Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh nhi nhập viện lúc 20h30 đêm mùng 5 Tết, sau khi lọt lòng mẹ một ngày. Bé trai sinh thường, nặng 2,5 kg, không có bất thường gì trong quá trình thăm khám thai kỳ, khi chào đời mới phát hiện những bướu máu lan tỏa toàn thân phát triển với tốc độ rất nhanh, đặc biệt ở vùng đùi bên phải. Xét nghiệm máu cho thấy cháu có rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm ở mức cực kỳ thấp, xuất huyết não.
Xác định tình trạng khẩn cấp có thể ảnh hưởng mạng sống cháu bé, các bác sĩ đã huy động nhóm máu phù hợp để truyền bổ sung tức thời cho bé. Cháu mới 2 ngày tuổi, việc truyền máu, sản phẩm của máu phải phù hợp vừa nhóm máu con lẫn nhóm máu của mẹ. Trong tuần lễ đầu sau khi trẻ chào đời, nếu chỉ truyền nhóm máu phù hợp của con thì sẽ xảy ra phản ứng bất đồng nhóm máu của mẹ.
“Cháu bé chỉ mới 2 ngày tuổi nên máu được truyền bắt buộc phải là máu mới chứ không thể sử dụng máu dự trữ lâu ngày, trong khi dịp Tết đa số là sử dụng máu dự trữ từ người cho trước Tết, việc tìm máu không dễ”, bác sĩ Tâm phân tích. Ngân hàng máu của bệnh viện đã phối hợp cùng Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Chợ Rẫy để huy động đủ lượng máu phù hợp đáp ứng cả hai yêu cầu trên.
Tuy nhiên sau khi được truyền máu, tình trạng cháu bé vẫn không cải thiện như mong muốn. Những khối bướu máu này giống như những hồ chứa khổng lồ, khi truyền máu vào thì bướu này hút hết máu để lớn dần lên trong khi các cơ quan khác trong cơ thể vẫn thiếu máu, đe đọa mạng sống bất kỳ lúc nào. Các bác sĩ từ 10 chuyên khoa của bệnh viện được mời hội chẩn để tìm phương án.
Theo đúng như kế hoạch, cháu bé được áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch để bít các mạch máu nuôi khối bướu, đồng thời giải quyết tình trạng bệnh tim bẩm sinh. Do số lượng mạch máu quá lớn không thể bít tắc toàn bộ, các bác sĩ ngoại khoa đã tiếp tục trải qua 4 giờ mổ để bóc tách trọn vẹn khối bướu lớn nhất tại vùng đùi phải.
Bé trai hồi phục tốt sau mổ. Ảnh: Lê Phương.
Sau hai cuộc can thiệp, tình trạng chảy máu dừng lại, chỉ số rối loạn đông máu được cải thiện. Hiện cháu bé không phải truyền thêm máu, sản phẩm máu. Về lâu dài cháu có khả năng tái phát nhưng tỷ lệ khá thấp. “Nhiều trường hợp bướu máu ôm vào xương không thể lấy trọn, phải đoạn chi, may mắn cháu bé này bướu chỉ nằm ở vùng mô mềm nên đã bóc tách được toàn bộ”, bác sĩ Tâm phân tích.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…