|
Các khách mời chụp ảnh kỷ niệm tại VnExpress. |
– Thưa bác sĩ, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ung thư, độ tuổi nào dễ mắc và các phòng và điều trị như thế nào. Cảm ơn bác sĩ. (Võ Minh Kha, 34 tuổi, Hà Nội)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Ung thư là loại bệnh có nhiều nguyên nhân và rất đa dạng. Có thể chia thành các nhóm nguyên nhân như sau:
– Nhóm các nguyên nhân có thể phòng tránh: 80% nguyên nhân ung thư ở nhóm này bao gồm: thuốc lá; ô nhiễm môi trường; ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước; bệnh nghề nghiệp (hóa chất trong công nghiệp); tia phóng xạ; virus; vi khuẩn…
– Nhóm các nguyên nhân không thể phòng tránh: tuổi cao; giới tính; địa lý; chủng tộc; gen di truyền… Loại nguyên nhân này chỉ chiếm 20%.
Người cao tuổi dễ mặc ung thư hơn trẻ tuổi vì thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ về môi trường lâu hơn, nhiều hơn. Tuổi thọ cũng là một yếu tố nguy cơ vì tế bào của cơ thể phải sinh sản quay vòng nhiều lần thì nguy cơ sai sót trong quá trình sinh ra tế bào mới càng cao.
Để phòng bệnh ung thư bạn hạn chế tiếp xúc các yếu tố nguy cơ từ môi trường: không hút thuốc lá, an toàn vệ sinh thực phẩm, không dùng thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản tăng trọng; phòng tránh các virus gây viêm gan B, C, HPV (virus gây u nhú); bảo hộ lao động. Ngoài ra, tăng cường rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
– Chào chị Phượng! Sau 2 năm chống chọi với ung thư, hiện tại sức khỏe chị thế nào? Chị chia sẻ giúp quá trình điều trị bệnh của mình. Xin cảm ơn! (An Đồng, 25 tuổi, Hà Nội)
– Diễn viên Kim Phượng: Xin chào bạn! Sau 2 năm chống chọi với bệnh ung thư, hiện tại, sức khỏe của Phượng đã ổn định và đã có thể trở lại với công việc và có đủ thời gian, sức khỏe chăm sóc gia đình. Và có thêm một niềm vui mới rất tuyệt vời là làm mẹ. Chúc bạn sức khỏe và không bao giờ phải đối mặt với căn bệnh này.
– Thưa ông Anh Tuấn, ông đưa ra loại hình bảo hiểm nhân thọ cho người bị ung thư. Vậy có phải điều đó càng khiến người bệnh lo lắng hơn không? (Le Thanh Hoa, 37 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội)
– Ông Lưu Anh Tuấn – Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ VietinAviva: Chào bạn! Ung thư nói riêng và bệnh tật nói chung là những nguy cơ đang diễn ra trên thực tế và chúng tôi đưa ra các giải pháp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe để giúp khách hàng có được kế hoạch tốt nhất cho mình giảm thiểu được các ảnh hưởng của bệnh tật trong tương lai. Điều này giúp cho người dân Việt Nam có được sự yên tâm (Peace of Mind) trong cuộc sống của mình.
Khi mắc bệnh, ảnh hưởng về tài chính là rất lớn (chi phí điều trị, mất thu nhập…), và với các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay người bệnh rất cần các khoản hỗ trợ tài chính mạnh mẽ để có cơ hội vượt qua bệnh tật. Chúng tôi hiểu điều này và đưa ra các sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.
– Tôi hút thuốc lá nhiều, thời gian gần đây hay bị đau sau lưng. Cách đây khoảng 3 tháng cha vợ tôi mất do bệnh ung thư phổi, tôi cũng thường tới lui thăm nuôi ông một thời gian.Vậy, nhờ bác sĩ tư vấn cho tôi cách phòng tránh ung thư phổi. (Trần Hoàng, 37 tuổi, Tỉnh Hậu Giang)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Bệnh ung thư phổi không phải là bệnh lây nhiễm nên việc bạn lui tới thăm thường xuyên không ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Để phòng tránh ung thử phổi, đầu tiên, bạn cần ngừng hút thuốc lá. Thứ hai không nên tiếp xúc nhiều với môi trường nhiều khói thuốc lá vì khói thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Theo nghiên cứu, 90% người bệnh ung thư phổi có liên quan tới yếu tố thuốc lá. Do bạn đã hút thuốc nhiều nên không thể mất ngay nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, chỉ có thể giảm dần. Nếu cai thuốc sau 10 năm thì nguy cơ măc ung thư sẽ giảm đi gần như người không hút thuốc lá. Chúc bạn thành công!
|
giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương. |
– Tôi bị ung thư đại tràng góc gan, đã phẫu thuật cắt bỏ, có 4 hạch, sinh tiết kết quả: T3, NoMo; chưa đi căn hạch, đã điều trị truyền 12 đợt hoá chất (5-Floruaracil 250 và Natricloric 0,9) kết thúc thang 11/2014, hiện nay kiểm tra CEA là: 1,27, Ca19-9: 4, 79 thì có tốt không, cần dùng thuốc gì để chống di căn và tái phát xin giáo sư tư vấn giúp, cảm ơn giáo sư nhiều (Vũ ngọc quyết, 41 tuổi)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Ung thư đại tràng là loại ung thư phổ biến của đường tiêu hóa. Việc điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng có ung thư và lấy các hạch trong ổ bụng để kiểm tra. Kết quả phẫu thuật của bạn chưa có di căn hạch. Đây là tiên lượng tốt. Việc điều trị như vậy đã hoàn chỉnh, các kết quả xét nghiệm chứng tỏ bệnh ổn định. Bạn không cần phải điều trị gì thêm chỉ cần theo dõi, khám lại định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Tôi thấy khi mắc bệnh ung thư thì ngoài về tinh thân suy sụp thì kinh tế cũng bị ảnh hưởng rất lớn và có thể sạt nghiệp nếu như chịu đầu tư. Vậy có cách nào để phòng chống xử lý khi bệnh ung thư không chừa một ai bất cứ lúc nào không? (Lưu Thế Anh, Cầu giấy Hà Nội)
– Ông Lưu Anh Tuấn: Bạn nói hoàn toàn đúng, ảnh hưởng về tài chính thực sự rất lớn đối với người mắc bệnh hiểm nghèo nói chung và ung thư nói riêng. Vì thế, mỗi chúng ta nên có những kế hoạch cho riêng mình, càng sớm càng tốt và kế hoạch càng dài hạn càng tốt khi mình còn có sức khỏe và điều kiện kinh tế ổn định. Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là giải pháp rất tốt chuẩn bị cho tương lai của mỗi cá nhân và mỗi gia đình.
