Thứ Hai, 25/01/2016 | 12:00

Những đứa trẻ vị thành niên luôn muốn được bố mẹ tôn trọng không gian riêng, lắng nghe và hiểu chúng nhiều hơn.

1. Muốn bố mẹ tôn trọng không gian riêng

“Con không thích việc bố mẹ không cho con bất kỳ không gian cá nhân nào… Và con ghét cả việc bố mẹ không hề nghĩ rằng con cần có nó”, Eleanor, 14 tuổi, chia sẻ. 

Ngay cả khi con bạn ở chung phòng, hãy để cho chúng có một không gian riêng của mình, chẳng hạn như góc học tập riêng, tủ quần áo riêng… Điều đó cho trẻ thấy rằng bạn tôn trọng sự riêng tư của con, không kiểm soát không gian cá nhân của chúng, trừ khi có lý do để bạn tin rằng trẻ đang nói dối hay che giấu sai phạm gì đó nghiêm trọng. 

2. Muốn cha mẹ lắng nghe nhiều hơn

“Con muốn tâm sự với bố mẹ mọi thứ. Nhưng con sợ bố mẹ sẽ la rầy con khi nghe chuyện đó”, Keegan, 13 tuổi, cho hay.

Đôi khi con trẻ chỉ muốn có một người bạn để trải lòng tâm sự chứ không phải một “nhà tư vấn” giúp chúng giải quyết vấn đề. Chẳng hạn khi con trai than phiền rằng giáo viên trên lớp không công bằng hoặc thầy dạy bóng đá hơi khó tính, đừng vội nhảy ngay vào những lời khuyên khô khan hay can thiệp quá sâu. Thay vào đó hãy tiếp tục lắng nghe cảm xúc của con mình, gợi mở câu chuyện bằng cách hỏi những câu hỏi mở để con có thể thoải mái trút bỏ gánh nặng trong lòng. Khi tìm được sự đồng cảm từ người thân, trẻ sẽ tự biết cách vượt qua vấn đề của mình. 

3. Tâm sự với con về chuyện tình yêu, giới tính

“Con sẽ không nói với cha mẹ rằng con đã có bạn trai đâu, bởi vì họ không cho phép điều đó xảy ra. Thay vào đó, con sẽ nói rằng chúng con chỉ là bạn bè thôi”, Marla, 15 tuổi, chia sẻ. 

Bạn có muốn điều đó xảy ra trong nhà mình? Nếu không thì bạn nên thoải mái trao đổi với con về chuyện tình cảm tuổi mới lớn vì điều này sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Thay vì ra sức cấm đoán và rồi con trẻ sẽ trốn đi chơi, hãy cho chúng biết lợi ích và nguy cơ cũng như những lời khuyên cơ bản nhất để trẻ tự bảo vệ mình trước khi bắt đầu một mối quan hệ. 

4. Hiểu cảm giác của con khi bị kiểm tra kém

“Con không dám nói với cha mẹ khi bị điểm kém vì con không muốn nghe cha mẹ nói rằng con đã làm họ thất vọng như thế nào. Có những lúc con cảm thấy rất nản, không muốn học nữa”, Sam, 16 tuổi, bày tỏ. 

Điểm số không nói lên tất cả, một bài kiểm tra thấp điểm không có nghĩa là sau này con trẻ không có cơ hội thành công trong cuộc sống. Thay vì áp đặt và chỉ trích, theo sát con với sự chân thành cho phép các bậc phụ huynh có cơ hội tìm ra và giúp con khắc phục nhược điểm trong quá trình học tập. 

5. Hiểu chuyện tình cảm của con

“Mẹ con đã biết con vừa hôn một cậu bạn… Nhưng con không muốn mẹ biết thêm điều gì nữa. Đây là cuộc sống của riêng con”, Sonia 15 tuổi, kể lại.

