Tôi 40 tuổi, rất hay bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Tôi nghe nói để chữa tận gốc bệnh thì phải dùng kháng sinh. Vậy quý báo cho biết loại kháng sinh nào trị bệnh tiêu chảy? Tôi xin cảm ơn!
Nguyễn Văn Nam (Hòa Bình)
Bệnh tiêu chảy xảy ra do nhiều nguyên nhân: Nhiễm vi khuẩn, trực khuẩn, nhiễm kí sinh trùng, ngộ độc thực phẩm, nhiễm virut, do dùng thuốc hoặc do rối loạn đường ruột… Bệnh nhân tiêu chảy nặng do vi khuẩn thường được cấp cứu bằng cách bổ sung nước và điện giải nhằm lập lại cân bằng sinh hóa, giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, đó chỉ mới là chữa triệu chứng, muốn trị tận gốc thì phải dùng kháng sinh. Kháng sinh trị tiêu chảy chỉ hiệu quả với tiêu chảy do nhiễm khuẩn, trực khuẩn, nhiễm ký sinh trùng và không có tác dụng với tiêu chảy do virut. Đối với người nhiễm Escherichia Coli sinh độc tố Shiga, việc dùng kháng sinh liều cao sẽ làm tăng sự phóng thích độc tố dẫn đến hội chứng tán huyết – urê huyết cao.
Các loại kháng sinh thường dùng trong điều trị tiêu chảy:
Tetraxyclin: Có tác dụng tốt với tiêu chảy do Vibrio cholerae. Nên uống thuốc 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau ăn (sữa và thức ăn ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc).
Ciprofloxacin: Thuốc hấp thụ nhanh và dễ dàng ở ống tiêu hóa. Thuốc có tác dụng với các vi khuẩn gây bệnh đường ruột nhưng cần dùng đúng bệnh, đúng liều để tránh kháng thuốc.
Norfloxacin: có tác dụng diệt khuẩn với cả vi khuẩn ưa khí Gram dương và Gram âm, lỵ trực khuẩn. Cần thận trọng với bệnh nhân thiểu năng về gan, suy thận, người cao tuổi, người bị bệnh động kinh hay rối loạn thần kinh trung ương.
Neomycin: Thuốc có độc tính cao nên phải dùng rất thận trọng đối với những bệnh nhân bị bệnh ở gan, thận, giảm thính lực. Không dùng cho bệnh nhân tắc ruột, có tổn thương ở niêm mạc tiêu hóa, trẻ em dưới 1 tuổi.
Metronidazol: Là thuốc kháng khuẩn có phổ rộng trên động vật nguyên sinh. Thuốc có tác dụng tốt trong điều trị tiêu chảy kéo dài do Giardia, lỵ cấp tính…
Lưu ý: các loại kháng sinh trên không dùng cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú. Riêng metronidazol chỉ cần tránh dùng ở 3 tháng đầu thai kỳ. Tetraxyclin gây biến màu răng vĩnh viễn, ảnh hưởng tới sự phát triển của xương nên không dùng cho trẻ dưới 14 tuổi. Không dùng ciprofloxacin và norfloxacin cho trẻ em đang lớn do gây thoái hóa sụn khớp ở người chưa trưởng thành.
Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh loại nào để trị tiêu chảy hiệu quả và triệt để thì bạn phải đi khám bệnh để xác định nguyên nhân, được chỉ định cụ thể, không tự ý dùng thuốc, dùng không đúng loại, bệnh sẽ nặng hơn và trở thành mạn tính rất khó chữa.
DS. Thanh Lâm
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…