Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn tự đánh giá liệu mình đã làm tròn bổn phận cha mẹ hay chưa và cách cải thiện hình ảnh của bạn trong mắt con trẻ:
|
Ảnh: mypositiveparenting.org. |
1. Ôm đồm mọi việc
Bạn không tin tưởng người khác trong việc chăm sóc trẻ nên luôn cố gắng tự đảm đương mọi việc, nhưng đây không phải là cách tốt nhất cho bạn hay cho con. Bạn sẽ cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi trong khi con bạn sẽ không nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Thực tế, bạn sẽ trở thành một con người khác không như bạn mong muốn và đó là những gì bạn muốn con mình nhớ đến? Rằng bạn là người mẹ luôn mệt mỏi, cáu kỉnh, gắt gỏng và dễ nổi cáu?
Do đó, bạn hãy để chồng, mẹ, người thân hoặc giúp việc giảm bớt gánh nặng và áp lực cho bạn. Cho dù họ không tự nguyện giúp đỡ thì bạn cũng đừng ngại yêu cầu.
2. Không dành đủ thời gian cho con cái
Không có gì ngạc nhiên khi bạn có quá nhiều trách nhiệm phải thực hiện. Bạn phải lau dọn nhà cửa, kiếm tiền, nấu nướng, giặt giũ… Công việc không tên không bao giờ chấm dứt. Nhưng bạn vẫn có thời gian để kiểm tra email hay Facebook cá nhân phải không? Vậy tại sao bạn không tắt tất cả những thiết bị điện tử đó đi hoặc đặt ra quy định cho bản thân chỉ kiểm tra email 3 lần/ngày, lướt Facebook một lần/ngày…
Việc gác những thiết bị công nghệ này sang một bên có thể mang lại những bất lợi cho công việc của bạn nhưng thử nghĩ xem bạn có thể dành trọn vẹn thời gian đó cho gia đình bé nhỏ của mình là điều tuyệt vời. Và bạn sẽ không bỏ lỡ bất kì khoảnh khắc đáng giá nào của con yêu.
3. Quan tâm tới con một cách thái quá
Kiểu nuôi dạy con được định nghĩa là bảo vệ và bao bọc con một cách thái quá. Bạn luôn theo sát bên con mọi lúc mọi nơi. Tất nhiên việc bạn lo lắng con có thể bị ngã là điều tự nhiên nhưng nếu bạn không để cho con học cách trèo lên ghế thì chúng sẽ không bao giờ biết được mình có thể bị ngã hoặc thất bại.
Luôn có mặt bên con trong mọi hoàn cảnh sẽ khiến trẻ lầm tưởng rằng luôn có cứu cánh cho mình và bạn sẽ xuất hiện đúng lúc để giải cứu khỏi những tình huống khó khăn. Nhưng cách này sẽ dẫn đến sự lệ thuộc, tính ỷ lại và lười biếng của trẻ khi luôn trông chờ người khác giúp đỡ mình và không bao giờ có khả năng tự đảm đương mọi vấn đề trong cuộc sống riêng.
4. Bạn không giữ lời hứa
Cho dù chỉ là những đứa trẻ non nớt, không có quyền kiểm soát và không để tâm đến hậu quả nhưng chúng vẫn xứng đáng được tôn trọng. Trẻ luôn quan sát mọi hành động của bạn. Vì vậy, nếu bạn hứa làm điều gì cho trẻ nhưng không giữ lời hứa, trẻ sẽ ghi nhớ điều đó. Một lần thất hứa có thể được bỏ qua nhưng lặp lại nhiều lần thì bạn sẽ trở thành người không đáng tin cậy trong mắt trẻ.
Nếu bạn hứa sẽ đọc truyện cho trẻ trước khi đi ngủ thì hãy nhớ thực hiện. Nếu bạn hứa sẽ trở về nhà vào một giờ nhất định, hãy biến điều đó thành hiện thực. Nếu bạn nói sẽ đến với trẻ, hãy đến với con. Nhưng hãy làm tốt nhất có thể hơn chỉ là xuất hiện.
5. Bạn không lắng nghe
Con bạn có thể nói liên tục, không ngừng kể về trò chơi mới, mách lẻo em trai… Và bạn không thực sự hào hứng cũng như không để tâm đến câu chuyện của con. Phản ứng của bạn thường là “Thật à…”, điều này đồng nghĩa với việc bạn không quan tâm tới câu chuyện của con.
Nhưng hãy cố gắng dành thời gian và sự chú ý cần thiết cho những câu chuyện vô thưởng vô phạt của con bạn. Ngồi xuống và nhìn vào mắt trẻ và thực sự lắng nghe con nói. Hành động nhỏ bé này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho bạn. Khi trẻ trưởng thành, chúng sẽ vẫn giữ thói quen chia sẻ và tâm sự với bạn về mọi chuyện như bạn bè, người yêu và mọi việc trong cuộc sống…
Hương Giang (theo parentsociety)
Nguồn: vnexpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…