Y tá Nguyễn Thị Thuận (BVĐK huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã chỉ ra nơi cất giấu 3 vỏ lọ thuốc tiêm gây tử vong cho 3 trẻ sơ sinh và điều khiến dư luận bàng hoàng là… thay vì vắc-xin, y tá Thuận đã tiêm nhầm thuốc gây mê Esmeron.
Vô ý hay vô trách nhiệm?
Như Lao Động đã đưa tin, chiều 30/3, bị can Nguyễn Thị Thuận đã được cơ quan điều tra đưa trở lại BVĐK Hướng Hóa. Tại đây, y tá Thuận đã chỉ ra nơi đã giấu 3 vỏ lọ thuốc do chính mình tiêm cho 3 trẻ sơ sinh và gây tử vong cho cả 3 trẻ.
Ngày 1/4, một số nhân viên y tế, bác sĩ (BS), lãnh đạo của BVĐK Hướng Hóa đã nói với phóng viên Lao Động rằng, sau khi y tá Thuận chỉ ra nơi cất giấu 3 vỏ lọ thuốc đã tiêm gây tử vong cho 3 trẻ sơ sinh thì mọi người ai cũng bàng hoàng, rã rời…
“Khi biết y tá Thuận chỉ ra nơi giấu 3 vỏ lọ thuốc tiêm gây chết người, tôi thực sự không tưởng tượng nổi là có thể đã xảy ra một chuyện nhầm lẫn động trời đến như thế”, một nữ cán bộ y tế đã nghỉ hưu của BV này thốt lên như vậy.
Khai nhận của y tá Thuận tại cơ quan điều tra phù hợp với thực tế diễn tiến sự việc: Thuốc được tiêm nhầm là Esmeron – một loại thuốc gây mê có chức năng hỗ trợ gây mê toàn thân để đặt nội khí quản, để tạo dãn cơ trong phẫu thuật.
Về vỏ lọ, một BS chuyên ngành phòng dịch ở Hướng Hóa nói, hai loại vỏ lọ đựng vắc xin viêm gan B tiêm cho trẻ sơ sinh và đựng thuốc gây mê Esmeron có kích cỡ gần bằng nhau, chỉ một 9 một 10, cũng có nắp đậy caosu giống nhau; điểm khác nhau chủ yếu là dung dịch vắc xin 0,5ml/ống, trong khi Esmeron chứa dung dịch nhiều gấp 5 lần.
Chi tiết này cho thấy y tá Thuận đã không thực hiện nguyên tắc “3 tra 5 đối” (3 kiểm tra, 5 đối chiếu – trong đó có kiểm tra tên thuốc) trong hành nghề: Sau khi hút vào ống tiêm cho trẻ sơ sinh 0,5ml, trong lọ thuốc Esmeron vẫn còn 4/5 lượng thuốc, trong khi hút trong lọ vắc xin thì hết sạch 100%; vậy mà có đến 3 lần thao tác vứt ống thuốc còn dung dịch rất nhiều mà không hề có phản ứng, nghi ngờ gì cả.
Câu hỏi là tại sao có thuốc Esmeron chung trong tủ bảo quản của vắc xin? Tại cơ quan điều tra, một số nhân viên y tế liên quan trong vụ án này đã khai nhận rằng, thuốc gây mê Esmeron đã được “gửi chung” vào tủ đông đựng vắc xin.
Đã được cảnh báo trước đó 2 ngày
Ngày 18/7/2013, trước 2 ngày xảy ra tai họa 3 trẻ sơ sinh tử vong ngay sau tiêm vắc xin ở Hướng Hóa, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Quảng Trị đã kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng vắc xin tại BVĐK Hướng Hóa; và đã cảnh báo là khắc phục ngay tình trạng tại khoa Sản không có tủ đựng vắc xin mà để ngay tại tủ đựng của khoa Khám bệnh; hơn thế nữa, vắc xin để lẫn lộn với các sinh phẩm khác là trái với các quy định bảo quản vắc xin.
Một nguồn tin đề nghị giấu tên nói rằng, tại thời điểm kiểm tra tại tủ đông đựng vắc xin này có một hộp thuốc bên ngoài ghi các chữ “thuốc độc”, và đó chính là hộp đựng thuốc gây mê Esmeron.
Trả lời phóng viên Lao Động sáng 1/4 về cuộc kiểm tra và cảnh báo này, cả BS Văn Thanh – Giám đốc – và BS Nguyễn Văn Thiện – Phó giám đốc BVĐK Hướng Hóa – đều thừa nhận có cuộc kiểm tra đó, có những khuyến cáo đó. Tuy nhiên, BS Thanh thì nói rằng, trong thời gian đó ông bận đi học và có việc riêng ở gia đình nên không dự họp cuộc đó.
Còn BS Thiện thì nói rằng, ngay sau đó, BV đã có ý định mua tủ đông để tại khoa Sản để đựng vắc xin, nhưng chưa kịp làm thì xảy ra sự cố vào ngày 20.7.2013 rồi. Phóng viên: “Về mặt chuyên môn, nếu ngay lúc tiêm xong cho các cháu, phát hiện đó là thuốc gây mê thì có xử lý cứu được không?”. BS Thiện: “Không.
Vì diễn biến quá mau”. Phóng viên: “Tại sao sau khi đoàn kiểm tra của sở kết thúc, BV không lấy hộp thuốc có ghi chữ “thuốc độc” trong tủ đông đựng vắc xin ra?”. BS Thiện: “Tôi không biết việc có thuốc gây mê trong tủ đựng vắc xin”.
Đề nghị tạm đình chỉ công tác hai cán bộ y tế
Chiều 4/1, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết, liên quan đến vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin, Cơ quan điều tra tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với hai cán bộ của BVĐK Hướng Hóa gồm điều dưỡng viên Trần Thị Hải Vân thuộc khoa Khám bệnh và BS Lê Hồng Sơn thuộc phòng Kế hoạch.
“Cơ quan điều tra đề nghị như vậy, nhưng hiện tại sở đang chờ báo cáo chi tiết sự việc của BVĐK Hướng Hóa rồi mới quyết định”, ông Thành nói. Cả hai cán bộ nói trên sau thời gian bị câu lưu điều tra từ ngày 28/3 đã trở lại BV làm việc ngày 1/4; chị Trần Thị Hải Vân là người chịu trách nhiệm bảo quản tủ đông đựng vắc xin của khoa Khám bệnh, còn anh Lê Hồng Sơn là người đã gửi hộp thuốc gây mê Esmeron.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…