– Thưa bác sĩ! Mẹ tôi bị ung thư vú cách đây 15 năm. Gần đây tôi đi khám bệnh viện sản khoa cũng phát hiện tuyến vú bên phải của tôi cũng có một khối u xét nghiệm là lành tính. Xin hỏi bác sĩ vậy khối u của tôi có nguy cơ trở thành ác tính không, khối u của tôi phải xử lý như thế nào a xin bác sĩ tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Phạm Thu Hằng, 34 tuổi)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Mặc dù bệnh có một tỷ lệ nhỏ có liên quan tới gen di truyền nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này rất thấp, chỉ khoảng 1-2%. Vì vậy bạn có yếu tố gen di truyền cũng sẽ rất thấp. Nếu bạn đi khám đã phát hiện có khối u lành tính thường là ngẫu nhiên, nhiều người mắc nên phẫu thuật lấy khối u là đủ. Nếu bạn trên 40 tuổi nên đi khám sàng lọc phát hiện sớm định kỳ hàng năm.
– Tôi rất muốn tham gia mua bảo hiểm cho bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền thì phải làm thế nào? (Phạm Tuấn, Hà Nội)
– Ông Lưu Anh Tuấn: Cảm ơn bạn đã quan tâm tới giải pháp bảo hiểm cho bệnh hiểm nghèo. Hiện nay, có các giải pháp bảo hiểm chi phí hợp lý với mức độ bảo vệ cao. Ví dụ: bạn chỉ cần tiết kiệm mỗi ngày một khoản tiền tương đương với hai cốc trà nóng – khoảng 7.000 đồng – là có thể có một giải pháp tài chính với mức chi trả lên tới gần một tỷ đồng khi không may mắc bệnh hiểm nghèo.
|
Ông Lưu Anh Tuấn |
– Ông ngoại cháu năm nay 81 tuổi, cách đây một tháng ông được các bác sĩ chẩn đoán bệnh u gan đa ổ giai đoạn cuối và đang di căn. Gia đình cháu biết là sẽ không chữa khỏi bệnh cho ông được, nhưng ông bà ta thường nói, “có bệnh thì vái tứ phương”. Bác cho cháu hỏi vậy bây giờ, để kéo dài thời gian sống cho ông cháu thì dùng các loại thuốc nam có kìm hãm được sự phát triển của bệnh không ạ? Bác cho cháu hỏi thêm là chế độ dinh dưỡng cho người bệnh như thế nào là tốt nhất. (Nguyễn Thị Kiều Oanh, 25 tuổi, 24, Nguyễn Chí Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương:
Ung thư gan là loại bệnh nặng, lại trên cơ địa người cao tuổi và bệnh ở giai đoạn cuối và di căn thì việc điều trị chỉ mang tính chất giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng sống trong giai đoạn còn lại. Việc điều trị phải do các cơ sở y tế quyết định. Có thể dùng thuốc nam nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng như: giảm đau, lợi tiểu, lợi mật, an thần… nhưng không kìm hãm được bệnh. Việc dinh dưỡng tùy theo khả năng hấp thu nếu ăn được là tốt nhất còn nếu hạn chế ăn uống, có thể truyền theo đường tĩnh mạch.
– Thưa giáo sư, ung thư đại tràng và trực tràng có mấy thể tế bào? Loại nào là ác tính nhất? cho đến nay thì loại tế bào nào có thể chữa khỏi hoàn toàn, loại nào phải sống chung với thuốc điều trị liên tục và loại nào là y học chưa thể điều trị được? Cảm ơn giáo sư. (Nguyễn Thanh Thủy, 42 tuổi, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Ung thư đại trực tràng thường là loại ung thư tế bào biểu mô tuyến. Loại tuyến chế nhầy là ác tính hơn. Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ loại ung thư tế bào mô đệm của đường tiêu hóa hoặc u lympho. Dù là loại tế bào nào thì việc điều trị ở giai đoạn sớm, chưa di căn có thể khỏi hoàn toàn. Nếu để muộn, di căn sang các bộ phận khác đều nguy hiểm và khó chữa.
– Xin chị Kim Phượng chia sẻ về lịch sinh hoạt hàng ngày cũng như cách ăn uống, chăm sóc để giữ gìn sức khỏe? (An Hân, 32 tuổi, số 31 Võ Văn Tần, TP HCM)
– Diễn viên Kim Phượng: Việc sinh hoạt hằng ngày là bình thường so với một diễn viên, nhưng với người bệnh thì hơi khắc nghiệt. Ngày mới của Phượng bắt đầu từ 5h sáng, chuẩn bị cho bé đi học tới khoảng 6h là bắt đầu lái xe đến phim trường. Khoảng 20h Phượng trở lại nhà tranh thủ làm việc, đọc sách cho em bé sau đó tập thể dục 30 phút, có thể là yoga… Công việc của Phượng thường kết thúc vào 22h.
Về cách ăn uống, chế độ dinh dưỡng, dù ở nhà hay phim trường, Phượng thường ăn theo chế độ đơn giản nhưng khá hiệu quả và tốt cho sức khỏe: ăn nhiều chất xơ như rau, trái cây… và đặc biệt uống nhiều nước. Ngoài ra, trong lúc làm việc, Phượng tranh thủ vận động nhẹ nhàng, refesh lại cơ thể để tinh thần thoải mái hơn, làm việc hiệu quả hơn đồng thời giúp cơ thể trao đổi chất dễ dàng hơn.
Đặc biệt, Phượng luôn áp dụng chế độ ăn ngược từ khi phát hiện ra bệnh tới giờ nhằm giúp cơ thể dễ hấp thụ, dễ đào thải độc tố, vẫn đầy đủ dưỡng chất mà không tăng cân. Như thông thường, mình sẽ ăn tinh bột (cơm, bún, phở…), món mặn chứa nhiều protein như thịt, cá…, các món xào; rau, canh, trái cây và uống nước. Tuy nhiên, Phượng đã và đang áp dụng theo cách ngược lại: uống 1 ly nước trước bữa ăn từ 20-30 phút sau đó mình mới ăn trái cây, ăn canh; những món có nhiều protein như món xào, món mặn và các loại tinh bột sẽ ăn sau cùng. Như vậy, ta vẫn nạp đủ chất và năng lượng cho cơ thể nhưng sẽ làm hạn chế tinh bột và giúp giảm cân một cách tự nhiên. Tuyệt đối, bạn không được nhịn ăn.
Chúc bạn thành công và có sức khỏe dẻo dai!
|
Diễn viên Kim Phượng |
– Chữa bệnh ung thư có tốn kém không? Tư vấn cho tôi cách chủ động về tài chính để chẳng may bệnh đến có thể yên tâm chữa trị? (Lưu Việt Tùng, Hà Nội)
– Ông Lưu Anh Tuấn: Một khi mắc bệnh hiểm nghèo nói chung và ung thư nói riêng, bệnh nhân và gia đình luôn luôn tốn một khoản tiền rất lớn, bao gồm: chi phí chữa trị ban đầu, chi phí bù đắp cho việc giảm thu nhập do mất sức khỏe và không còn khả năng lao động… Ngoài ra, với tiến bộ khoa học kỹ thuật, khả năng vượt qua bệnh tật càng ngày càng cao, vì vậy, người bệnh cần các khoản chi phí trợ giúp phục hổi sức khỏe. Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ luôn là giải pháp tài chính tốt đối với trường hợp này.
Sản phẩm mới nhất của VietinAviva – Phát Bảo An – với ung thư là một trong 5 bệnh hiểm nghèo trọng tâm được bảo hiểm. Quyền lợi của sản phẩm bám sát nhu cầu thực tế của người bệnh, bao gồm:
– Chi trả 100% mệnh giá bảo hiểm khi khách hàng bị chuẩn đoán mắc bệnh.
– Chi trả tiếp mỗi tháng 5% mệnh giá bảo hiểm trong vòng 12 tháng sau đó để hỗ trợ giảm thu nhập cho người bệnh.
– Chi trả hai lần, mỗi lần 10% mệnh giá bảo hiểm ngay sau khi kết thúc quá trình chi trả trợ cấp thu nhập và 6 tháng sau đó.
– Tổng quyền lợi chi trả lên tới 180% mệnh giá bảo hiểm với chi phí hợp lý.
Bạn cũng có thể có các kế hoạch rất tốt khác thông qua các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ bảo hiểm Bệnh hiểm nghèo bán kèm với các sản phẩm phấm Tiết kiệm – Đầu tư của công ty giúp cho gia đình vượt qua khó khăn tài chính khi mắc bệnh, bảo hiểm bệnh ung thư dành cho cha mẹ để đảm bảo nguồn tài chính hỗ trợ các quỹ học vấn dành cho con (sản phẩm Phát Lộc Đăng Khoa, Phát Lộc Khôi Nguyên).
– Xin chào bác sĩ. Bác sĩ cho tôi hỏi? cách nhận biết dấu hiệu của bệnh ung thư là như thế nào. Có thể nhận biết từng loại bệnh ung thư được không và cách phòng ngừa như thế nào? (Hoàng Anh, 39 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Bệnh ung thư có thể xuất hiện ở tất cả các bộ phận của cơ thể vì vậy các dấu hiệu của bệnh ung thư thường không điển hình. Khi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, phải sàng lọc tầm soát mới phát hiện được bệnh. Khi bệnh phát triển, tùy theo xuất phát ở bộ phận nào sẽ mang các triệu chứng của bộ phận đó. Các dấu hiệu báo động có thể là:
– Có một vết loét lâu lành
– Ho hoặc đau ngực dai dẳng
– Có một u, cục ở vú hoặc một bộ phận nào của cơ thể
– Có một nốt ruồi to lên nhanh và chảy máu
– Xuất hiện hạch ở cổ, nách, bẹn hoặc ở một nơi nào bất thường
– Rối loạn bài tiết, đường tiêu hóa hoặc đường tiểu tiện
– Ra máu bất thường ở âm đạo (không phải trong kỳ kinh nguyệt)
– Ù tai, nhìn một hóa hai hình, nuốt nghẹn, đau nửa đầu
– Xanh xao, gầy sút nhanh không rõ nguyên nhân
Nếu bạn có một trong các dấu hiệu trên không phải đã chắc chắn bị ung thư nhưng nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa khám để loại trừ.
– Thưa Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Bá Đức!
Con trai cháu năm nay 17 tuổi có một khối u bên thành ngực phải, đi khám tại Bệnh viện Đại học y Hà nội họ kết luận là tụ máu thành ngực phải và tiến hành phẫu thuật. Qua phẫu thuật họ phát hiện ra là khối u và kiểm tra sinh thiết thì Bệnh viện Đại học y kết luận cháu bị u ác tính giai đoạn 2, quá hoang mang với kết quả trên cháu gửi bệnh phẩm ra viện K để xét nghiệm lại thì kết quả được thông báo vào sáng hôm nay vẫn là K giai đoạn 2. Vậy cháu xin hỏi Giáo sư là với bệnh giai đoạn 2 của con cháu có thể chữa bằng cách nào để kìm hãm triệt để sự phát triển bệnh tình của cháu không? và sau khi chữa liệu con cháu có được ổn định lâu dài không? Hiện nay cháu rất hoang mang và mong Giáo sư cho cháu một lời khuyên! (Tô Hiến Thụy, 40 tuổi, 86 Lê Trọng Tấn – Thanh Xuân – Hà Nội)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Xin chia sẻ sự lo lắng của bạn. Bạn chưa nói rõ khối u của thành ngực của con bạn đã được các bác sĩ chẩn đoán là ung thư gì? Bạn nên đưa con đến cơ sở chuyên khoa ung thư (bệnh viện K hoặc bệnh viện Ung bướu Hà Nội, trung tâm y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai) để các thầy thuốc có phương án điều trị cho con bạn. Ở đây có đầy đủ các phương tiện phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác. Bạn nói con bạn bị K giai đoạn 2 tuy chưa rõ là K gì (u lympho, bệnh Hodgkin, ung thư của tổ chức cơ, xương…). Mỗi loại sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Giai đoạn này cũng là tương đối sớm nếu điều trị đúng sẽ có kết quả tốt.
– Chào chị Phượng, sau 2 năm điều trị, chị đã khi nào nhẩm tính, số tiền mà chị bỏ ra vào khoảng bao nhiêu ạ. Ung thư là bệnh không chỉ hủy diệt sức khỏe mà tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Mong chị chia sẻ (Miên Man, 39 tuổi, Hà Nội)
– Diễn viên Kim Phượng: Huhu, số tiền cũng hơi lớn. Nó gần như mất tiêu cả số tiền Phượng dành để đi du học. Bây giờ ngồi nhìn lại rất mừng vì Phượng đã may mắn vượt qua căn bệnh ung thu quái ác này. Tuy nhiên, giá như lúc đó có một sản phẩm bảo hiểm đồng hành, bảo trợ cho sức khỏe thì bây giờ Phượng đã bớt nghèo đi :). Cho nên, khi đồng hành với chương trình “Vì phụ nữ, vì ngày mai” của Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng, Phượng đã gặp rất nhiều chị em ở nhiều hoàn cảnh khác nhau và họ đều có một nỗi lo chung: nếu có điều gì bất trắc xảy ra với sức khỏe thì ai sẽ tư vấn cho mình, tiền đâu để trị bệnh và ai sẽ lo cho gia đình, chồng con, ba mẹ. Với những kinh nghiệm Phượng đã trải qua khi mắc căn bệnh ung thư vú quái ác, Phượng thường khuyên mọi người chuẩn bị cho mình một gói bảo hiểm về sức khỏe để phòng khi bất trắc và giảm gánh nặng về tài chính cũng như tinh thần là rất lớn. Bảo hiểm chỉ tốn một khoản tiền nhỏ nhưng nó sẽ hỗ trợ ta rất lớn khi sức khỏe phải đối diện với những điều không mong muốn.
– Tôi bị ung thư thận giai đoạn 1, vừa cắt bỏ cục u ác, kích thước 3cm. Mong bác sĩ tư vấn sau khi mổ xong thì căn bệnh sẽ diễn tiến thế nào, tôi cần làm các xét nghiệm gì để tầm soát và kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cần chú ý vấn đề gì để khống chế căn bệnh tốt nhất. Tuổi thọ của tôi sẽ kéo dài đến bao nhiêu? (Viet An, 41 tuổi)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Ung thư giai đoạn một là giai đoạn rất sớm. Nếu đã được phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi khối u hoặc cắt một bên thận thì khả năng khỏi hẳn là rất cao. Sau phẫu thuật, không cần điều trị thuốc gì thêm. Bạn ăn uống như người bình thường. Chỉ cần khám định kỳ: khám lâm sàng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nước tiểu nếu cần thiết là đủ.
|
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức. |
– Xin cho tôi hỏi có bảo hiểm nào hỗ trợ chi phí khám không? Xin cảm ơn! (Nguyen Anh Son, 31 tuổi, Gia Lam, Ha Noi)
– Ông Lưu Anh Tuấn: Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chi phí y tế dành cho cá nhân, gia đình. Bạn hoàn toàn có thể tham gia các gói bảo hiểm này để có được sự hỗ trợ về chi phí khám chữa bệnh khi cần thiết.
– Chào Bác sĩ Đức! Bố tôi năm nay 66 tuổi, ban đầu ông được chuẩn đoán thoái hóa cột sống, chân đi lại đau được bác sĩ tư vấn mổ cột sống. Sau khi mổ, tái khám lần 3 thì bác sĩ nói bố tôi bị ung thư xương đã di căn giai đoạn 4. Như vậy bố tôi có phải do mổ phẫu thuật sử dụng giao kéo nên bị di căn? tại sao bác sĩ lại không phát hiện bệnh ngay từ lúc ban đầu? Hiện nay bố tôi đã vào hóa chất được 6 lần xin bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi? Gia đình tôi không có ai bị ung thư, bây giờ bố tôi bị ung thư vậy bệnh có di truyền về sau không? (Nguyen Thi Huong, 30 tuổi, TP HCM)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Ung thư xương không phải là bệnh di truyền. Bạn không nói rõ bố bạn được mổ ở cơ sở y tế nào? Việc chẩn đoán là ung thư xương có dựa trên mô bệnh học hay không? Là ung thư nguyên phát của xương cột sống hay di căn của nơi khác đến cột sống? Lần mổ đầu tiên chưa chẩn đoán được ngay là ung thư có thể do kinh nghiệm của thầy thuốc chứ không phải phẫu thuật, “đụng dao kéo” mà biến thành ung thư. Bố bạn nên theo hướng dẫn về điều trị, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi của bác sĩ điều trị của mình.
– Chính sách bảo hiểm hỗ trợ khi người bệnh điều trị ung thư được áp dụng như thế nào? (Linh, 25 tuổi, Hà Nội)
– Ông Lưu Anh Tuấn: Chào bạn! Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình, bạn nên cân nhắc tham gia các gói bảo hiểm nhân thọ nói chung và các hợp đồng bảo hiểm bệnh hiểm nghèo nói riêng càng sớm càng tốt, kế hoạch càng dài hạn càng tốt. Hiện nay, VietinAviva có nhiều sản phẩm bảo hiểm dành cho bệnh hiểm nghèo, trong đó bảo hiểm cho bệnh ung thư là một trong những trọng tâm của công ty.
Bảo hiểm bệnh ung thư có thể được cung cấp thông qua các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ đi kèm với các sản phẩm phấm Tiết kiệm – Đầu tư của công ty giúp cho gia đình vượt qua khó khăn tài chính khi mắc bệnh, bảo hiểm bệnh ung thư dành cho cha mẹ để đảm bảo nguồn tài chính hỗ trợ các quỹ học vấn dành cho con (sản phẩm Phát Lộc Đăng Khoa, Phát Lộc Khôi Nguyên). Đặc biệt, sản phẩm mới nhất của công ty – Phát Bảo An – với ung thư là một trong 5 bệnh hiểm nghèo trọng tâm được bảo hiểm, chi trả chi phí điều trị, trợ cấp giảm thu nhập và chi phí phục hồi sức khỏe.
|
Ông Lưu Anh Tuấn |
– Xin hỏi Diễn viên Kim Phượng, những triệu chứng, biểu hiện như thế nào trong giai đoạn mới chớm mình có thể tự kiểm tra và phát hiện sớm đối với bệnh ung thư vú? (Lê MInh Hằng, 28 tuổi, Ngõ 285 Đội Cấn Ba Đình Hà Nội)
– Diễn viên Kim Phượng: Chào bạn! Ung thu vú có những triệu chứng, biểu hiện tùy theo giai đoạn phát bệnh. Với Phượng, biểu hiện đầu tiên là có một cái hạch nhỏ bằng 1,4cm ở bên ngực. Rất lo lắng nên ngay hôm sau, Phượng đã đến bệnh viện khám. Sau khi làm một số xét nghiệm chuyên môn thì phát hiện đó là khối u ác tính – ung thư vú giai đoạn 1. Trong khi đó, Phượng mới ngoài 20 tuổi.
Sau đó, Phượng nhận ra một điều: bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư vú đối với phụ nữ không chừa bất cứ ai. Chúng ta nên để ý đến sức khỏe, chị em phụ nữ nên tự khám vú thường xuyên sau mỗi kỳ nguyệt san. Nếu có bất cứ điều gì bất thường, chúng ta cần đến ngay bệnh viên chuyên khoa để kiểm tra, thăm khám và làm theo hướng dẫn, pháp đồ điều trị của bác sĩ. Đặc biệt, với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, hoặc có mẹ, chị em gái ruột bị ung thư vú thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ mỗi năm một lần nhằm phát hiện ung thư vú sớm và điều trị hiệu quả.
– Kính chào giáo sư Nguyễn Bá Đức, mẹ tôi bị ung thư phổi di căn lên não. Hiện uống thuốc tarceva mỗi ngày một viên. Hàng ngày mẹ tôi ngồi thiền và uống nước sắc từ lá và hoa đu đủ, không biết theo bác sĩ thì mẹ tôi nên có chế độ dinh dưỡng ăn uống như thế nào là hợp lý. Rất mong câu trả lời từ bác sĩ. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Huỳnh Tâm, 29 tuổi, Pleiku, Gia Lai)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Mẹ bạn nên theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Việc điều trị thuốc tarceva là thuốc trúng đích nhằm hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy vậy cũng chỉ kéo dài một thời gian nhất định. Việc phối hợp điều trị với thiền là việc tốt nhằm ổn định tư tưởng và an thần. Việc uống nước sắc từ lá và hoa đu đủ cần thận trọng vì có thể gây rối loạn, tổn thương đường tiêu hóa. Nếu có biểu hiện khó chịu nên ngừng. Chế độ dinh dưỡng, ăn uống đối với người bệnh ung thư không có gì đặc biệt. Có thể ăn tất cả những thức ăn mà người bệnh thấy thích, ngon miệng, không phải kiêng, trừ phi chất đó gây khó chịu.
– Chào ông Tuấn! Xin ông chia sẻ một số sản phẩm bảo hiểm (ung thư hoặc bệnh hiểm nghèo) mà công ty đang có? Cảm ơn ông và Vnexpress. (Pham Dang Dung, 33 tuổi, Tân Hiệp Biên Hòa Đồng Nai)
– Ông Lưu Anh Tuấn: Hiện nay, VietinAviva có nhiều giải pháp bảo hiểm bệnh hiểm nghèo cung cấp đến khách hàng:
– Sản phẩm Phát Bảo An: bảo hiểm 5 bệnh hiểm nghèo chính (ung thư nghiêm trọng, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận mạn, suy gan mạn), chi trả chi phí chữa bệnh, trợ cấp giảm thu nhập và chi phí phục hồi sức khỏe.
– Bảo hiểm bệnh ung thư dành cho cha mẹ đảm bảo quỹ học vấn cho con trong tương lai được tích hợp trong sản phẩm Phát Lộc Đăng Khoa, Phát Lộc Khôi Nguyên.
– Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo (5 bệnh) và các bệnh lý dành riêng cho khách hàng nam và nữ.
– Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo dành cho trẻ em (9 bệnh).
