Mới đây, lại có thông tin ăn vải gây viêm não Nhật Bản khiến người dân vô cùng hoang mang và có thể gây thiệt hại lớn cho thị trường vải miền Bắc. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho biết vào mùa vải, tức tháng 6-7 cũng là thời gian trùng với tháng cao điểm có nguy cơ dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Đa số ca bệnh do trẻ không tiêm vắc-xin đủ liều
Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua số ca bệnh nhập viện vì viêm não Nhật Bản đang gia tăng, thậm chí có nhiều ca bệnh do sự chủ quan của gia đình mà trẻ đến viện trong tình trạng nặng. Tuy nhiên, trên thực tế đa số trường hợp trẻ mắc bệnh đều do chưa tiêm phòng vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ mũi, trong khi các chuyên gia khuyến cáo tháng 6 và 7 hàng năm thường được coi là đỉnh dịch viêm não Nhật Bản với nhiều ca nhập viện trên khắp cả nước…
PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, người dân cần hiểu đúng về bệnh viêm não Nhật Bản để có thể phát hiện, phòng, chống căn bệnh này một cách hiệu quả. “Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virut gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Do đó, việc ăn quả vải không liên quan đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản” – Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, ổ chứa virut viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên là các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và các loài động vật có xương sống – nơi virut nhân lên, lưu trữ lâu dài trong tự nhiên và phát tán tới vật nuôi gần người, đặc biệt là lợn, sau đó đến trâu, bò, ngựa, dê… và từ đó truyền sang người. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt.
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Các quốc gia lưu hành viêm não Nhật Bản cao bao gồm các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippine.
Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi Tây Bắc nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người. Hàng năm ở nước ta có khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não virut và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản. Từ năm 1997, sau khi triển khai vắc-xin viêm não Nhật Bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, số ca mắc và tử vong do viêm não Nhật Bản đã giảm đi rất nhiều.
Theo TS. Phu, dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp như: Sốt cao đột ngột 39-40oC kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê.
Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10-20%.
Để phòng bệnh hiệu quả, TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo, tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp hiệu quả nhất.
Vẫn còn trường hợp chữa viêm não bằng thầy cúng, vẽ bùa
Thông báo của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, tính đến ngày 25/6, thành phố ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản. Số mắc gia tăng nhanh trong tuần qua với 6 ca bệnh. Viêm não Nhật Bản là bệnh hay gặp vào mùa hè, đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.
Vì thế, để phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các Trung tâm Y tế cấp quận, huyện, xã tăng cường giám sát dịch tại bệnh viện và cộng đồng; kịp thời phát hiện bệnh nhân để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng đôn đốc các đơn vị tổ chức tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đạt tỷ lệ theo quy định.
Số trẻ nhập viện vì viêm não Nhật Bản đang gia tăng tại một số bệnh viện TP. Hồ Chí Minh. Hiện mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận từ 7-10 trẻ mắc bệnh này. Có đến 60% trẻ phải thở máy do có các biến chứng suy hô hấp, sốc. Đa số trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm phòng vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ mũi. BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi bị viêm não Nhật Bản đã có biến chứng suy hô hấp. Tuy nhiên khi thăm khám cho trẻ, các bác sĩ phát hiện trên lưng và bụng bé trai có nhiều vết rạch nguệch ngoạc bằng dao lam. Qua tìm hiểu gia đình cho biết, trước khi nhập viện Nhi đồng 1, gia đình đã đưa cháu đến một thầy cúng và được vẽ bùa để trị bệnh. Mặc dù vậy, theo BS. Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm đã từng tiếp nhận nhiều ca tương tự, trong khi phụ huynh không biết rằng việc dùng dao lam rạch lên người bệnh nhi có thể gây nhiễm khuẩn máu nguy hiểm.
Thái Bình
Nguồn: SKDS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…