Categories: Mẹ

5 bước chuẩn bị trước khi sinh dành cho mọi bố mẹ

Việc chuẩn bị cho sự ra đời của một thành viên mới thường khiến các bậc phụ huynh bối rối. Trước tiên, hãy hoàn thành danh sách 5 bước dưới đây, bạn sẽ thấy những áp lực giảm đi một nửa đấy!

“Cần chuẩn bị gì để mang đến bệnh viện? Cho con ngủ ở đâu? Ai sẽ giúp chăm nom bé?” Đó là những câu hỏi thường trực của các cặp vợ chồng chuẩn bị trở thành bố mẹ. Cho dù có bao nhiêu việc phải chuẩn bị trước khi sinh, bạn cũng sẽ đi qua những bước dưới đây. Hãy làm cho hành trình trở thành cha mẹ trở nên nhẹ nhàng hơn nhé!

1. Chuẩn bị túi đồ đi sinh càng sớm càng tốt

Túi đồ đi sinh là ưu tiên hàng đầu trong số những việc cần chuẩn bị trước khi sinh. Bạn sẽ không thể thiếu các giấy tờ liên quan đến y tế như giấy chuyển viện, sổ khám thai kèm các kết quả siêu âm, xét nghiệm trong suốt thai kỳ, bảo hiểm y tế và cả bản sao chứng minh nhân dân hay sổ hộ khẩu. Trong thời gian chuyển dạ, bạn cũng sẽ cần bổ sung năng lượng, nên đừng quên bỏ sẵn vào túi đồ một ít thức ăn như bánh kẹo, trái cây sấy khô và nước uống hay sữa. Bạn nhớ lưu ý kiểm tra hạn sử dụng của thức ăn sao cho trễ hơn ngày dự sinh nhé.

Nếu muốn ung dung “khoác giỏ lên và đi” khi có dấu hiệu chuyển dạ, bạn nên bắt đầu những chuẩn bị trước khi sinh càng sớm càng tốt

Trong túi đồ đi sinh cũng không thể thiếu quần áo, khăn quấn, khăn giấy ướt, miếng lót sơ sinh dùng cho những ngày đầu tiên của bé cùng quần áo và băng vệ sinh cho mẹ, miếng lót thấm sữa… Ngoài ra, nếu có dự định vắt sữ thì đừng quên chuẩn bị cả máy vắt sữa và túi trữ sữa.

2. Chuẩn bị không gian cho bé

Việc chuẩn bị trước khi sinh cũng không thể thiếu bước này. Bạn muốn cho con ngủ riêng từ nhỏ? Vậy thì đừng quên việc chuẩn bị một chiếc nôi và xem sẽ đặt ở đâu trong phòng ngủ. Nếu chọn cách cho con ngủ cùng bố mẹ, hãy kiểm tra xem nệm của bạn đã đủ lớn chưa, bạn có cần drap chống thấm không và bạn cần chuẩn bị bao nhiêu gối, chăn và tấm trải riêng cho bé.

Tiếp đến, hãy nghĩ đến không gian dành cho việc ăn, chơi, tắm và sinh hoạt thường ngày của bé. Hãy đảm bảo dọn sạch những yếu tố nguy cơ như hóa chất độc hại, vật dụng sắc nhọn, đồ vật bé dễ nuốt phải gây nguy cơ hóc, nghẹn và những món đồ có thể gây dị ứng ra khỏi không gian này. Bạn cũng cần để ý đến các ổ cắm điện ở dưới thấp. Cách tốt nhất là che kín chúng lại và đưa ổ cắm lên cao, xa khỏi tâm tay bé.

Cách hiệu quả nhất để kiểm tra tính an toàn của ngôi nhà là giả vờ bò quanh nhà và nhìn mọi thứ từ tầm mắt của bé. Bằng cách này, bạn sẽ phát hiện ra những mối nguy tiềm ẩn cho bé ở trong nhà.

3. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Bạn đã tìm được ai để giúp đỡ chăm sóc cho bé trong một hai tuần đầu sau khi sinh hoặc cho lâu hơn? Đó là thời gian cơ thể bạn còn khá mệt mỏi, chưa kịp hồi phục sau cuộc vượt cạn dài. Trong những ngày đầu tiên, em bé lại cần bú mẹ và chăm sóc rất nhiều. Nếu không có người đỡ đần, bạn sẽ rất vất vả và căng thẳng. Việc tìm người giúp đỡ là một trong những bước chuẩn bị trước khi sinh quan trọng nhất mà bạn không nên bỏ qua.

Nếu bạn muốn thuê người giữ trẻ, nên bắt đầu từ một vài tháng trước khi sinh. Vấn đề tiền công, giờ giấc làm việc, những nguyên tắc cần thực hiện khi chăm bé cần được thỏa thuận trước khi công việc chính thức bắt đầu. Tìm người giúp trông trẻ càng sớm, bạn sẽ càng có nhiều cơ hội được cùng chăm sóc, quan sát và điều chỉnh cách chăm sóc bé theo mong muốn của mình.

4. Tập thói quen ngăn nắp, gọn gàng và chú ý sự an toàn

Thói quen ngăn nắp sẽ giúp cho cuộc sống của bạn không trở nên rối tung khi có con. Hãy đảm bảo rằng ngay cả khi bé đang khóc om sòm thì bạn vẫn biết chính xác tã và kem chống hăm để đâu. Ngay từ lúc còn mang thai bạn đã tập được thói quen này thì khi bé đã ra đời, bạn sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Thói quen ngăn nắp, gọn gàng cũng giúp bạn biết có những thứ gì đã bị xáo trộn và những xáo trộn này liệu có gây bất cứ nguy hiểm gì cho con hay không. Mọi người thường bỏ qua bước chuẩn bị trước khi sinh này, nhưng nếu cố gắng thay đổi lối sống của mình để trở nên ngăn nắp hơn, bạn sẽ thấy những cố gắng này mang lại kết quả tuyệt vời sau khi sinh đấy.

5. Chuẩn bị về tâm lý

Các bà mẹ tương lai phải sẵn sàng đối mặt với tất cả các tình huống có thể xảy ra. Nếu bạn làm tốt việc chuẩn bị trước khi sinh, bạn sẽ loại bỏ được rất nhiều phiền toái nhưng chắc chắn vẫn sẽ có đủ loại rắc rối xuất hiện. Hãy biết rằng khi bạn đưa bé về nhà thì sự việc ngoài tầm kiểm soát của bạn cũng xuất hiện. Lý do khiến nhiều người thấy khó khăn sau khi sinh con là vì đó là lần đầu tiên họ mất quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Chẳng hạn, bạn đang buồn đi vệ sinh đến bứt rứt cả người, nhưng không có ai giúp bạn trông con lúc này, và con của bạn thì khóc đòi mẹ, bạn sẽ làm gì?

Ngoài tâm lý, bạn cũng cần luyện tập thường xuyên để có một sức khỏe tốt và nguồn năng lượng dồi dào để sẵn sàng cho những khó khăn khi chăm sóc bé

Sau khi sinh con, bạn sẽ nhận ra hầu hết mọi thứ không diễn ra đúng như kỳ vọng của mình. Hãy linh động và nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề, bạn sẽ tìm thấy sự thoải mái dù chăm con thật vất vả.

 

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

19 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

20 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago