Điều cần thiết để thai nhi phát triển tốt không phải là nghe nhạc thính phòng giao hưởng mà là tâm trạng thư thái dễ chịu của người mẹ.
Mẹ bầu thường áp tai nghe vào bụng và mở nhạc cổ điển cho con nhưng sự thật là thai nhi không nghe thấy gì cả.
20 năm làm việc trong ngành giáo dục, TS Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiếp xúc với nhiều phụ huynh và nhận thấy một đặc điểm chung là “cha mẹ thường có suy nghĩ, mình đã dạy con rất nhiều, mình đã chăm con rất cẩn thận, tại sao nó… thế này, tại sao nó… thế kia. Nhưng không phải đâu, cha mẹ là số phận của con cái, chắc chắn chúng ta đã sai ở đâu đó”. 3 nhóm lỗi sai của cha mẹ khi chăm sóc, nuôi dạy con dưới đây được cô giáo Vũ Thu Hương tổng kết từ kinh nghiệm thực tế quan sát để cha mẹ cùng đọc và suy ngẫm.
1. Lỗi sai của cha mẹ trước và sau khi sinh con, nuôi con nhỏ
– Không chuẩn bị trước tư tưởng và tâm lý có con (các bố mắc lỗi này rất nhiều). Hoặc có chuẩn bị nhưng không đọc sách và tìm hiểu các kiến thức cần biết từ trước khi mang thai. Tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “lớn lên nó biết”… in đậm trong tâm trí cha mẹ làm cha mẹ vô tư mắc phải lỗi này.
– Không học trước hoặc đọc sách về chăm sóc bà bầu và thai nhi, thi nhau uống sữa bầu mà quên đi các thức ăn cần thiết khác, nghe theo kinh nghiệm của các bà, các cô đi trước, lời rỉ tai của bạn bè mặc dù chưa kiểm chứng.
Ví dụ, áp cái tai nghe vào bụng, thực sự thai nhi không nghe thấy gì cả. Việc áp tai đó chỉ truyền sóng âm và sẽ gây bất an cho thai nhi. Điều cần thiết để thai nhi phát triển tốt không phải là nghe nhạc thính phòng giao hưởng mà là tâm trạng thư thái dễ chịu của người mẹ. Vì thế, nghe nhạc là mẹ nghe và nghe theo sở thích của chính mẹ, dĩ nhiên là trừ dòng nhạc quá kích động.
– Không chuẩn bị trước kiến thức chăm sóc gái đẻ và trẻ sơ sinh. Việc ăn uống kiêng khem, giữ gìn quá kỹ lưỡng nhiều khi là nguyên nhân gây bệnh cho cả trẻ và mẹ. Mặc dù đây là kinh nghiệm của các bà, các cô đi trước nhưng không phải lúc nào cũng đúng.
Ví dụ, gái đẻ bị “cấm” tắm trong cả tháng trời thì không những gây ức chế, khó chịu cho mẹ, có thể sinh bệnh mà còn tạo tâm lý cho bệnh căng thẳng sau sinh thêm trầm trọng. Ngoài ra, vi khuẩn tích lũy do mẹ không tắm dễ dàng truyền sang con, làm suy yếu hệ miễn dịch của con.
Cùng với đó, sau khi sinh, hai mẹ con bị “nhốt” vào phòng ấm áp và kín gió. Chính điều này làm cho trẻ bị suy yếu khả năng miễn dịch bởi vì làm quen từ từ với môi trường là tạo khả năng miễn dịch tốt nhất. Ngay từ khi mới ra đời, cứ giữ mãi trong môi trường ấm áp, tuyệt vời sẽ làm trẻ quen và sau này ra ngoài sẽ càng dễ bị bệnh.
– Tin sái cổ vào quảng cáo của các công ty thực phẩm chức năng, cho con uống thuốc vô tội vạ mà không hỏi các chuyên gia y tế. Đến khi thận của con yếu, con xảy ra chuyện lại than khóc là trời đất ơi, sao khổ thế?
– Luôn nghĩ trẻ như một cái máy nghiền thức ăn. Nếu trẻ không ăn thì sẽ bị “chết” ngay hôm sau. Đồng thời yêu cân nặng hơn sức khỏe của con, định nghĩa con béo là con khỏe. Vì thế, nhồi con ăn như nhồi con vịt trước khi ra chợ bán. Không quan tâm cách con ăn có tạo sức khỏe cho con không, có gây hại gì cho con không mà chỉ quan tâm là hôm nay đã nhồi được cho con mấy bữa, mấy bát.
– Không coi con là sinh vật, có nhu cầu ăn uống và khả năng tiếp nhận thức ăn có giới hạn. Cho con ăn quá nhiều bữa, quá nhiều đồ bổ. Tâm niệm là con mình sinh ra đã ghét ăn, không ép ăn là không ăn. Đây là tư tưởng vô cùng phản khoa học. Từ tư tưởng này, ép con ăn thật lực chính là đã phá hỏng đi hệ tiêu hóa của con và tạo cho con bệnh chán ăn. Căn bệnh này đã giết chết vô cùng nhiều người trên thế giới, đặc biệt là giới người mẫu.
-Không cho con chơi cát, chơi thể thao. Con tích lũy năng lượng rất nhiều do được bồi dưỡng thật lực nhưng không có các hoạt động để xả ra. Khi con dư năng lượng, nghịch phá trong nhà thì lại kết tội là con nghịch quá, phá quá và đánh mắng con.
– Luôn là tín đồ của các thiết bị điện tử. Chúng ta gọi ti vi là vô tuyến (nghĩa là không dây và truyền thông tin qua sóng), điện thoại cũng không dây… như vậy các thiết bị điện tử chính là các thiết bị thu phát sóng. Sống trong môi trường toàn sóng điện từ, chắc chắn não trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Gia đình nào bật ti vi hoặc sử dụng điện thoại nhiều thì não trẻ càng dễ bị tổn thương.
– Đây là “tội” của các bố khi coi việc dạy bảo và chăm sóc con cái là của các mẹ. Nếu các mẹ làm không tốt là do các mẹ quá kém cỏi. Việc của bố là đi kiếm tiền về (có thể đưa hoặc không đưa cho mẹ), và đi chơi, nằm khểnh. Điều này làm tăng cường ức chế của mẹ và con càng dễ bị ăn đòn.
– Thấy con dễ thương nên chụp ảnh khỏa thân của con rồi khoe khắp nơi, đặc biệt là trên facebook. Đến khi con bị hại thì lúc đó lại đổ lỗi cho kẻ xấu mà quên rằng mình đã tiếp tay cho kẻ xấu hại con mình.
2. Lỗi sai của cha mẹ khi hướng bé hình thành tính cách, nhân cách
-Coi thường trẻ, luôn nghĩ trẻ vài tháng tuổi là sinh vật yếu ớt, không thể tự lo được và không có ý thức dạy trẻ. Đáng ra trẻ biết ngồi là phải dạy bốc ăn rồi. Từ đó nâng cao dần kỹ năng sống của trẻ, làm trẻ thêm bận rộn và sẽ ít thời gian phá phách.
-Trẻ mới é lên một cái là lao ngay ra, “mẹ thương, bố thương”, làm cho trẻ cảm thấy mình thật “đáng thương”. Điều này hình thành tâm lý thích gây gổ để cha mẹ vỗ về. Đây là tiền đề của tính ăn vạ.
-Ôm ấp con suốt ngày. Ôm ấp nhiều quá tạo cho con tâm lý vỏ bọc. Con cảm thấy yên ổn, an tâm khi nằm trong vỏ bọc. Nhưng nếu mẹ đi vắng hoặc phải đi học thì bé bị quẳng ra ngoài vỏ bọc và đương nhiên sẽ hoảng sợ. Điều này sẽ tạo ra tâm lý thiếu tự tin ở trẻ. Vì thế, hãy để cho con yên nếu như nó đang không có chuyện gì xảy ra.
– Luôn nghĩ rằng trẻ hiểu 100% những gì bố mẹ dạy bảo và… dạy liên tục bằng lời. Trẻ dưới 2 tuổi khả năng nghe hiểu rất kém. Các trẻ sẽ không hiểu tại sao lại bị mẹ quát mắng ầm ầm. Trẻ chỉ sợ vì tiếng động, lời quát chứ ý nghĩa của câu nói thì không hiểu được.
-Rất thương xót con, không muốn con bị phạt, tội lắm… nhưng lại thấy cho con ăn đòn là bình thường.Xúc phạm nhân cách của con, đánh con, có thể gây tổn thương cho con thì không sao nhưng phạt không cho con đi chơi thì thật quá đáng, quá tệ. Từ tâm lý này, cha mẹ vừa dạy con không hiệu quả (không phạt mà) vừa làm con bị tổn thương liên tục vì đòn roi và quát mắng.
Ôm ấp nhiều quá tạo cho con tâm lý vỏ bọc.
– Làm nhiều hành vi “bậy bạ” và nghĩ đơn giản là con chưa biết gì. Khi con học theo thì đánh mắng nó. Bắt con chào trong khi bản thân lại không chào con. Con không chào thì quát mắng con ầm ầm. Nói tục thoải mái nhưng con… đương nhiên không được nói tục. Vứt rác lung tung khắp phổ nhưng con mà ném rác ra nhà là mắng.
-Luôn có suy nghĩ là “con còn bé, biết gì mà dạy”. Dĩ nhiên là con chưa biết thì phải dạy cho biết. Nhưng dạy con phải dạy từ các hành vi sống của mình, từ các luật lệ nhỏ nhưng nghiêm túc của gia đình chứ không phải roi vọt. Con càng nề nếp sớm càng ngoan và dễ dạy.
– Không dứt khoát và nói không làm.Dọa con thì rất khiếp đảm nhưng không dám thực hiện. Vài lần con bắt thóp, chả sợ gì cái lời dọa nạt đó. Khi con hư như vậy thì kết tội con lì lợm và kết cục là con vẫn bị ăn roi.
– Hay lôi ma quỷ, các chú công an, các ông bà già ra dọa con… làm cho con cảm thấy thế giới thật đáng sợ. Điều này xảy ra thành lệ luôn mà các cha mẹ vẫn thắc mắc tại sao con thiếu tự tin?
– Nói dối như cuội. Luôn có suy nghĩ con nó bé, nó chả nhận ra lời nói dối đâu. Thế là nói dối thoải mái và đến lúc con bắt chước thì lại đánh, mắng con là “đồ dối trá”.
– Không đọc truyện cho con, không kích thích con đọc sách. Đến khi con lười đọc sách thì lại mắng con.
– Cáu gắt vì các vấn đề khác trong cuộc sống và dồn cơn tức giận lên con. Con hoàn toàn không có lỗi nếu bố mẹ cãi nhau hoặc sếp trách móc mẹ.
3. Lỗi sai của cha mẹ khi con đi học
– Tống con đến trường mầm non đột ngột. Từ lúc sinh ra con đã quen với môi trường gia đình và luôn có người bảo trợ, tự dưng bị tống cổ đến nơi xa lạ với hàng đống người xa lạ. Thế nhưng, khóc và ốm thì rõ là con hư rồi. Việc chuẩn bị tâm lý cho con đi trẻ không được bố mẹ quan tâm mà còn gọi đi trẻ là “đi bộ đội”.
-. Nghĩ “giao việc nhà cho con là bóc lột sức lao động của con”, vì thế, không giao việc nhà cho các con, không yêu cầu con giúp đỡ mọi người. Đến khi con ích kỷ thì lại mắng con, xúc phạm nhân cách của con.
– Giao việc nhà thì trả lương cho con. Đến lúc con lớn lên, làm việc gì cũng đòi trả lương thì lại mắng con. Đến khi con sống ích kỷ, không thích cống hiến cho cộng đồng thì lại mắng con.
– Quá thích thành tích. Cứ nghe các công ty giáo dục quảng cáo cái gì thông minh, cái gì sớm là thích vô cùng và cho con theo mà chẳng cần biết nó có gây hại gì cho con không. Đây cũng chính là lý do cho con uống quá nhiều sữa trong khi cơ thể con người cần đầy đủ các chất, không quá nhiều và không quá ít. Nếu chỉ tập trung vào một món thì sẽ bị dư thừa một số chất và thiếu hụt một số chất. Điều này là lý do trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu cân, hoặc béo phì. Cả hai bệnh này đều nguy hiểm với sức khỏe của trẻ.
– Không dạy con các quy tắc ứng phó với các tình huống nguy hiểm. Con phải luôn biết trước mọi thứ và cần có kỹ năng thành thục về việc này để khi xảy ra sự cố là tự con xử lý tốt luôn. Tầm tuổi học những điều này nên từ 3 tuổi.
– Bắt con vui vẻ, hòa đồng với mọi người mà không dạy con các nguyên tắc tự bảo vệ bản thân khỏi nạn xâm hại, bắt cóc, lạm dụng. Đến khi xảy ra chuyện rồi thì lúc đó lại bao biện và đổ lỗi cho kẻ đã làm hại con mình.
So sánh con với người khác khiến con nghĩ rằng bố mẹ ghét con, thất vọng vì con nên sinh tính ‘cùn’ ở trẻ.
– Ép con học trước. Luôn nghe lời rỉ tai của các bạn bè, cứ ép con học làm cho con sợ học trước khi vào lớp. Thuê người dạy con học đọc, học viết để đem khoe mà chẳng quan tâm là tâm lý và trí não của con bị ảnh hưởng thế nào về chuyện học trước này.
– Không tìm hiểu trước về trường, lớp tiểu học. Đến khi con đổi cấp từ mầm non lên tiểu học mà không quen thì đánh mắng con.
– Không dạy con cách tự thức dậy sớm vào buổi sáng. Sáng nào cũng hò hét con dậy, con dậy muộn thì lại mắng con.
-Không giáo dục “việc học là việc của con, là quyền lợi và nghĩa vụ của con”.Luôn nhắc nhở con học bài nên con không có ý thức tự giác. Đến khi con lười học thì đánh mắng con.
– Luôn tìm cách can thiệp vào việc dạy học của cô giáo. Luôn nghĩ rằng cô như một “con cọp”, cứ có tiền, có phong bì là cô chăm sóc con mình. Hễ cô than phiền về con là nghĩ hoặc con mình quá hư hoặc cô gây sự để vòi tiền.
– Luôn nghĩ rằng cô giáo và bạn bè có thể hại con nên mới nghe mâu thuẫn chút xíu đã nhảy chồm lên đến gặp cô giáo, các thày cô hiệu trưởng, hiệu phó để gây sức ép trong khi không biết rằng làm vậy là “bảo kê” cho tính xấu của con, can thiệp vào việc dạy dỗ của thày cô thì con mình ngày càng xấu tính. Đến khi con hư thật sự lại đổ tại số.
– Bản thân có khi học chẳng giỏi nhưng luôn muốn con phải đầu bảng để đem khoe. “Tội” này còn kèm theo cái “tội” lúc nào cũng khoe mình giỏi. Đến khi con phát hiện ra thực chất thì thôi rồi thì sẽ thay đổi hình ảnh đẹp của bố mẹ trong mắt con.
– Lấy các gương điển hình người tốt việc tốt về để con học tập. Sự so sánh kiểu đó chỉ gây ra ức chế cho con và làm con nghĩ bố mẹ ghét, bố mẹ thất vọng vì con. Con sẽ cùn lên, càng ngày càng hư.
Chưa có bình luận.