Cây ngũ vị tử. |
Hen phế quản là tình trạng phản ứng cao độ ở phế quản trước nhiều kích thích khác nhau, biểu hiện đặc trưng là cơn khó thở với tiếng rít, cò cử do co thắt cơ trơn phế quản, phù nề niêm mạc và tăng tiết dịch nhày phế quản.
Ở Việt Nam hen phế quản chiếm 18,7% các bệnh phổi và chiếm 5% các cấp cứu nội khoa. Hen phế quản có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Có nhiều nguyên nhân gây hen phế quản, song đều gây ra 2 loại tổn thương chính là viêm mạn tính đường hô hấp và tình trạng tăng cảm ứng của phế quản. Dựa vào nguyên nhân mà người ta chia ra các thể bệnh chính gồm:
Hen dị ứng: Hen thường do kích thích của các tác nhân bên ngoài môi trường như bụi, phấn hoa, lông súc vật và thực phẩm… Cơn hen thường xuất hiện bất ngờ nhưng cũng thoái lui đột ngột, dễ tái diễn. Bệnh thường gặp ở trẻ em và có tính gia đình rõ rệt.
Hen không do dị ứng: Bệnh thường do các vi khuẩn, virút gây viêm đường hô hấp mạn tính.
Hen do thuốc: Có rất nhiều loại thuốc có thể gây ra cơn hen, thường gặp nhất là aspirin.
Hen do nghề nghiệp: Người bệnh hít phải những loại bụi, các chất khí hoặc tiếp xúc các hoá chất kích thích co thắt phế quản và tăng tiết nhầy phế quản.
Cơn hen thường xuất hiện đột ngột, về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Triệu chứng báo trước là hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt hoặc đỏ mắt, ho khan vài tiếng hoặc buồn ngủ. Bắt đầu cơn khó thở chậm, có tiếng cò cử mà người ngoài cũng nghe thấy, khó thở tăng đều dần, phải tỳ tay vào thành giường để thở, mệt mỏi, toát mồ hôi, tiếng nói ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5 đến 10 phút, có khi hàng giờ, có khi cơn liên miên cả ngày không dứt, sau đó giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đờm dãi. Đờm dãi màu trong quánh và dính, khạc được càng nhiều đờm càng dễ chịu. Hết cơn bệnh nhân có thể ngủ thiếp đi.
Trong cơn hen, lồng ngực căng to, các cơ hô hấp phụ nổi rõ, mặt tím tái, khám phổi nghe thấy tiếng rì rào phế nang giảm, có vùng phổi thở bù, nhiều tiếng ran rít và ran ngáy khắp hai phế trường. Gõ lồng ngực trong. Sau cơn hen khám phổi có thể không thấy gì đặc biệt. Khám tim thấy nhịp tim nhanh 120-130 lần/phút, nhịp xoang có khi loạn nhịp ngoại tâm thu, huyết áp tăng.
Khoản đông hoa. |
Nguyên nhân gây bệnh do ngoại cảm phải ngoại tà bên ngoài, ăn uống tình chí thất thường, làm việc quá sức. Về tạng phủ, do sự thay đổi hoạt động của tạng phế và thận, vì phế tuyên giáng và thận nạp khí, bệnh có liên quan mật thiết với đàm. Đàm là sản vật bệnh lý do tỳ hư không vận hóa thủy thấp, thận dương hư không ôn tỳ dương vận hóa thủy cốc và không khí hóa được nước, phế khí hư không hóa giáng thông điều thủy đạo. Trên lâm sàng thấy các hiện tượng đàm nhiều, khó thở ngực đầy tức.
Hen có nhiều thể bệnh với các bài thuốc khác nhau như sau:
Thể hen hàn:
Triệu chứng: Thở gấp, trong hầu có tiếng hen rít, ngực bí, đờm trong loãng, miệng không khát, thích uống nóng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch phù hoạt.
Bài thuốc: Xạ can 10g, tế tân 8g, ma hoàng 12g, ngũ vị tử 6g, bán hạ 6g, tử uyển 8g, đại táo 3 quả, sinh khương 3 lát, khoản đông hoa 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm.
Thể hen nhiệt:
Triệu chứng: Hen suyễn gấp, trong hầu có tiếng khò khè, đàm đặc ho khó ra, trong ngực bí, thở mạnh, miệng khát thích uống lạnh, miệng đắng, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.
Bài thuốc: Bạch quả 10 quả, cam thảo 6g, hạnh nhân 8g, tô tử 12g, hoàng cầm 8g, bán hạ 6g, tang bạch bì 10g, khoản đông hoa 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm.
Lương y Hoài Vũ
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…