệu chứng biểu hiện nào.

Những triệu chứng biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh có thể gặp là:

– Khó thở nhẹ đến nhiều, làm hạn chế hoạt động, sinh hoạt bình thường.

– Biểu hiện của bệnh suy tim như đã trình bày ở trên.

– Trong các trường hợp bệnh tim bẩm sinh có tím, người bệnh có thể có tím da và niêm mạc, tím môi và đầu ngón chân, ngón tay. Có thể có ngón tay to như dùi trống.

– Đặc biệt ở trẻ nhỏ, bệnh tim bẩm sinh có thể làm cho trẻ biếng ăn, bỏ bú, tăng cân chậm, hay bị viêm phổi tái phát.

Hình tổn thương ngón tay dùi trống

Triệu chứng cảnh báo bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim bao gồm có bệnh cơ tim giãn, cơ tim phì đại, bệnh cơ tim hạn chế và bệnh cơ tim chu sản. Trong giai đoạn đầu của bệnh, đa số bệnh nhân không có triệu chứng gì. Chỉ đến khi bệnh đã tiến triển nặng, lúc này mới thể hiện rõ triệu chứng trên lâm sàng, bao gồm:

– Đau ngực xuất hiện khi gắng sức hoặc kể cả khi nghỉ ngơi hoặc sau khi ăn.

– Cảm giác hồi hộp trống ngực, tim đập loạn nhịp.

– Triệu chứng của suy tim (như đã trình bày ở trên).

– Phù chân, bụng chướng dịch.

– Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt.

– Một số các bệnh nhân có thể có các rối loạn về nhịp, đây là biến chứng đáng sợ vì có thể gây ra chết đột tử.

Các biểu hiện ngừng tuần hoàn

Người bệnh đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng xung quanh, gọi hỏi không biết, ngừng thở, tím tái toàn thân, đôi khi có biểu hiện co giật hoặc mềm nhũn, có thể xuất hiện đại tiểu tiện không tự chủ.

Bạn cần gọi người hỗ trợ và gọi cấp cứu 115 ngay lập tức. Đồng thời bạn cần ép tim – thổi ngạt cho người bệnh ngay. Tư thế ép tim như sau: người cấp cứu quỳ bên cạnh nạn nhân. Đặt hai tay của người cấp cứu (bàn tay phải trên mu bàn tay trái) lên 1/3 dưới xương ức của nạn nhân, ấn mạnh đồng thời cả hai tay cho lồng ngực nạn nhân xẹp xuống. Bạn cần ép tim liên tục thậm chí không cần động tác hà hơi thổi ngạt nếu bạn một mình cấp cứu nạn nhân. 

Hình cấp cứu ngừng tuần hoàn

Các dấu hiệu đột quỵ

Đột ngột tê hoặc yếu nửa người (một bên tay chân), ngất hoặc hôn mê, mất hoặc rối loạn khả năng nói, rối loạn thị giác, đột ngột mất thăng bằng và phối hợp các động tác, đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân. Nếu người bệnh có một trong các triệu chứng trên, cần đưa người bệnh tới ngay bệnh viện hoặc phòng cấp cứu gần nhất.

Các triệu chứng cảnh báo tắc động mạch cấp

Đau đột ngột chân hoặc tay: Người bệnh đi đau đột ngột chân hoặc tay, đau dữ dội. Chân hoặc tay đau lạnh, nhợt hơn so với bên đối diện. Đây có thể là biểu hiện tắc động mạch cấp tính của chân hoặc tay. Khi gặp người bệnh có biểu hiện này, bạn cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức để phẫu thuật lấy cục huyết khối trong lòng mạch ở chân hoặc tay của người bệnh.

CNTTCBTG – Bệnh viện Bạch Mai

adminyhoc

Recent Posts

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago

Căng thẳng và sức khỏe đường tiêu hóa có liên quan như thế nào?

Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…

1 week ago

Sức khỏe đường ruột, mức năng lượng tối ưu với chúng ta

Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…

1 week ago