Nghị định về hoạt động tiêm chủng vừa được Chính phủ ban hành có dành một chương về việc bồi thường khi sử dụng các văcxin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) và tiêm chống dịch.
Theo đó, sau tiêm văcxin bắt buộc nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Quy định này bỏ điều kiện chỉ bồi thường khi xác định nguyên nhân do sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do chất lượng văcxin như đề xuất ban đầu.
|
Ảnh minh họa: H.B. |
Cụ thể, người sử dụng văcxin bị thiệt hại để lại di chứng dẫn đến khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc giảm sút. Trường hợp dẫn đến tử vong, ngoài chi phí do khám chữa bệnh, chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở; thân nhân sẽ được Nhà nước bồi thường 100 triệu đồng bù đắp tổn thất về tinh thần và các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo nghị định này tất cả trường hợp xảy ra tai biến nặng (do Hội đồng chuyên môn tỉnh xác định) hoặc tử vong đều sẽ được Nhà nước bồi thường, kể cả nguyên nhân do sốc phản vệ hay bản thân trẻ có bệnh sẵn có… Nếu sau đó xác định nguyên nhân là do lỗi thực hành tiêm chủng hay chất lượng văcxin không đảm bảo thì cá nhân, tổ chức liên quan có trách nhiệm bồi hoàn lại tiền cho Nhà nước.
Nghị định này cũng quy định các điều kiện để đảm bảo an toàn tiêm chủng, quy trình tiêm chủng… Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức điều tra và trong vòng 5 ngày phải họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân dẫn đến tai biến.
Qua 30 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng tại nước, hàng trăm triệu liều văcxin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, rubella… Tỷ lệ tiêm chủng đạt cao đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và phụ nữ. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000. Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ như bạch hầu, ho gà, sởi…. đã giảm hàng trăm lần so với trước.
Tất cả văcxin trước khi được đưa ra sử dụng đều được kiểm nghiệm lại. Tuy nhiên, thực tế không có văcxin nào là an toàn 100%. Vì thế, thi thoảng vẫn có những trường hợp xảy ra tai biến nghiêm trọng, thậm chí tử vong sau tiêm. Nguyên nhân có thể do cơ thể trẻ quá mẫn với văcxin dẫn đến sốc phản vệ, trẻ có bệnh nền sẵn như tim bẩm sinh, viêm phổi… nhưng khi khám sàng lọc không phát hiện được.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…