Khi những cơn đau thường ngày trở nên nặng hơn với cường độ, tần suất gia tăng và không hề có dấu hiệu dứt đi, bạn đã bị đau mãn tính. Nhiều người phàn nàn về những cơn đau dai dẳng này nhưng không hề biết cách xử trí như thế nào. Nhưng may thay, các nhà khoa học đã giúp tăng cường chất lượng cuộc sống của những người mắc các cơn đau mãn tính bằng 10 cách dưới đây.
1. Duy trì hoạt động thể chất đều đặn
Tập thể dục có thể là điều cuối cùng mà bạn muốn làm khi cơ thể bị đau. Những hoạt động thể chất đã được chứng minh có tác dụng nhưmột loại thuốc giảmđau tự nhiên của cơ thể vì nó giúp giải phóng endorphins, ngăn chặn các tín hiệu đau truyền lên não. Chúng cũng làm giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng và trầm cảm thường đi kèm với các cơn đau mãn tính.
Ngoài tập thể dục, bất kỳ hoạt động thể chất nào mà có thể giúp kích hoạt việc giải phóng các endorphins thì cũng có tác dụng làm giảm cơn đau. Tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ để tìm ra hoạt động phù hợp với thể trạng và căn bệnh của mình, sau đó dành ra ít nhất nửa giờ mỗi ngày cho vận động.
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục từ nhẹ cho đến trung bình như đi bộ hoặc đạp xe đạp, có thể làm giảm đau và cải thiện mức độ sức khỏe.
2. Bỏ hút thuốc lá
Nếu bạn nghiện thuốc lávà đang bị đau mãn tính thì đây là lý do tuyệt vời để bạn bắt đầu bỏ thuốc. Thuốc lá làm giảm lượng máu giàu oxy chảy vào xương và các mô, do đó nó có thể làm tăng chứng đau thắt lưng, làm các vết thương chậm lành thậm chí còn khiến bạn đau đớn hơn.
3. Hãy thử một điều mới mẻ
Nếu các hoạt động thông thường không làm bạn hứng thú, hãy thử một điều gì đó mới mẻ, ví dụ như tập thể dục nhịp điệu, nhảy hoặc yoga. Thái cực quyền hay khí công của Trung Quốc cũng rất phổ biến. Bên cạnh đó, bạn có thể thử tìm xem quanh nhà bạn có phòng tập thể dục hay các trung tâm yoga nào không để bắt đầu hoạt động mà bạn thích thú nhất.
4. Thiền
Thiền là một cách tuyệt vời để tĩnh tâm và giảm những căng thẳng không thể tránh khỏi từ cuộc sống cũng như các cơn đau mãn tính. Phương thức phổ biến của thiền định, gọi là chánh niệm, là duy trì tập trung vào thời điểm hiện tại, không nghĩ về quá khứ hay tương lai. Mục đích không phải là để đánh lạc hướng bạn khỏi đau đớn mà đặt sự đau đớn trong bối cảnh lớn hơn so với mọi thứ mà bạn đang cảm thấy và trải qua, cả trong cơ thể lẫn môi trường xung quanh.
5. Hạn chế rượu
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những người bị đau mãn tính uống rượu vừa phải thì ít có khả năng bị đau hơn so với những người không uống. Nhưng ngay cả những tác giả của nghiên cứu này cũng cảnh báo rằng phát hiện của họ không đủ lý do để khuyến cáo bệnh nhân nên uống rượu. Một số loại thuốc giảm đau có thể tương tác với rượu làm tăng nguy cơ về sức khỏe. Chưa kể việc uống rượu có thể gây ra các rủi ro khác như tai nạn giao thông, ngã và tổn thương gan.
Uống để giảm đau là biện pháp đặc biệt nguy hiểm, bởi vì nó có thể dẫn đến nghiện và các rủi ro khác về sức khỏe. Nếu thích uống, bạn có thể tham khảo bác sĩ để biết lượng rượu phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình
6. Tự phân tâm
Khi bạn bị đau mãn tính, thật dễ dàng để tự thu mình lại và không muốn gặp gỡ mọi người. Điều này có thể khiến bạn thấy tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy tự đánh lạc hướng mình bằng cách làm một việc gì đó mà bạn thích. Nói chuyện với bạn bè, đi xem phim, chơi trò chơi, đọc sách hay theo đuổi một sở thích bất kỳ sẽ có tác dụng đáng kể.
7. Ăn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe
Thay vì tập trung duy nhất vào một số loại thực phẩm, các chuyên gia đều đồng ý rằng bạn nên tập trung vào một chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách bổ sung nhiều trái cây, rau, các loại hạt, ngũ cốc và các loại đậu. Đồng thời tránh xa các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và đường. Bạn cũng nên lưu ý khẩu phần ăn để không bị tăng cân.
Các món tráng miệng như socola, bánh hoặc kem có thể giúp kiểm soát cơn đau nhưng chỉ nên ăn với số lượng vừa phải
8. Massage
Không có ai lại không thích được massage sau một ngày mệt mỏi. Vì thế không có gì lạ khi nhiều loại bệnh mãn tính được làm giảm đau bằng các liệu pháp massage.
9. Thay thế những suy nghĩ tiêu cực
Tập suy nghĩ tích cực thay thế cho các suy nghĩ tiêu cực có thể thúc đẩy tinh thần của bạn.
Chấp nhận sống chung với cơn đau mãn tính có thể giúp bạn giảm bớt đau đớn. Để duy trì sự tích cực, đầu tiên phải loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực như: “Mình rất đau, mình không thể làm được việc này” hay “Mình chẳng làm được gì cả.” Thay thế bằng các suy nghĩ có tính xây dựng như “Đi bộ là bài tập tốt nhất mình có thể làm mà không gây đau” hay “Ngay cả khi bị đau, mình vẫn cứ thích làm bánh cho lũ nhỏ ăn”.
10. Tham gia một nhóm hỗ trợ
Hãy chia sẻ vấn đề của mình với những người có tình cảnh tương tự, đó là cách giúp bạn tìm được người đồng cảm và cùng vượt qua nỗi đau. Nói chuyện với những người khác về những cơn đau mãn tính sẽ làm cho bạn cảm thấy ít bị cô lập và tự chủ hơn.
Kim Anh
Nguồn: Emdep
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…