Khách hàng có thể mua các sản phẩm độc lập hoặc tích hợp với các gói bảo hiểm tiết kiệm – đầu tư phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
– Làm thế nào để phát hiện ung thư sớm? Ở tuổi nào thì nên quan tâm đến việc mình có bị ung thư hay không? (Vũ Thành Long)
– Diễn viên Kim Phượng: Chúc mừng bạn, qua câu hỏi trên, Phượng thấy bạn là người biết quan tâm đến sức khỏe. Theo Phượng, với những gì đã trải qua khi đối diện với căn bệnh ung thư cũng như quá trình tiếp xúc với các bệnh nhân khác, trong đó có những người mới mắc bệnh ung thư ở giai đoạn 0, giai đoạn 1 hoặc những giai đoạn nặng hơn thì phương pháp hữu hiệu nhất để phát hiện ung thư sớm là tầm soát ung thư sớm. Có một câu nói, cũng là tựa đề của cuốn sách “Ung thư biết sớm trị lành” của GSTS.BS Nguyễn Chấn Hùng, theo Phượng, câu này là chân lý, càng phát hiện ung thư sớm thì khả năng chữa trị khỏi bệnh càng cao.
Bạn hãy vui sống, yêu sức khỏe của mình và sinh hoạt, ăn uống lành mạnh. Khi cảm thấy sức khỏe bất thường, bạn nên đến bệnh viện khám và nghe theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị cho mình một gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
Chúc bạn an tâm vui sống!
|
Diễn viên Kim Phượng |
– Ba tôi cũng từng bị ung thư phổi và đã qua đời do không có những phát hiện sớm nên khi tái phát thì đã là giai đoạn cuối. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi ở tuổi nào thì nên đi khám và xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm? và xét nghiệm ở đâu? (Dương Công Minh, 32 tuổi, 195-197 Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP HCM)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương:
Tầm soát phát hiện sớm ung thư là rất cần thiết. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, việc điều trị vừa đơn giản, ít tốn kém mà kết quả khỏi bệnh cao. Tuy vậy, chỉ một số loại ung thư có biện pháp tầm soát phát hiện sớm tương đối đơn giản, rẻ tiền mà độ chính xác cao như ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, da. Những loại ung thư khác ở sâu trong cơ thể đòi hỏi biện pháp phát hiện tốn kém, đắt tiền hơn và khó phát hiện sớm hơn (chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, nội soi…)
Mỗi loại ung thư sẽ có các biện pháp tầm soát khác nhau. Những người có nguy cơ cao (nghiện thuốc lá, bị tiền sử viêm gan B, viêm loét dạ dày mãn tính, rối loạn tiêu hóa kéo dài, ho kéo dài…) nên đi tầm soát, phát hiện sớm. Những người trên 40 tuổi cũng nên mỗi năm đi khám một lần ở các cơ sở chuyên khoa ung bướu.
– Kính thưa bác sỹ! Em bị ung thư vú phải (ung thư tại chỗ, giai đoạn 0), em đã phẩu thuật và tái tạo lại vào tháng 6/2015. Sau phẩu thuật thì bệnh viện cho em xuất viện và cho phiếu hẹn tái khám sau 6 tháng.
Bác sỹ có thể vui lòng tư vấn giúp em, trường hợp của em thì nguy cơ tái phát bệnh có cao hay không? (vì em không có uống thuốc hay điều trị gì cả). Nếu em lập gia đình thì em có thể có con được hay không? Em cần làm gì để có thể để ngăn chặn sự tái phát bệnh.
Em xin chân thành cảm ơn bác sỹ. (Thu Thảo, 39 tuổi)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Bạn thật may mắn ở giai đoạn rất sớm (giai đoạn 0) chỉ cần phẫu thuật là đủ và bệnh của bạn đã khỏi hẳn. Nguy cơ tái phát gần như bằng 0. Bạn vẫn có thể lập gia đình, nuôi con như bình thường.
|
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức |
– Chào GS Nguyễn Bá Đức.
Chàu năm nay 33 tuổi, tháng 5 vừa rồi mới cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp do bị ung thư. Hiện nay cháu đã có thể trở lại với công việc, vẫn đều đặn uống hocmon mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ, xét nghiệm cho thấy liều lượng đầy đủ nhưng nhận thấy sức khỏe giảm sút so với trước khi bị bệnh. Bác cho cháu hỏi tình trạng sức khỏe của cháu có thể phục hồi theo thời gian không? Cháu có thể sinh thêm con không với tình trạng uống thuốc mỗi ngày có gây ảnh hưởng gì không? Và thời gian phù hợp để mang thai là sau bao lâu? BS điều trị bảo cháu chỉ uống thuốc liên tục 3 năm, nhưng nếu ngưng thuốc thì làm sao sản sinh hocmon điều hòa cơ thể. Cảm ơn bác đã tiếp nhận câu hỏi của cháu. Chúc bác nhiều sức khỏe ạ. (Nguyễn Lê Quỳnh Anh, 33 tuổi, 861/20/19/10 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q7)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương:
Sau cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp bạn cần phải hormon tuyến giáp suốt đời để thay thế chức năng tuyến giáp đã mất. Thường sau một thời gian ngắn (3-6 tháng), sức khỏe của bạn sẽ phục hồi. Bạn vẫn có thể sinh con như bình thường. Nếu bạn có điều trị bằng thuốc iot phóng xạ thì thời gian mang thai phải cách thời gian ngừng thuốc tối thiểu một năm.
– Thưa anh, em thấy bây giờ các công ty bảo hiểm… đều có các sản phẩm dành cho bệnh hiểm nghèo. Vậy với tình hình tài chính vừa đủ, làm sao để em có thể biết sản phẩm của công ty nào là ưu việt nhất? (nguyễn ngọc Tự, 28 tuổi, ha noi)
– Ông Lưu Anh Tuấn: Chào bạn! Mỗi công ty đều có những sản phẩm tốt phục vụ khách hàng. Để có lựa chọn phù hợp nhất, bạn nên có các đánh giá cân nhắc kỹ trên các yếu tố:
– Các đặc tính sản phẩm và phạm vi bảo hiểm.
– Thiết kế sản phẩm (phạm vi bảo hiểm, kế hoạch chi trả…) có phù hợp với nhu cầu của mình hay không.
– Chi phí dành cho hợp đồng bảo hiểm có phù hợp với khả năng tài chính của mình hay không.
Các tư vấn viên của chúng tôi có thể giúp bạn lựa chọn và thiết kế một giải pháp tối ưu nhất.
– Thưa bs Đức tôi bị rối loạn tiêu hóa 20 năm rồi tôi rất lo nguy cơ ung thư đại tràng đã có lần tôi tiến hành nội soi ở BM nhưng bị ngất nên tôi rất sợ đau vậy có cách nào khác để khám chẩn đoán và tầm soát ung thư khác không thưa bác sĩ? (Lý quốc Việt, 52 tuổi, 27 phố Huế, Hà Nội)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Bạn nên nội soi có gây mê để có thể kiểm tra kỹ toàn bộ đại tràng mà không bị đau.
– Người lớn tuổi 40, 50 tuổi trở lên thì nên tham gia loai hình bảo hiểm nào? Và người trẻ thì nên tham gia loai hình hay sản phẩm bảo hiểm nào? Xin cảm ơn! (Nguyên Bá Hồng, 40 tuổi, 390/2 cmt8, quận 3, TP HCM).
– Ông Lưu Anh Tuấn: Việc lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu bảo vệ, mục đích tích lũy và khả năng tài chính của mỗi cá nhân. Những người lớn tuổi nên ưu tiên lựa chọn các giải pháp bảo vệ (sinh mạng, bệnh tật, thương tật, bệnh hiểm nghèo, chi phí y tế…). Những người trẻ tuổi hơn có thể lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm dài hạn kết hợp giữa bảo vệ và tiết kiệm. VietinAviva có các kế hoạch bảo hiểm phù hợp với từng lứa tuổi, mục tiêu bảo hiểm – tiết kiệm và khả năng tài chính. Các tư vấn viên của chúng tôi sẽ giúp khách hàng có được giải pháp tốt nhất cho mình.
– Xin bác sĩ cho biết biểu hiển của bênh ung thư vòm họng ạ, và cách phòng chống (nguyễn phi sơn, 24 tuổi, Quảng Ninh)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Các biểu hiện của ung thư vòm họng có thể đa dạng, tùy vị trí xuất phát ban đầu ở vòm họng và mức độ lan rộng của khối u. Thường chia thành 3 nhóm triệu chứng sau:
– Triệu chứng về tai mũi họng: ù tai, ngạt mũi, chảy máu mũi (một hoặc hai bên), khạc ra máu, khó nói, khó nuốt
– Triệu chứng về thần kinh: đau nửa đầu, sụp mi mắt, lác mắt
– Triệu chứng về hạch: xuất hiện hạch cổ ở một hoặc hai bên, hạch ở dưới hàm
Khi bệnh di căn xa có thể xuất hiện thêm các biểu hiện ở bộ phận bị di căn.
Để phòng chống ung thư vòm họng không nên hút thuốc lá, thuốc lào, ít ăn thức ăn hun khói, thức ăn nhiễm hóa chất độc hại nitrosamin.
|
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức |
– Được biết chị Kim Phượng từng chống chọi với căn bệnh ung thư vú trong 2 năm. Chị có thể chia sẻ gì về thời điểm chị phát hiện ra căn bệnh của mình và phương thức điều trị? (Huyền Thương, 35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)
– Diễn viên Kim Phượng: Lúc ấy, Phượng – một cô gái mới ngoài 20 tuổi, công việc đang phát triển rất tốt và còn nhiều hoài bão, dự định ở phía trước. Nhưng khi phát hiện mình bị ung thư vú, mọi thứ như sụp đổ và Phượng không tin đó là sự thật mặc dù chính mình là người chủ động đi khám bệnh, tầm soát ung thư, yêu cầu sinh thiết. Phải đến 3 bệnh viện, Phượng mới được sinh thiết, bởi vì thông thường, ung thư vú không xảy ra với phụ nữ trẻ. Cũng chính lẽ thông thường đó mà đến 2 bệnh viện, các bệnh sĩ đều nói mình còn trẻ lắm, không thể bị ung thư vú mà có thể do cái hạch trong kỳ nguyệt san thôi. Tuy vậy, mấy kỳ nguyệt san trôi đi mà cái hạch đó vẫn còn. Lần thứ 3, Phượng khám xong, tìm ra nguyên nhân cái hạch đó là gì và yêu cầu sinh thiết. Kết quả không như mong đợi, mình có u ác tính – ung thư vú giai đoạn 1.
Lúc đầu, dù có cố gắng cứng rắn để trấn an mình, Phượng cũng rất suy sụp. Nhưng nghĩ tới gia đình, nếu mình có điều gì bất trắc, gia đình sẽ buồn và đau khổ. Không những vậy, Phượng còn nhiều đam mê, dự định chưa thực hiện. Đó cũng chính là động lực để Phượng quyết tâm chống chọi, đẩy lùi căn bệnh ung thư vú quái ác này. Sau đó, Phượng bắt đầu bám sát phác đồ điều trị của bác sĩ. Phượng nghĩ rằng sức khỏe, cuộc sống quý giá vô cùng nên tích cực ăn uống điều độ, giải trí và sinh hoạt bình thường. Điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh đã tiến triển tốt dần lên. 2 năm trôi qua, Phượng trở lại với cuộc sống và công việc bình thường như trước.
– Tôi muốn tham gia bảo hiểm nhân thọ về bệnh ung thư . Cho tôi hỏi về hình thức than gia bảo hiểm nhân thọ và hình thức chi trả bảo hiểm? (Thảo Mai, Hà Nội)
– Ông Lưu Anh Tuấn: Hiện nay, công ty chúng tôi cung cấp các giải pháp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bệnh hiểm nghèo… thông qua mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng Vietinbank trên toàn quốc và hệ thống tư vấn viên chuyên nghiệp của công ty.
Đồng thời công ty cung cấp các hình thức đóng phí bảo hiểm linh hoạt (theo các định kỳ năm, nửa năm, quý, tháng; bằng tiền mặt; thanh toán qua thẻ hoặc chuyển khoản). Quyền lợi bảo hiểm chi trả linh hoạt, phù hợp với điều kiện và yêu cầu của khách hàng.
– Gần đây theo các thống kê thì bệnh ung thư của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, bản thân tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều người bạn, người anh, người thân trong họ hàng ra đi vì ung thư. Xin hỏi Giáo sư là có biện pháp gì để phòng ngừa nguy cơ ung thư một cách tốt nhất không ạ. (Đoàn Hải Phong, 35 tuổi, Kiến An – Hải Phòng)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Phòng ngừa ung thư đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người và cả cộng đồng. Trong đó, biện pháp hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư là quan trọng nhất. Trước tiên, phải nhận biết và phân loại đâu là tác nhân gây ung thư để phòng tránh:
– Thuốc lá gây ra 30% ung thư
– Dinh dưỡng không an toàn, hợp lý gây 35% ung thư
– Các nguyên nhân khác: rượu, ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, virus viêm gan B, C, HPV, tia phóng xạ…
Mỗi người phải từ bỏ những thói quen xấu, tự bảo vệ dinh dưỡng an toàn, hợp lý. Xã hội phải có những biện pháp quản lý và xử lý những cơ sở làm phát sinh ra những chất nguy hại gây nguy cơ ung thư. Ngoài ra, rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng cũng là thiết thực làm giảm bớt nguy cơ bệnh tật.
– Xin hỏi ông Lưu Anh Tuấn, công ty của ông có loại bảo hiểm dành cho người đã bị chuẩn đoán ung thư chưa? (Nguyễn Thị Hanh, 45 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)
– Ông Lưu Anh Tuấn: Bệnh ung thư có nhiều giai đoạn và có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Chị nên liên hệ với công ty chúng tôi để được tư vấn về sản phẩm và y khoa, trải qua các kiểm tra sức khỏe theo tiêu chuẩn của công ty để có được câu trả lời đủ điều tham gia bảo hiểm hay không và chi phí bảo hiểm cụ thể.
– Thưa Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Bá Đức!
Cháu vừa hỏi Giáo sư về con của cháu năm nay 17 tuổi bị u ác tính giai đoạn 2, nhưng Giáo sư chưa rõ là K gì (u lympho, bệnh Hodgkin, ung thư của tổ chức cơ, xương…) Hiện nay con cháu viện K kết luận bệnh của cháu là Sarcom xơ, độ 2 (Fibrosarcoma). Cháu xin hỏi Giáo sư việc chữa bệnh cho con cháu ở giai đoạn này có khả quan và ổn định lâu dài được không? Xin Giáo sư tư vấn cho cháu nên đưa con cháu vào bệnh viện nào hiệu quả nhất? Bản thân cháu là bộ đội và cháu dự định ngày mai cho cháu vào nhập viện 108. (Tô Hiến Thụy, 40 tuổi, 86 Lê Trọng Tấn – Thanh Xuân – Hà Nội)
– Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Đức – Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Bệnh Sarcom xơ là một loại ung thư phần mềm. Việc điều trị thường phải phối hợp nhiều phương pháp: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Nếu chưa di căn xa thì kết quả điều trị tương đối tốt và ổn định lâu dài. Cháu đã đến khám ở bệnh viện K thì nên để cháu tiếp tục điều trị ở bệnh viện K là nơi có đầy đủ phương tiện, thuốc men và đội ngũ bác sĩ chuyên ngành giỏi. Chúc cháu chữa bệnh đạt kết quả tốt nhất!
– Chào Kim Phượng!
Chị có thể chia sẻ về cách ăn uống của chị sau qua trình điều trị ung thư. Vì tôi đọc sách báo thấy nhiều người khuyên chỉ ăn gạo lứt. Có người thì bảo chỉ ăn hoa quả, rau xanh, không ăn thịt lợn, thịt bò vì có chứa những chất không tốt, hạn chế ăn tinh bột. Chị có áp dụng như thế không?
Bên cạnh đó, chị có bổ sung thêm các chất bổ gì cho cơ thể hàng năm như ăn yến, ăn đông trùng hạ thảo… không? (Nguyễn Thu Lan, 50 tuổi, TP HCM)
– Diễn viên Kim Phượng: Kim Phượng chào chị!
Cảm ơn câu hỏi của chị. Đây cũng là câu hỏi được nhiều độc giả quan tâm. Như đã nói, cách ăn uống của Phượng ưu tiên uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, rau quả, trái cây… vẫn ăn thịt cá và hạn chế tinh bột, không nên ăn mặn hay quá ngọt.
Theo Phượng biết, cơ thể chúng ta dù có bệnh hay khỏe mạnh đều cần đủ chất để nuôi dưỡng. Chúng ta không nên lạm dụng ăn quá nhiều một món hay tuyệt đối kiêng ăn vì dư hay thiếu chất quá nhiều đều không tốt.
Trong quá trình điều trị, Phượng chưa thấy một nghiên cứu y khoa nào cho rằng, ăn yến hay đông trùng hạ thảo có thể giảm bệnh ung thư. Vì vậy, Phượng không ưu tiên hay phải tìm bằng được yến, đông trùng hạ thảo dùng.
Chúc chị vui và có một sức khỏe thật tốt!
VnExpress
Nguồn: vnexpress
Quá trình nhai nuốt thức ăn hàng ngày không khí có thể đi vào cơ…
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…
Muối rất cần thiết đối với cơ thể tuy nhiên thừa muối gây ra nhiều…
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…