Tương tự như vấn đề số 3, trẻ mới lớn có quyền giữ bí mật về chuyện tình cảm của mình. Thay vì cố gắng đào bới đời tư của con để tìm kiếm thông tin, phụ huynh nên trao đổi thẳng thắn ngay từ đầu và trang bị sẵn cho con trẻ kiến thức về vấn đề giới tính, chẳng hạn như các biện pháp ngừa thai, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Hoặc cha mẹ có thể nhờ anh chị lớn trong nhà làm việc này để giúp trẻ dễ tiếp thu và chấp nhận.

10 điều cha mẹ không thể bỏ qua khi có con tuổi teen

Trẻ vị thành niên rất mong cha mẹ hiểu mình từ những tình huống rất nhỏ trong cuộc sống. Ảnh: MSN.

6. Đối xử công bằng

“Con ghét chuyện bố mẹ luôn ra sức bênh vực cho thằng em. Ở tuổi nó, khi con chửi thề đã bị ăn đòn rồi trong khi nó nói thì bố mẹ không phản ứng gì cả”, Henry, 13 tuổi, chia sẻ trong bức xúc. 

Hãy nhớ rằng, con trẻ sẽ tôn trọng người lớn hơn nếu chúng thấy rằng bạn là một người biết xử sự công bằng trong mọi trường hợp. Ganh tỵ là bản tính của con trẻ, nhất là khi trẻ thấy rằng điều mình bức xúc là hoàn toàn hợp lý.

7. Hiểu cảm xúc của con

“Con buồn lắm, mẹ vẫn la rầy con ngay cả những lúc bản thân con đang cảm thấy rất đau khổ”, Erin, 17 tuổi, chia sẻ.

Khi con trẻ làm điều gì đó bạn buồn bã hay tức giận, có thể bản thân trẻ cũng đang có một vấn đề nào đó khó nói. Vì vậy, khi các bậc phụ huynh đang buồn bã, hãy hít một hơi thật sâu và bình tĩnh hơn, để cho mình một cái nhìn khác hay một cơ hội để nghĩ về tâm trạng của con mình. 

8. Thông cảm trong những trường hợp nhất định

“Đôi khi con ở lại nhà bạn vì lỡ say đến mức không thể lái xe an toàn, nhưng đành nói là làm việc xuyên đêm. Nếu con thú thật chuyện này, họ sẽ giận dữ và lo lắng”, Aaron, 19 tuổi, nói.

Nếu con bạn có lỡ phạm sai lầm và thành khẩn thú nhận, ngay vào thời điểm ấy hãy thông cảm với con thay vì vội vàng la mắng bởi ít ra trẻ đã có can đảm thừa nhận. Còn việc nói chuyện nghiêm túc về vấn đề đó, hãy vào một thời điểm thích hợp hơn và khi ấy con trẻ chắc chắn sẽ lắng nghe lời dạy bảo của bạn.

9. Đối xử với con phù hợp với lứa tuổi

“Con không thể chịu được khi cha mẹ lúc thì bảo rằng con hãy suy nghĩ và hành động như người lớn, lúc thì bảo rằng con còn nhỏ quá nên không thể làm điều gì đó. Con đã 17 tuổi rồi mà”, Izzy tâm sự. 

“Phù hợp lứa tuổi” là một khái niệm cực kỳ chủ quan theo ý người nói. Điều đó có thể gây hiểu nhầm giữa cha mẹ và con trẻ, nhất là tuổi mới lớn. Để tránh điều đó, ngay từ đầu bạn nên đặt ra cho con những hạn mức chính xác cho một số việc nhất định. Ví dụ như con không được phép ở lại nhà bạn bè qua đêm cho đến khi xong cấp ba…

10. Hãy tin tưởng ở con

“Cha mẹ không tin tưởng rằng con không bị nghiện. Và con thực sự ghét khi họ chỉ tin vào lời người khác nói thay vì tin lời con mình” Steven, 15 tuổi, bức xúc.

Việc liên tục buộc tội con làm sai cái này cái nọ trong khi các bậc cha mẹ chỉ nghe người khác kể lại mà không có bằng chứng xác đáng sẽ là mầm mống của sự hiểu lầm sâu sắc sau này. Sự tin tưởng luôn là nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ. Vì vậy, hãy tin tưởng chúng đến khi có bằng chứng ngược lại.

Mộc Miên (theo MSN)

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook